'Jane Hà Nội' lên sân khấu kịch

12/04/2014 10:21 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1972, nữ minh tinh Hollywood Jane Fonda đã tới Hà Nội khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt. Bức ảnh chụp “Jane Hà Nội” (biệt danh của bà) tươi cười cạnh pháo phòng không cùng người Hà Nội đã trở thành biểu tượng phản chiến nổi tiếng, nhưng cũng vì thế mà bà bị một số nhóm cựu binh Mỹ căm ghét.

Hơn 40 năm sau khi bức ảnh này ra đời, những câu chuyện đằng sau nó sẽ lần đầu được kể rõ trong vở kịch The Trial Of Jane Fonda (tạm dịch: Sự gian nan của Jane Fonda).Vở kịch sẽ được công diễn tại Liên hoan Nghệ thuật Edinburgh 2014, diễn ra vào tháng 8, với vai chính do Anne Archer đảm nhiệm.

Siêu sao Hollywood ở giữa lòng Hà Nội

Terry Jastrow là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn vở kịch. Jastrow đã “kịch hóa” cuộc gặp gỡ giữa Fonda và 26 cựu binh từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam hồi năm 1988 ở Waterbury, bang Connecticut (Mỹ).

Tại sao Fonda lại có cuộc gặp gỡ với các cự binh Mỹ? Chuyện là, trong thời gian quay Stanley & Iris, bộ phim hài lãng mạn mà Fonda thủ diễn chính bên cạnh tài tử Robert de Niro, nhóm người này đã tới đe dọa họ sẽ gây cản trở.

“Đụng độ” bất ngờ với những người chỉ trích mình, Fonda vẫn bình tĩnh sắp xếp một cuộc gặp riêng với họ trong một căn phòng riêng. Tại đây, không hề có người bảo vệ bên cạnh, bà đã trò chuyện với họ trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Nước mắt lăn dài trên má, lần đầu tiên bà đã kể cho họ nghe câu chuyện tại sao mình lại tìm đến Việt Nam.


Jane Fonda chụp ảnh bên khẩu pháo trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm 1972

Khi đặt chân đến Việt Nam năm 1972, Fonda mới 35 tuổi và đang ở đỉnh cao danh tiếng. Lúc đó bà đã đoạt giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với phim Klute (1971). “Trước đó, Fonda chưa hề hoạt động vì bất cứ mục đích gì, thậm chí bà cũng chẳng hề theo dõi cuộc chiến tranh ở Việt Nam” - Jastrow nói.

Tuy nhiên, trong thời gian nằm dưỡng thai ở Paris, Fonda bắt đầu quan tâm tới chính trị, bởi liên tục được xem những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam qua truyền hình. “Trong những hình ảnh phát trên TV có nhiều gương mặt trẻ măng, họ chỉ mới 18-19 tuổi, nhưng đã phải cầm súng tham gia cuộc chiến. Hàng chục ngàn người trẻ tuổi như họ đã ngã xuống” - Jastrow nói.

Nghi ngờ độ chân thực trong chiến dịch tuyên truyền của chính quyền Tổng thống Richard Nixon, Fonda đã quyết định cầm máy ảnh tới Việt Nam. Trong 14 ngày ở đây, lúc đứng trong những đường hào, bà đã chứng kiến các cuộc dội bom khủng khiếp của máy bay Mỹ.

Chỉ kể lại sự thực

Tuy nhiên Fonda đi tới đâu cũng không thoát khỏi ống kính máy ảnh của các phóng viên phương Tây cũng như bản xứ. Một trong những bức ảnh chụp bà ngồi bên khẩu pháo phòng không đã khiến không ít người Mỹ ủng hộ chiến tranh tức giận. Họ gọi bà là kẻ phản bội khi cười nói bên cạnh khẩu pháo đã bắn vào máy bay Mỹ. Song những người phản chiến lại nhìn nhận Fonda là nhà hoạt động vì hòa bình.

Để tìm hiểu rõ những quan điểm trái chiều về chuyến đi của Fonda và lấy thông tin cho dự án điện ảnh đang ấp ủ, đạo diễn Jastrow đã tới Hà Nội, gặp gỡ những thông dịch viên từng làm việc với Fonda, thăm những nơi nữ minh tinh từng đặt chân đến, gồm cả nơi đặt khẩu pháo mà Fonda từng chụp ảnh.

Qua chuyến đi, đạo diễn Jastrow biết được rằng, bất cứ ai từng tiếp xúc với Fonda trong lần tới Việt Nam của bà đều biết bà không bao giờ chế giễu lính Mỹ. Khi từ Việt Nam trở về, đạo diễn Jastrow đã thực hiện cuộc phỏng vấn Fonda kéo dài 4 ngày tại trang trại của bà ở Santa Fe, cũng như gặp một số cựu binh ở Waterbury.

Jastrow đã muốn làm phim về cuộc gặp gỡ giữa Fonda và các cựu binh Mỹ ở Waterbury, song bị 2 nhà sản xuất Hollywood từ chối. Không từ bỏ, Jastrow quyết định thay đổi kịch bản phim của mình, soạn thành vở kịch The Trial Of Jane Fonda.

Jastrow cho biết, Fonda không hề xem kịch bản và cũng không đầu tư cho vở kịch này. “Bà nói với tôi: “Anh không biết mình sẽ bị công kích và sẽ bị trút giận như thế nào đâu” - ông kể.

Tuy nhiên, Jastrow vẫn hy vọng sẽ có thể sản xuất một dự án điện ảnh dựa trên kịch bản này. “Đây chính là sự thực đằng sau bức ảnh. Tôi là một người kể chuyện, không phải là một nhà chính trị hay sử gia. Tôi chỉ muốn mọi người biết được sự thực và tự đưa ra lời phán xét” - Jastrow nói.

Lịch trình của “Jane Hà Nội”

Khi Mỹ đang phát động chiến dịch ném bom, Jane Fonda đã một mình đến Việt Nam và lưu trú tại khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội). 2 tuần ở Việt Nam, Fonda đã đi thăm Bệnh viện Bạch Mai, khu Trương Định, nhà trẻ 20/10, một số trận địa pháo của phía Việt Nam... Sau chuyến đi này, bà đã được đặt cho biệt danh “Jane Hà Nội”.

Là một nhà hoạt động vì hòa bình, Fonda còn thể hiện tinh thần phản đối cuộc chiến tranh ở Iraq, cuộc xung đột ở Syria hiện nay và nạn bạo hành phụ nữ.

Việt Lâm (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm