Anh Ngọc và những cuộc trò chuyện với Cannavaro: Khi Fabio nhớ nhà

09/01/2012 11:34 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Thế là anh đã rời Việt Nam trở lại Dubai, để lại phía sau ba ngày đầy ắp các sự kiện ở Sài Gòn với các nhà tài trợ và đặc biệt là với người hâm mộ. Anh ra đi sau khi đã chào người hâm mộ Việt Nam và đã nói với họ những lời có cánh trong những cuộc phỏng vấn trong suốt chuyến đi. Nhưng những câu chuyện nhỏ của tôi với anh vẫn chưa kết thúc.

Nhà mới ở Dubai

Chắc chắn Fabio là một người hạnh phúc. Chỉ cần nhìn đôi mắt và nụ cười của anh, cũng như công việc hiện tại của anh, với tư cách là đại diện hình ảnh và tư vấn kĩ thuật cho một CLB đầy ắp tiền ở vùng Vịnh sau 30 năm gắn bó với trái bóng cùng rất nhiều thăng trầm là đủ hiểu. Anh chỉ có vẻ hơi trầm tư trong cả chuyến đi và giữ một thái độ hơi ngoại giao với những người xung quanh anh chưa quen biết, hoặc tìm cách che giấu những tình cảm thực sự của mình bằng cách liên tục mở chiếc BlackBerry để nhắn tin cho bạn hoặc cho vợ Daniela. Anh vui hơn khi dùng chiếc điện thoại đó để chụp ảnh đường phố Sài Gòn trong mỗi chuyến đi hoặc thổ lộ rằng anh rất thích ngắm thành phố này về đêm từ cửa sổ khách sạn Park Hyatt của mình ở trung tâm thành phố. Anh bảo anh đã vì tò mò muốn xem bóng đá Việt Nam thế nào mà nán lại sân Thống Nhất hơn 20 phút so với dự kiến để xem trận đấu giữa Saigon FC và HAGL. Anh cũng thích thú chứng kiến lũ trẻ U15 của trường năng khiếu thành phố Hồ Chí Minh tập luyện buổi sáng hôm đó. Và tình cảm của các tifosi trong buổi giao lưu ở Nhà văn hoá Thanh niên vào buổi sáng ngày anh chia tay Việt Nam chắc chắn sẽ còn mãi trong anh. Nhưng có vẻ trong chuyến đi này, Cannavaro hơi cô đơn, và anh nóng lòng trở về nhà. Nhà ở đây là Dubai. Những thử thách khác sau đó, chẳng hạn cụ thể là đến thi đấu hoặc làm HLV ở một nơi như Việt Nam (như có ai đó đã đặt câu hỏi cho ông Lê Hùng Dũng của Eximbank, đơn vị tài trợ cho chuyến đi, trong cuộc họp báo về việc đưa Cannavaro sang Việt Nam) anh chưa nghĩ đến. Tiền bạc ở đây không có ý nghĩa quyết định.









Những hình ảnh cuối của Cannavaro trước khi rời VN

Tại Dubai, anh đang sống cuộc sống mà anh muốn: buổi sáng là bãi biển, buổi chiều ở văn phòng của đội hoặc trên sân tập để không mất đi nỗi đam mê bóng đá. Ở Al-Ahli, nơi anh đã đá 16 trận cuối cùng của sự nghiệp cầu thủ (ghi 2 bàn thắng), áp lực là con số 0 trong một giải vô địch hầu như không có tính cạnh tranh. Các giờ học tiếng Anh cho anh (giờ anh đang nói một thứ tiếng Anh thuần thục), trường quốc tế cho các con anh và Cannavaro, từng chụp ảnh trong trang phục Arab, đang thích thú với cuộc sống của bậc đế vương. Khi bóng đá trở nên ít đi sau bao năm sống triền miên trong khách sạn và những chuyến đi thi đấu xa, là những đam mê mới: thuyền buồm và đua xe Công thức 1. Giáng sinh rồi là ngày cả gia đình lớn (có cả cậu em Paolo) tụ họp ở xứ sở Arab anh đang sống, dù “Napoli vẫn luôn là ngôi nhà thực sự của tôi”. Nhưng tại sao lại là Dubai, và tại sao luôn theo cách này: Năm 2006, anh là người đầu tiên rời khỏi Juve khi nghe tin đội bóng đang bị điều tra và có khả năng xuống hạng B vì scandal; năm 2010, anh đã nhận lời về Al-Ahli khi mà Italia còn chưa thất bại ở World Cup năm ấy? “Tôi chọn Dubai một phần vì những gì đã xảy ra đối với bóng đá Ý trong những năm qua, bạo lực, khán giả sút giảm, thất bại của các CLB ở Cúp châu Âu. Người Ý cần phải làm một điều gì đó để thay đổi, nếu không Italia sẽ chỉ có thể giành được một Cúp vàng thế giới nữa sau 30 năm”. Nhưng trên thực tế, Cannavaro chạy trốn thực tại của calcio hay đơn giản chỉ là một người thức thời? “Tôi không biết có thể gọi mình là như vậy không. Ở Ý, người ta gọi tôi là kẻ cơ hội. Nhưng tôi biết mình là ai”.

Chạy trốn nước Ý?

Một nhà báo Italia nói với tôi, rằng ở Ý, người ta luôn nói rằng, lẽ ra Cannavaro không nên tham dự World Cup 2010, và anh dự giải đấu đó trên thực tế là để lập kỉ lục của cá nhân mình. Một tích tắc nhớ lại: ở cuối trận Italia-New Zealand, trận đầu tiên của đội Ý trong chiến dịch 2010 thất bại, Cannavaro trao đổi áo với người vô danh Smeltz đã làm tung lưới Italia. Một tờ báo bình luận: “Chúng ta cũng chỉ bằng họ. Đất nước chỉ có 25 cầu thủ chuyên nghiệp dạy bài học cho các nhà vô địch thế giới”. Thất bại ấy được trút cả lên đầu Cannavaro. “Đấy là một điều bất công. Tôi nhận trách nhiệm về thất bại trên tư cách đội trưởng, nhưng chúng tôi là một đội bóng. Tôi đã nghĩ đến việc trở lại Juventus từ Real theo sự thuyết phục của Lippi là để tiếp tục thi đấu trên đỉnh cao. Nhưng đấy là một sai lầm. Tôi lẽ ra phải về Napoli”. Sau hai năm không thành công ở Bernabeu, Cannavaro vẫn nghĩ rằng mình có thể lấy lại được phong độ tốt nhất và Juve là nơi có thể giúp anh làm điều đó, khi anh tạo thành nhóm nòng cốt cho đội tuyển Ý sẽ dự World Cup 2010 dưới tay Lippi, người thầy lớn nhất của anh. Nhưng báo chí nói rằng, anh đến Juve thực ra là vì anh không đạt được thoả thuận tiền bạc với Napoli và giờ thì việc không kết thúc sự nghiệp ở đội bóng quê hương giờ là một trong những tiếc nuối lớn nhất đời anh. Ở Napoli, có đường Cavani, Hamsik và Lavezzi được làm tượng thạch cao, những bức tường vẫn có hình Maradona, nhưng không có gì liên quan đến Cannavaro, ngoại trừ kí ức. Hiện tại của anh với Napoli thỉnh thoảng gắn với những cuộc điều tra liên quan đến các vụ rửa tiền của camorra (mafia Napoli), và những nhà báo Italia đến giờ vẫn chưa muốn buông tha anh vì chưa muốn dừng lại việc hạ gục một huyền thoại. Họ không quên những mối quan hệ của Cannavaro với Moggi và công ti Gea đầy bê bối của con trai ông ta, chưa quên cái cách mà Cannavaro đã chạy thoát khỏi những CLB đang gặp rắc rối.

Tôi nhắc lại cho anh, rằng Arrigo Sacchi đã từng nói Quả bóng vàng anh đoạt được năm 2006 là “Quả bóng thiếc”, vì “sự khác biệt giữa một cầu thủ kiến tạo bóng đá và phá bóng đá như ngày với đêm”, rằng HLV nổi tiếng nói thẳng Zdenek Zeman khẳng định, “Italia đã đoạt một Cúp vàng xấu xí”. Anh cười, bảo: “Sacchi và Zeman cứ việc nói. Sacchi đã thua trong trận chung kết World Cup vì penalty, còn chúng tôi thắng. Zeman chưa từng đoạt Scudetto”. Phải, nhưng Cannavaro đã đoạt 2 Scudetto với Juve để rồi bị tước tất cả. Italia giờ không còn là nhà anh nữa, và ở Việt Nam xa xôi, anh nhớ về Dubai. Ở đấy, có nắng, có gió, có rất nhiều tiền, một cuộc sống vương giả, và anh vẫn là một ngôi sao lớn trong mắt tất cả. Kể cả ở đây, Việt Nam.

Tôi được vào tận cửa check-in ở Tân Sơn Nhất để tiễn anh. Một cái bắt tay và sau đó là cọ hai má. Anh tặng tôi chiếc áo số 5 màu xanh nước biển với dòng chữ “Cám ơn vì đã phiên dịch cho tôi”. Tôi chúc anh lên đường may mắn và hẹn gặp lại anh ở Việt Nam. Anh cười bảo hẹn gặp tôi ở Ý. Tôi và anh gặp lại ở đâu không quan trọng, nhưng tôi tin là rồi đây anh sẽ trở lại Việt Nam, trong một kì nghỉ hè nào đó. Anh từng hỏi tôi rằng ở Việt Nam, đi nghỉ ở đâu là đẹp nhất. Tôi bảo Việt Nam có Hạ Long, di sản thế giới, và Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Anh hứa, anh sẽ kiếm tìm thông tin chi tiết các nơi đó và sẽ trở lại. Các tifosi Việt Nam chờ anh.

Anh Ngọc(từ thành phố Hồ Chí Minh)

  • Trong vòng vây của các tifosi

    Anh đến trong vòng vây và anh trở về cũng thế. Ngày anh đặt chân đến Tân Sơn Nhất, hàng trăm tifosi đã đổ xô về phía anh để chỉ được nhìn anh một lần. Ngày cuối cùng của anh ở Việt Nam, anh tiếp tục nghe những tiếng khóc nức nở từ một số cổ động viên nữ đứng cách anh một hàng rào. Cannavaro không còn chơi bóng, không phải là một cầu thủ sáng chói trong mắt người hâm mộ vì anh chỉ là một hậu vệ, và đặc biệt là hình ảnh bóng đá Ý ở Việt Nam đã mờ nhạt hơn nhiều so với bóng đá Anh và Tây Ban Nha, nhưng điều đó không có nghĩa là anh không được chào đón.

    Lượng tifosi ở miền nam đã đổ về Sài Gòn trong những ngày anh ở đây, khá đông trong ngày đầu anh đến và đông hơn thế nữa trong ngày anh giao lưu với họ ở Nhà văn hoá thành phố. Nhóm tifosi miền bắc thậm chí đã gửi cả một bức thư cho anh và nhờ các trợ lí của anh trao tận tay anh. Các diễn đàn bóng đá Ý tại các thành phố lớn đã chuẩn bị hết sức chu đáo và kĩ lưỡng các chương trình đón tiếp và giao lưu với Cannavaro. Ở buổi giao lưu, một cô bé 16 tuổi không biết tiếng Ý nhưng đã cố gắng học thuộc bản ballad kinh điển “L’Italiano” để hát cho anh nghe trong ngày giao lưu. Những đứa trẻ sung sướng được Cannavaro tặng áo. Lần đầu tiên kể từ 15 năm nay, một cầu thủ nổi tiếng của Italia sau Gianluca Vialli đặt chân đến Việt Nam, điều khiến báo chí Ý vốn thờ ơ với các ngôi sao đã giải nghệ, cũng tỏ ra quan tâm đến sự kiện này. Nhưng đây là lần đầu tiên một nhà VĐTG người Ý đến giao lưu và gần gũi với người hâm mộ đến thế, để lại trong họ những kỉ niệm rất đẹp.

    Bây giờ, người hâm mộ Việt Nam chờ đợi những ngôi sao và đội bóng lớn nữa. Cái đích tiếp theo là ai? Barcelona và Messi! Barcelona, Messi…

Mời các bạn đón đọc phần cuối các cuộc trò chuyện của nhà báo Anh Ngọc và danh thủ huyền thoại Fabio Cannavaro trong chuyên mục “Anh Ngọc & Calcio” trong số báo ngày mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm