Interinho đích thực: Bao giờ?

26/02/2009 11:45 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Những trái tim Inter đập thình thịch trong lồng ngực cho đến tận phút 93, khi Cristiano Ronaldo thử tài Julio Cesar bằng một cú sút phạt. Nhưng đêm San Siro là của thủ môn người Brazil. Đội bóng Anh trở về xứ sở sương mù bằng một trận hòa không bàn thắng, và xét cục diện trận đấu và những cơ hội có được, đấy là một thất bại với họ. Còn gì để nói cho Inter?

Sau 10 năm, chẳng có gì thay đổi. Cũng như 2 trận đấu ở tứ kết Champions League 1998/99, thế trận hầu như hoàn toàn thuộc về M.U. Những khoảnh khắc bùng lên ngắn ngủi ở đầu hiệp 2 của trận đấu đêm thứ Ba trên sân San Siro thậm chí còn để lại ít ấn tượng hơn chính Inter đối đầu với M.U 10 năm về trước. Inter hồi ấy đang chìm trong một cuộc khủng hoảng nặng nề về phong độ và nhân sự, khi HLV lúc ấy là người tạm quyền Lucescu thay Simoni bị sa thải, chứ không phải là một Inter mạnh mẽ và thống trị hoàn toàn Serie A bây giờ, với một HLV tầm cỡ thế giới như Mourinho.
 
Nếu như 10 năm trước thất bại trước đội bóng của Ferguson được cho là bởi tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng trong CLB, thì tất cả các chuyên gia calcio đều thừa nhận rằng, việc Inter không thua M.U trong trận lượt đi hiện tại là bởi may mắn đã đứng về phía họ, trong khi sự chênh lệch rõ ràng về kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao là không thể phủ nhận. Trong hơn 1 thập niên của triều đại Moratti, người dẫn dắt đội bóng bị cho là điểm yếu lớn nhất của họ trong việc không thắng lợi chứ không phải là cầu thủ, và đó là lí do tại sao Mourinho được đưa về. Mourinho bây giờ đã ở đây, nhưng một khi những chiến thắng làm nức lòng các interisti vẫn chưa đến và một lần nữa Inter gây thất vọng, thì vấn đề của CLB này còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
 
Interinho đích thực: Bao giờ?

Người hùng Julio Cesar & nỗi đau của Inter

Đêm thứ Ba, Inter được đá trên sân nhà, nhưng việc thủ môn đối phương làm khách du lịch trong hầu hết thời gian trận đấu, trong khi Julio Cesar là cầu thủ chơi hay nhất trên sân, là một minh chứng cho thấy rõ, để đoạt Champions League mùa này, Mourinho phải làm những việc hết sức phi thường mới có thể với đến những gì mà M.U đã xây đắp nên trong một năm qua trên chiến trường châu Âu.
 

 
Trong 7 trận đấu Champions League mùa này, Inter chỉ thắng được đúng 2 trận trong khi 5 trận còn lại đều hết sức khó khăn và chưa khi nào họ thể hiện được sức mạnh tuyệt đối như đã thấy trước các đội bóng Serie A. Sự bế tắc được nhìn thấy rõ ở tất cả các vị trí, trừ cánh trái của Santon, chàng trai mới 19 tuổi ra mắt lần đầu ở Cúp châu Âu và ngay lập tức có một “khách hàng” cỡ bự có tên C.Ronaldo. Sự tập trung dày đặc của M.U ở trung tuyến đã chia cắt các tiền vệ và tiền đạo của Inter, biến hiệp 1 của họ thành một cơn ác mộng nặng nề (nhưng ngay cả hiệp 2 cũng không khá hơn).
 
Những ai muốn có cơ hội so sánh Ibrahimovic trên tầm thế giới với Ronaldo đã nhìn thấy tất cả, dù cầu thủ người Thụy Điển đã hết sức cố gắng. Các hậu vệ (nhất là Rivas) rối loạn trước những đường bóng cắm về phía họ. Sự xuất hiện thường xuyên của Park Ji Sung và Giggs bên cánh trái đã găm chặt Maicon ở vị trí phòng ngự, tước đi của Inter một giải pháp tấn công sắc bén. Những nhân tố quan trọng nhất của hàng tiền vệ, từ Muntari (mắc vô số sai lầm) đến Stankovic (bị kẹp giữa Fletcher và Carrick) luôn trong tầm kiểm soát chặt chẽ. May mà còn có Cesar…

Sẽ là quá lạc quan nếu nghĩ tỉ số 0-0 là một lợi thế nhất định đối với một đội bóng không có phong độ và tinh thần Champions và sẽ là kì cục nếu cứ nằm mơ M.U sẽ lại bỏ lỡ cả tá cơ hội ghi bàn trong trận lượt về trên sân Old Trafford. Xét trên những gì đã diễn ra, thì hòa không bàn thắng, với phong độ chói sáng của Cesar, là điểm tích cực duy nhất đem đến những hy vọng cho Inter ở lượt về. Nhưng cơ hội thực tế của đội bóng Mourinho sẽ còn lại rất ít, thậm chí không còn gì nữa, một khi vị HLV người BĐN không giải quyết được những bế tắc chiến thuật và nhân sự như ở lượt đi.

Những điều chỉnh của Mourinho với việc tung vào sân Balotelli và Cruz trong hiệp 2 hoàn toàn vô nghĩa và thậm chí chỉ mang ý nghĩa tuyệt vọng: đã bao giờ trong mùa này, vị HLV người BĐN có trong tay một hàng công mạnh mẽ và sắc sảo như những năm dưới thời Mancini? Ngoài Ibrahimovic, không một ai trong số các tiền đạo còn lại đem đến một niềm tin chắc chắn rằng, họ có thể ghi bàn thắng và đưa đội đến chiến thắng. Còn hàng tiền vệ? Chỉ thiếu mỗi Vieira, nhưng những người còn lại là những cầu thủ tối ưu cho đội hình xuất phát. Những người còn lại trên ghế dự bị không đem lại sự đảm bảo, bởi một người quá già (Figo) và một người không có kinh nghiệm chiến đấu đỉnh cao (Jimenez).

Tất cả những con bài đều đã được Mourinho tung ra sân. Thế mà ở San Siro, mãi đến phút 84 Ferguson mới đưa Rooney vào sân (nếu anh xuất hiện sớm hơn, cục diện có lẽ khác nhiều), trong khi không thèm dùng Scholes hay Tevez (cất trên ghế dự bị), nghĩa là vị người HLV xứ Scotland còn rất nhiều quân bài cho trận lượt về. Mourinho chỉ còn trông cậy vào sự bình phục sau đây 2 tuần nữa của Samuel và Vieira, những nhân tố phòng ngự chứ không phải tấn công như của Ferguson, người chắc chắn sẽ áp dụng lối chơi tấn công ở lượt về. Cũng cần lưu ý thêm, M.U sẽ có sự trở lại của Vidic ở lượt về...
 
Crespo, anh ở đâu?

Sau 5 năm đối đầu, có lẽ Mourinho không còn mới lạ với Ferguson nữa. Porto 2004 cũng như Chelsea những năm sau đó của Mourinho đã chiến thắng M.U bằng các tình huống bóng chết và tốc độ trong phản công. Inter không làm được điều đó ở lượt đi, nhưng Mourinho vẫn tin, Inter sẽ như thế ở lượt về. Bao giờ ta mới được thấy một “Interinho” đích thực có khả năng chiến thắng Champions? Hy vọng là ở Old Trafford, nơi mà M.U chưa hề thua lần nào tại Champions League kể từ TK mùa 2004/05, khi một cú đánh đầu của Crespo giúp Milan hạ gục M.U 1-0 ngày 22/2/2005.

Ai sẽ là Crespo của ngày đó một khi Crespo bây giờ thậm chí còn chưa có nổi bàn nào với Inter trong suốt mùa giải này? Muntari liệu có trở thành Gattuso và Ibrahimovic có thể hiện được hơn Kaka 2 năm trước, khi một người làm Ronaldo tắt điện, người kia làm lu mờ tiền vệ người BĐN để sau đó đoạt Quả bóng vàng châu Âu, trong cuộc đấu mà Milan trở thành đội bóng duy nhất trên toàn cõi châu Âu đánh bại M.U 3/4 lần gặp mặt gần nhất?
Hồ sơ: 66% cơ hội cho Inter: Hòa 0-0 sân nhà. Và sau đó?

Cứ hòa ở trận lượt đi tại San Siro trong các vòng knock-out ở Cúp châu Âu, dù với bất cứ tỉ số nào, Inter chỉ có đúng 50% cơ may đi tiếp. Kể từ khi tham dự Cúp châu Âu đến nay, đã 12 lần Inter hòa đối phương trong trận lượt đi tại sân nhà và chỉ có 6 lần trong đó đi tiếp vào vòng sau, nhưng cũng không thể đoạt Cúp, dù 2 lần trong đó đã vào đến CK.

Mùa 1966/67, Inter của Herrera đã hòa CSKA CZ của Bulgaria 1-1 ở lượt đi vòng BK Cúp C1, trước khi hòa tiếp 1-1 ở lượt về và cặp đấu này chỉ phân định thắng thua ở trận đấu lại. Tại CK, Inter đã thua Celtic 1-2 ở Lisbon. 5 năm sau đó, Inter đã hòa Celtic trong cả 2 lượt trận BK Cúp C1 với tỉ số 0-0 trước khi thắng bằng penalty, để rồi sau đó thua Ajax 0-2 trong trận CK ở Rotterdam (cả 2 bàn do công của Cruyff). Gần nhất, tại BK Cúp UEFA mùa 2001/02, Inter đã hạ Valencia ở TK 1-0 trên sân Mestalla sau khi hòa 1-1 ở San Siro. Tại BK, họ thua đội sau đó đoạt Cúp là Feyennoord 0-1 sau khi hòa 2-2 trên sân nhà.

Trong 12 trận này, có 3 trận Inter hòa không bàn thắng trên sân nhà thì chỉ 1 lần bị loại, là tại TK Cúp C2 mùa 1978/79, khi thua CLB Bỉ Beveren 0-1. Hai lần còn lại, Inter đều vào vòng trong, nhưng đều cực kì khó khăn, và không trong 90 phút chính thức: phải bằng penalty (trận gặp Celtic ở BK Cúp C1 mùa 1971/72) và bằng hiệp phụ (vòng 3 Cúp UEFA 1985/86, thắng Legia Varsava 1-0 ở lượt về trên đất Ba Lan, bàn quyết định do Fanna ghi ở phút 108. Mùa đó, Inter thua Real ở BK).

Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN tại Italia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm