Janet Yang và 'nhiệm vụ đặc biệt' với Oscar

04/08/2022 20:35 GMT+7 | Giải trí

Nhà sản xuất phim Janet Yang (66 tuổi) đã được bầu làm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) theo thông báo mới nhất của tổ chức này. Như vậy, Janet Yang trở thành Chủ tịch người Mỹ gốc Á đầu tiên và là người thứ 36 “cầm trịch” Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (gọi tắt là Viện hàn lâm) trong 95 năm lịch sử.

Các giải thưởng chính của Oscar 2022

Các giải thưởng chính của Oscar 2022

CODA - bộ phim về một gia đình khiếm thính của Sian Heder - đã giành tượng vàng Oscar 2022 sau những chiến thắng liên tiếp tại lễ trao giải của Hiệp hội Diễn viên điện ảnh và Hiệp hội Nhà sản xuất.

Janet Yang được 54 thành viên trong Ban điều hành của Viện Hàn lâm bầu chọn và kế nhiệm Chủ tịch sắp mãn nhiệm là David Rubin - một giám đốc casting kỳ cựu.

Hứa hẹn đưa Oscar thoát khỏi cảnh ảm đạm

Cùng với Giám đốc điều hành Viện Hàn lâm - Bill Kramer, người được bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 6 - bà Janet Yang sẽ điều hành tổ chức này để theo dõi sự phát triển liên tục trong ngành công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Janet là tìm lại sự ổn định cho lễ trao giải Oscar, trong bối cảnh sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh này vào những năm gần đây đang bị nhiều bê bối vây bủa và tỷ lệ khán giả theo dõi ngày càng giảm.

Chú thích ảnh
Nhà sản xuất người Mỹ gốc Hoa Janet Yang

Thực tế, sau nhiều năm sụt giảm về tỷ lệ khán giả theo dõi, chương trình phát sóng của lễ trao giải Oscar năm nay đã thu hút lượng khán giả lớn hơn so với chương trình năm 2021. Nhưng 16,6 triệu người xem vẫn là con số thấp thứ 2 trong lịch sử trao giải. Ngoài ra, lễ trao giải năm nay đã bị gặp phải sự cố lớn bất ngờ khi Will Smith tát Chris Rock trên sân khấu khi nam diễn viên da màu đoạt giải Oscar bực tức với câu nói đùa của MC về bệnh rụng tóc của vợ mình. Smith đã từ bỏ tư cách thành viên AMPAS và bị cấm tham dự bất kỳ sự kiện nào của Viện Hàn lâm trong thập kỷ tiếp theo.

Giám đốc điều hành AMPAS Bill Kramer tuyên bố: “Janet là một nhà lãnh đạo vô cùng xuất sắc về chiến lược, là người có thành tích đáng kinh ngạc tại Viện Hàn lâm. Bà đã có công trong việc khởi động và phát triển một số sáng kiến của AMPAS về tuyển dụng thành viên, quản trị, tìm kiếm sự công bằng, đa dạng và hòa nhập”.

“Tôi rất vui vì Janet đảm nhận vai trò quan trọng này và mong muốn được hợp tác chặt chẽ với bà về sứ mệnh chung để phục vụ hội viên của Viện, tôn vinh nghệ thuật điện ảnh và truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà làm phim tiếp theo” - ông nói thêm.

Từ năm 2019, Janet đã “có chân” trong Ban điều hành của Viện Hàn lâm sau vụ bê bối #OscarsSoWhite nhằm giúp thúc đẩy việc kết nạp thêm nhiều các thành viên đa chủng tộc vào Viện Hàn lâm. Đáng nói, Janet Yang là người da màu thứ hai trở thành Chủ tịch Viện Hàn lâm sau Cheryl Boone Isaacs - một người Mỹ gốc Phi - đồng thời là người phụ nữ thứ 4 đảm nhiệm vai trò này sau Bette Davis, Fay Kanin và Cheryl Boone Isaacs.

Do vị trí Chủ tịch AMPAS không phải làm việc “full-time” (không giống như vị trí Giám đốc điều hành của Viện) nên Janet Yang vẫn có thể tiếp tục công việc riêng với tư cách là người đứng đầu Janet Yang Productions - một công ty phát triển các dự án điện ảnh gắn với các chủ đề về châu Á.

Chú thích ảnh

Người “bắc cầu” xuất sắc

Janet Yang sinh ra ở Queens, New York, trong một gia đình người nhập cư Trung Quốc. Ở Hollywood, bà được biết đến là “mẹ đỡ đầu của những người Mỹ gốc Á trong ngành”. Janet có bằng thạc sĩ về nghiên cứu văn hóa Trung Quốc của đại học Brown và bằng thạc sĩ Luật của Đại học Columbia. Bà là Chủ tịch của World Entertainment tại San Francisco.

Janet đã bước chân vào showbiz bằng cách kết nối những nhân vật chủ chốt trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc và Hollywood để thực hiện những bộ phim như Empire of the Sun, trước khi trở thành nhà sản xuất của các bộ phim bao gồm The Joy Luck ClubThe People vs. Larry Flynt. Bà đã khôi phục việc phát hành phim Hong Kong (Trung Quốc) ở đặc khu này và giành được quyền đại diện độc quyền ở Bắc Mỹ cho tất cả các bộ phim được sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có phim của các đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca.

Nỗ lực sản xuất đầu tiên của Janet Yang là bộ phim tài liệu East to West: America Through the Eyes of a Chinese (tạm dịch: Đông sang Tây: Nước Mỹ qua con mắt của người Trung Quốc). Bộ phim ghi lại cuộc hành trình bằng ô tô xuyên nước Mỹ của hai sinh viên Trung Quốc và những lần gặp gỡ với các người Mỹ trên đường. Bộ phim này đã được giới thiệu trên Good Morning của Charles Kuralt (Mỹ), được bán cho Disney Channel và được đánh giá cao. East to West quy tụ dàn diễn viên và ê-kíp đến từ Trung Quốc, bao gồm cả đạo diễn Lý An là người phụ trách âm thanh.

Chú thích ảnh
Poster “Over The Moon” – phim hoạt hình được đề cử giải Oscar do Janet Yang sản xuất

Sự nghiệp của Janet Yang ở Hollywood bắt đầu khi bà được một số hãng phim lớn thuê để giới thiệu lại điện ảnh Mỹ với thị trường Trung Quốc sau một thời gian dài gián đoạn. Từ năm 1985 đến năm 1987, bà đại diện cho 3 hãng phim lớn - Universal, Paramount, và MGM/United Artists - trở thành “đầu mối” bán các bộ phim của Mỹ đầu tiên cho Trung Quốc kể từ năm 1949.

Từ năm 1989 đến năm 1996, Janet Yang là Chủ tịch của Ixtlan - công ty do bà thành lập cùng đạo diễn từng đoạt giải Oscar Oliver Stone - và dẫn dắt tất cả các lĩnh vực sản xuất của công ty. Tại Ixtlan, bà sản xuất The People vs. Larry Flynt của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Milos Forman, với sự thủ diễn chính của Woody Harrelson, Courtney Love và Edward Norton. Bộ phim đã giành giải Quả cầu vàng năm 1996 cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản xuất sắc nhất, đồng thời được đề cử giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Janet là tìm lại sự ổn định cho lễ trao giải Oscar, trong bối cảnh sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh này vào những năm gần đây đang bị nhiều bê bối vây bủa và tỷ lệ khán giả theo dõi ngày càng giảm.

“Mẹ đỡ đầu” của người Mỹ gốc Á ở Hollywood

Đáng nói hơn, Janet còn là nhà sản xuất của bộ phim The Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội - 1993). Đây là phim kể về mối quan hệ giữa những cô gái Mỹ gốc Hoa và các bà mẹ Trung Quốc của họ, được dàn dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Amy Tan và do Wayne Wang đạo diễn. Và Janet Yang còn sản xuất serie phim truyền hình hình sự cho HBO - Indictment: The McMartin Trial. Phim đã giành được giải Emmy và Quả cầu vàng cho Phim truyền hình hay nhất.

Sau 7 năm làm việc tại Ixtlan, Janet Yang thành lập Công ty Điện ảnh Manifest cùng với Lisa Henson. Manifest đã sản xuất nhiều phim như High Crimes của Carl Franklin, với Morgan Freeman thủ diễn chính; The Weight of Water của đạo diễn từng đoạt giải Oscar Kathryn Bigelow với diễn viên chính là Sean Penn; Zero Effect, với sự tham gia của Bill Pullman và Ben Stiller; và Savior với sự tham gia của Dennis Quaid. Yang cũng từng là Giám đốc điều hành phụ trách nội dung sáng tạo và sản xuất tại Tang Media Partners do Donald Tang thành lập.

Trong nhiều năm trở lại đây, Janet Yang đã sản xuất bộ phim nổi tiếng Dark Matter (Vật chất bí ẩn) do Trần Sĩ Tranh (Chen Shi Zheng) đạo diễn, với vai chính do diễn viên Trung Quốc Lưu Diệp (Liu Ye) và nữ minh tinh Hollywood Meryl Streep đảm nhiệm. Dark Matter được công chiếu lần đầu tại LHP Sundance 2007 và giành được giải Alfred P. Sloan danh giá. Năm 2009, Janet Yang được Disney Studios săn đón để sản xuất High School Musical cho khán giả Trung Quốc. Tiếp đó bà sản xuất phim hài lãng mạn Shanghai Calling (2012) lấy bối cảnh ở Thượng Hải đương đại do Daniel Hsia đạo diễn. Dự án gần đây nhất của bà - Over The Moon (Vươn tới cung trăng) cho Netflix là một bộ phim hoạt hình dựa trên câu chuyện độc đáo của bà lấy cảm hứng từ nữ thần mặt trăng của Trung Quốc. Nhà làm phim hoạt hình nổi tiếng Glen Keane giữ vai trò đạo diễn phim.

Vài nét về Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh

Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (AMPAS) được thành lập năm 1927 tại Mỹ với mục đích vinh danh những thành tựu sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh. Hiện AMPAS có khoảng gần 10 ngàn hội viên là những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, phần lớn trong số họ là các nghệ sĩ điện ảnh Mỹ. Ngoài ra trong thời gian gần đây, AMPAS đã kết nạp thêm các hội viên đến từ các nền điện ảnh khác. Tính đến năm 2004 Viện có đại diện của 36 nền điện ảnh trên thế giới.

AMPAS được biết đến nhiều nhất thông qua Oscar - giải thưởng điện ảnh được cơ quan này bầu chọn và tổ chức từ năm 1929. Ngoài ra, AMPAS còn trao giải Oscar sinh viên cho các nhà làm phim trẻ, cũng như một số học bổng thuộc chuyên ngành điện. Vào năm 2021, AMPAS đã khánh thành Bảo tàng Viện Vàn lâm về Điện ảnh ở Los Angeles.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm