Ibrahimovic tuổi 40: Tự tin và... tàn nhẫn hơn bao giờ hết

07/10/2021 11:58 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ nhật vừa rồi (3/10), Zlatan Ibrahimovic kỷ niệm sinh nhật thứ 40. Đáng chú ý, lão tướng người Thụy Điển vẫn chưa từ bỏ nghiệp quần đùi áo số, và anh vẫn đang là chân sút danh tiếng bậc nhất Serie A hiện nay. 

Ibrahimovic: 'Tôi giỏi hơn Messi và Ronaldo'

Ibrahimovic: 'Tôi giỏi hơn Messi và Ronaldo'

Zlatan Ibrahimovic tự nhận mình là 'cầu thủ giỏi nhất thế giới'. Tiền đạo 39 tuổi khẳng định Messi và Ronaldo chỉ hơn anh về số danh hiệu, không hơn về tài năng.

 

Thành thật mà nói, Ibra không đơn thuần là chỉ tiếp tục theo đuổi nghiệp cầu thủ. Giống như một cựu vô địch quyền Anh hạng nặng, anh không chấp nhận sự giới hạn của cơ thể. Sau khi Cristiano Ronaldo và Lukaku lần lượt ra đi, Ibra chính là chân sút danh tiếng nhất, và có lẽ cũng nguy hiểm bậc nhất của Serie A. 

Chúng ta vẫn coi sự hiện diện của Ibrahimovic là một điều hiển nhiên. Anh tạo cho người ta cảm giác rằng nếu nhảy vào bất cứ CLB nào, anh cũng sẽ là thống soái hàng công và sẽ ghi một lô bàn thắng. Dẫu vậy, những gì chúng ta chứng kiến ở Milan vẫn hoàn toàn khó tin, thậm chí được coi là độc nhất vô nhị trong thế giới bóng đá. 

 

 

Một Ibra độc nhất vô nhị

Ibrahimovic già hơn Nemanja Vidic, Joe Cole, và Michael Essien – những danh thủ đã thuộc về thì quá khứ. Anh cũng già hơn Mikel Arteta, người đã có hai năm dẫn dắt Arsenal. Anh cũng già hơn 4 tuổi so với người đồng đội cũ ở MU và giờ hiện là HLV Derby County – Wayne Rooney. 

Thực ra thì việc các ông già gân vẫn thi đấu ở Ý ở tuổi 40 không phải là quá hiếm. Theo thống kê, có 21 lão tướng vẫn thi đấu tại Serie A khi đã bước sang tuổi tứ tuần. Nhưng trong số đó có 13 người là thủ môn, vị trí đỡ bị hao sức và được xem là có tuổi thọ cao hơn, 2 người nữa thi đấu ở thập niên… 40 và 50 của thế kỷ trước, vốn đòi hỏi ít thể lực hơn bây giờ. Nhưng trong số đó, ít ai sánh được Ibrahimovic về đẳng cấp chơi bóng khi ở độ tuổi ấy.

Francesco Totti kỷ niệm sinh nhật thứ 40 vào tháng 9/2016 và đã thi đấu hết mùa giải 2016-17. Nhưng cho dù được đá chính ở Europa League và Cúp Ý, “hoàng tử Roma” đã không được đá chính lần nào ở Serie A kể từ sau lễ sinh nhật. Anh vào sân từ ghế dự bị 17 trận, với thời lượng trung bình 16 phút/trận. 

Ở Anh, Ryan Giggs bước sang tuổi 40 vào tháng 11/2013, và từ đó đến cuối mùa chỉ đá chính 4 trận nữa ở giải Ngoại hạng Anh trước khi chuyển sang làm… HLV tạm quyền để thay thế David Moyes. Tương tự, Javier Zanetti kỷ niệm sinh nhật thứ 40 vào tháng 8/2013, và kể từ đó, anh chỉ đá chính 4 trận cho Inter Milan trước khi tuyên bố giải nghệ. Paolo Maldini có lẽ là danh thủ thi đấu ấn tượng nhất khi bước qua tuổi 40. Ông đá chính 30 trận ở Serie A, trong mùa cuối cùng khoác áo Milan (2008-09) trước khi treo giày. 

Tất cả những cầu thủ đó (Totti, Giggs, Maldini – cả Alessandro Costacurta nữa) đều gắn bó với những câu bộ chủ quản trong suốt sự nghiệp của mình, hoặc gần như thế là trường hợp của Zanetti với 19 năm khoác áo Inter. Họ trở thành một phần lịch sử của CLB, là niềm cảm hứng cho các cầu thủ trẻ, và họ không gây ra những vấn đề lớn cho đội bóng vì chấp nhận sắm vai kép phụ do bất lợi về tuổi tác. 

Nhưng Ibrahimovic thì khác. Anh tái hồi Milan tháng 12/2019, sau 7 năm rưỡi rời xa Serie A, và đã ở tuổi 38, nhưng thay vì chấp nhận đóng một vai trò phụ, một lão tướng như một kế hoạch B hữu dụng, cuối cùng thì anh đã thay đổi luôn cả chiến lược của CLB để khiến người ta phải coi mình là nhân vật trung tâm. Anh thay đổi tinh thần của Milan ngoài đường pitch, và chi phối lối chơi của họ khi bước vào sân. “Đội ơn trời”, HLV Stefano Pioli nhận xét, “Anh ấy đã tạo ra một cú sốc và mang đến nguồn năng lượng mà đội bóng không có”. 

Ibrahimovic, Zlatan Ibrahimovic, Ibrahimovic tuổi 40, Ibrahimovic kỷ niệm sinh nhật thứ 40, bóng đá Ý, Serie A, Milan, Inter Milan, Juventus, Barcelona, MU, Thụy Điển, C1
Thống kê về khả năng ghi bàn của Ibrahimovic theo độ tuổi

Zlatan thủ lĩnh, Zlatan “HLV"

Đúng là những chấn thương đã cản trở Ibra rất nhiều kể từ khi trở lại Milan, nhưng ngôi sao người Thụy Điển vẫn đá 38 trận ở Serie A, ghi 26 bàn (chỉ 5 trong đó là phạt đền). Và đó là một hiệu suất cực ấn tượng với một tiền đạo đã 38, 39 tuổi. Bàn gần nhất được anh ghi vào lưới Lazio hôm 12/9. Đó là trận đấu mà Ibra vào sân ở phút 60 và chỉ mất 5 phút để chấm dứt mọi nỗ lực có điểm của đội khách bằng bàn ấn định chiến thắng 2-0. 

Milan đã không vô địch suốt một thập kỷ qua, kể từ nhiệm kỳ đầu của Ibrahimovic ở San Siro, khi anh được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất Serie A mùa giải ấy. Và để minh chứng cho sự chói sáng vĩnh cửu của mình, hãy nhớ rằng anh đã ghi 15 bàn mùa trước, dù chỉ đá 19 trận ở Serie A, nhiều hơn thành tích của chính anh ở mùa giải vô địch năm xưa (14 bàn/29 trận).

Trong 7 năm rưỡi vắng Ibra, Milan không chỉ đơn giản là khô hạn danh hiệu mà thậm chí không đủ sức cạnh tranh. Hãy nhìn thứ hạng của đội bóng áo sọc đỏ đen trong giai đoạn ấy thì rõ: họ kết thúc mùa lần lượt ở vị trí thứ 3, 8, 10, 7, 6, 6, và 5. Khi Ibra trở lại San Siro ở giữa mùa giải 2019-20, Milan đang xếp tận thứ 11. Anh thay đổi đội bóng chỉ sau một đêm. Trong phần còn lại của mùa giải Milan giành số điểm nhiều thứ nhì tại Serie A, và họ kết thúc ở vị trí thứ 6, giành quyền dự cúp châu Âu. Đến mùa giải sau đó, Milan tiếp tục tiến bộ vượt bậc khi giành ngôi á quân. Tầm ảnh hưởng của anh có thể so với Bruno Fernandes – người kém anh 13 tuổi – khi mới sang MU. Hãy nghe nhận xét của người đồng đội Ante Rebic: “Chúng tôi có một thủ lĩnh trên băng ghế chỉ đạo, một HLV, và một thủ lĩnh trên sân, đó đều là Zlatan”. 

Ibrahimovic, Zlatan Ibrahimovic, Ibrahimovic tuổi 40, Ibrahimovic kỷ niệm sinh nhật thứ 40, bóng đá Ý, Serie A, Milan, Inter Milan, Juventus, Barcelona, MU, Thụy Điển, C1
Mùa này, Ibra mới đã 30 phút ở trận gặp Lazio, nhưng đã ghi 1 bàn. Ảnh Giuseppe Cottini, Getty Images

Người ta hay nói một cầu thủ nào đó mệt mỏi vì bóng đá, nhưng Ibra thì ngược lại. Bóng đá mệt mỏi với anh - điều hoàn toàn khác so với Totti, Giggs, hay Maldini. Những đồng đội ca ngợi tầm ảnh hưởng của Ibra trong phòng thay đồ, phẩm chất lãnh đạo đáng kể của anh, niềm tin mãnh liệt vào bản thân của anh mang tính lan tỏa rất lớn. Và việc anh sẵn sàng trở thành tiêu điểm của giới truyền thông thực tế đã làm giảm bớt áp lực lên những cầu thủ ít tên tuổi hơn. 

Tháng 11/2017, khi trở lại sân cỏ sau 7 tháng dưỡng thương – sớm hơn dự kiến – Ibra cao ngạo tuyên bố “Sư tử đâu có hồi phục giống như con người”. Nếu chỉ nghe câu nói này, chắc hẳn bạn sẽ nhướng mắt lên, với chút ngạc nhiên và cảm giác thú vị. Nhưng nếu bạn xem đoạn clip, chứng kiến anh nhếch mép cười, bạn sẽ có cảm giác. Ibra là mẫu cầu thủ hiếm hoi đi guốc vào bụng phóng viên, và biết thừa những cuộc phỏng vấn sau trận phần lớn chỉ là trò hề. Miễn là anh chơi tốt, anh nói gì cũng được. Thực tế, trong các bài phỏng vấn, không phải phóng viên mà chính Ibra mới là người điều khiển cuộc chơi. 


Ibrahimovic: Tôi là sư tử, không phải người. Nguồn: BT Sport

 

Không phải người Thụy Điển điển hình

Ibrahimovic chẳng mấy để tâm đến ánh đèn flash quanh mình. Dù là người nổi tiếng bậc nhất ở Thụy Điển, nhưng cuộc sống của anh lại riêng tư đến đáng ngạc nhiên. Trên các tài khoản mạng xã hội của anh không hề có ảnh vợ con. Hồi đầu năm khi được hỏi lũ trẻ nghĩ gì về việc bố chúng trở lại ĐTQG, anh đã không cầm được nước mắt. Ibrahimovic cũng thường xuyên mô tả bản thân rằng anh “không phải một người Thụy Điển điển hình”. Đó là cách mà anh đáp lại những chỉ trích về tính kiêu ngạo vốn không liên quan đến sự khiêm tốn, nhún nhường đặc trưng của con người đất nước này. 

Mối quan hệ của Ibra với Thụy Điển rất phức tạp. Mẹ anh là người Croatia, bố là người Bosnia, và anh lớn lên ở Rosengard, một khu vực ở Malmo nơi có gần 90% dân số có nguồn gốc nhập cư. Đó là vùng ngoại ô khắc nghiệt nhất ở Thụy Điển, với tình trạng bạo lực như cơm bữa bởi các băng đảng và những cuộc đối đầu với cảnh sát. Sau khi cha mẹ ly hôn, anh sống với mẹ - một phụ nữ hay ăn cắp vặt, rồi sau đó sống với cha – một người đàn ông nghiện rượu. Bản thân Ibra hồi thiếu niên cũng từng trộm đồ siêu thị và trộm xe đạp. Chính anh đã thừa nhận ký ức này trong cuốn tự truyện "I am Zlatan". 

Thụy Điển là một quốc gia giàu, hạnh phúc và không có chênh lệch quá lớn về khoảng cách giàu – nghèo, nên tuổi thơ ảm đạm của Ibra thường ít được quan tâm. Nhưng dù thế nào, Ibra cũng lớn lên với ít đặc quyền hơn nhiều ngôi sao khác, chẳng hạn như Lionel Messi – con trai của một gia đình trung lưu ở Argentina. 

Huyền thoại quá cố Johan Cruyff từng bảo rằng điều duy nhất khiến Michael Laudrup không thể trở thành cầu thủ hay nhất thế giới là vì anh đến từ một đất nước giàu, với ngụ ý rằng anh không phải chiến đấu để thoát khỏi đói nghèo, nên sẽ thiếu sự cứng rắn về tinh thần. Tất nhiên, không phải ai đến từ một quốc gia giàu đều giàu cả. 

CLB bóng đá địa phương của Ibrahimovic là FBK Balkan. Giống như tên gọi, đó là đội bóng được thành lập bởi những người Đông Âu, và bao gồm chủ yếu các cầu thủ trẻ từ các nước Nam Tư cũ. Ibra từng có 4 năm ở đội trẻ CLB này trước khi chuyển sang Malmo – đội bóng lớn nhất của Thụy Điển – một bước đi không tránh khỏi bởi tài năng đặc biệt của anh. 
“Hồi mới tới Malmo, tôi không được chấp nhận, vì tôi là Ibrahimovic. Tôi không phải ‘Andersson’, tôi không phải ‘Svensson’. Tôi là một người nước ngoài”, Ibrahimovic nhớ lại, “Họ không chấp nhận thái độ của tôi. Họ khiến tôi cảm thấy mình không được chào mời. Tôi khác biệt với họ. Tôi không phải một chàng trai tóc vàng, với gương mặt trắng trẻo… Tôi có cảm giác mình phải làm việc gì đó tới 10 lần mới được mọi người để ý”. Thể hiện gấp 10 lần người khác về cơ bản chính là những gì Ibra đã đặt ra. Chính những việc bị đối xử bất công là động lực để thúc đẩy anh tiến lên. 

Ibrahimovic, Zlatan Ibrahimovic, Ibrahimovic tuổi 40, Ibrahimovic kỷ niệm sinh nhật thứ 40, bóng đá Ý, Serie A, Milan, Inter Milan, Juventus, Barcelona, MU, Thụy Điển, C1
Malmo là bước đệm đầu tiên cho sự nghiệp của Ibra

Về cơ bản, Malmo cũng chỉ là một bước đệm đầu tiên cho sự nghiệp của Ibra. Anh chỉ đá ở đây 18 tháng, và sau đó là 20 năm rong ruổi nước ngoài, tại Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, rồi lại Ý, Pháp. Anh, Mỹ, rồi lại đến Ý lần thứ ba. Việc các cầu thủ Thụy Điển trở lại CLB thiếu thời để kết thúc sự nghiệp là khá bình thường, nhưng Ibrahimovic nhiều khả năng sẽ không theo xu hướng ấy. Lý do: 2 năm trước, anh bất ngờ mua 23,5% cổ phiếu của Hammarby, đội bóng ở thủ đô Stockholm, nơi anh có một căn nhà tại đây. 

Nhiều người nghi ngờ rằng việc Ibra đầu tư vào một trong những kình địch của Malmo là cách để anh đáp lại việc bị phân biệt đối xử cách đây 20 năm. Cũng chính vì điều này mà bức tượng của Ibrahimovic ở bên ngoài sân vận động Malmo đã liên tục bị những kẻ cực đoan phá hoại trước khi bị dỡ bỏ. 

Thành công và thất bại

Quyết định trở lại đội tuyển Thụy Điển của Ibrahimovic khiến nhiều người ngạc nhiên bởi anh từng chỉ trích dữ dội HLV Janne Andrson. Năm ngoái, khi Anderson loại tài năng trẻ Dejan Kulusevski (giống như Ibrahimovic, sinh ở Thụy Điển, nhưng bố mẹ gốc Đông Âu), ở một trận đấu, anh đã gọi đó là “một trò đùa chết tiệt. Đây tiếp tục là một bằng chứng rằng những kẻ kém cỏi ở những vị trí sai lầm khiến cho bóng đá Thụy Điển nghẹt thở”. Đó cũng chính là một tweet hiếm hoi mà đội ngũ truyền thông của Ibra không dám đăng lên mạng xã hội.

Ibrahimovic đã không thể góp mặt ở EURO 2020, nhưng anh vẫn đang rất quyết tâm thi đấu ở VCK World Cup 2022, ở độ tuổi 41. Một trong những lý do khiến Ibra quyết tâm đến vậy là anh chưa bao giờ ghi bàn ở sân chơi này. 

Ibrahimovic, Zlatan Ibrahimovic, Ibrahimovic tuổi 40, Ibrahimovic kỷ niệm sinh nhật thứ 40, bóng đá Ý, Serie A, Milan, Inter Milan, Juventus, Barcelona, MU, Thụy Điển, C1
Ibra trở lại ĐT Thụy Điển hồi tháng Ba, và là cầu thủ già nhất trong lịch sử ĐT nước này. Ảnh: Michael Campanella/Getty Images

Ibra đã thi đấu ở 7 quốc gia khác nhau, nhưng hầu hết những thành tích của anh là đạt được ở sân chơi quốc nội, chứ không phải đấu trường quốc tế. Ở cấp độ ĐTQG, anh là chân sút vĩ đại nhất lịch sử đội tuyển Thụy Điển, nhưng chưa bao giờ vượt qua vòng tứ kết của một giải đấu lớn. Ở Champions League, anh thường xuyên gây thất vọng vào những lúc được kỳ vọng nhất, và người ta thường nhắc lại rất nhiều thương vụ đổi ngang giữa anh và Samuel Eto’o hồi năm 2009. Chân sút người Cameroon đã giành 2 Cúp châu Âu liên tiếp, trong khi Ibra thì trắng tay.  

Ibrahimovic là một trong những cầu thủ có những khoảnh khắc tuyệt vời nhất (cú đá kiểu xe đạp chổng ngược vào lưới tuyển Anh, pha đánh gót vào lưới tuyển Ý ở EURO 2004, hay pha nã đại bác ở cự li gần 40m trong trận ra mắt MLS), nhưng chỉ khi bạn theo dõi anh xuyên suốt một giải quốc nội, bạn mới nhận ra anh hay như thế nào. 

Trong những ngày đầu ở Ý, Ibrahimovic bị nghi ngờ sẽ khó thích nghi, nhưng anh đã điều chỉnh lối chơi của mình để trở nên hợp lý và hiệu quả hơn. Trải nghiệm của anh ở Barcelona bị coi là thất bại, nhưng thực tế, anh thể hiện không tồi với 16 bàn sau 25 trận. Ibra đơn giản bị coi là thất bại khi Pep Guardiola đưa anh về nhưng vẫn coi vai trò tối ưu của Messi là một “số 9” ảo. Thành tích ghi bàn của Ibra ở Ligue 1 (113 bàn/122 trận) và MLS (52 bàn/56 trận) vẫn cực ấn tượng. Và ngay cả những người hay nghi ngờ nhất ở Anh vẫn không thể phủ nhận sự xuất sắc của anh ở MU mùa giải 2016-17.

“Nhiều người nói tôi không thể làm được”, Ibra chia sẻ sau khi lập cú đúp ở chung kết Cúp Liên đoàn Anh 2016-17 mà MU thắng Southampton 3-2 trong trận đấu mà họ bị áp đảo về lối chơi, “Càng có tuổi, bạn sẽ càng đánh giá cao điều đó. Ban đầu, nó chỉ là một trò vui thôi. Bạn không nhận ra một danh hiệu có ý nghĩa như thế nào. Nhưng càng già, tôi càng trưởng thành, càng có nhiều tinh thần chiến thắng, tất cả chỉ hướng về danh hiệu. Đó là điều tôi đang làm. Tới bất cứ đâu, tôi đều có danh hiệu cả”. 

Đó là điều không cần phải bàn cãi. Đồ họa dưới đây, sau khi đã loại hai scudetto mà anh giành cùng Juventus nhưng bị tước sau scandal Calciopoli, là một minh chứng. 

Ibrahimovic, Zlatan Ibrahimovic, Ibrahimovic tuổi 40, Ibrahimovic kỷ niệm sinh nhật thứ 40, bóng đá Ý, Serie A, Milan, Inter Milan, Juventus, Barcelona, MU, Thụy Điển, C1
Thống kê về số danh hiệu của Ibrahimovic. Nguồn: transfermarkt

Gừng càng già, càng cay

Những bình luận của Ibrahimovic về sự thay đổi tâm lý của anh cũng thật thú vị. Theo một nghĩa nào đấy, càng có tuổi, anh càng “tàn nhẫn” hơn, và tập trung vào việc ghi bàn hơn so với trước kia. Thành tích ghi bàn của anh ở Ajax không thực sự ấn tượng: với chỉ 26 bàn thắng sau 2 mùa giải ở Eredivisie. Không tồi, nhưng chưa bằng một nửa chân sút chủ lực của PSV hồi ấy là Mateja Kezman (66).  

“Tôi không còn là chính tôi cách đây 5 năm nữa”, anh tâm sự hồi năm ngoái, “Chúng ta đều thay đổi vì sự phát triển trong quan điểm về thể chất. Thành thật mà nói, tôi không thể chạy nhanh như trước đây, nhưng giờ tôi chạy thông minh hơn”. Hồi lập siêu phẩm ở MLS, anh lý giải khá hài hước, nhưng chân thật: “Tôi mệt rồi, không chạy được nữa, nên đành sút thôi”. Với bất kỳ ai khác, bạn sẽ xem đó là sự mất trí. Với Ibrahimovic, đó là lựa chọn hợp lý.  

Một nghiên cứu của “trung tâm đổi mới” tại Barcelona đã chứng minh rằng khi thể chất của cầu thủ suy giảm theo tuổi tác, thì những đặc tính khác lại được cải thiện. “Hiệu suất thể chất (quãng đường di chuyển ở các cường độ khác nhau, tốc độ tối đa, và khả năng tăng-giảm tốc) giảm đáng kể sau tuổi 30, và giảm mạnh nữa sau tuổi 35”, nghiên cứu này cho biết, “Nhưng hiệu suất về kỹ-chiến thuật (đường chuyền, chuyền thành công, hiệu quả sút bóng) dường như được cải thiện khi các cầu thủ lớn tuổi hơn. Phải chăng Barcelona đã ký hợp đồng với Ibrahimovic sớm… 1 thập kỷ?

Nhưng điều quan trọng, dĩ nhiên vẫn là tinh thần của cầu thủ. Ibra đã có một tinh thần tuyệt vời khi trở lại sau chấn thương đầu gối đe dọa sự nghiệp của anh hồi khoác áo MU. Anh trở lại với bóng đá đỉnh cao ở châu Âu sau trải nghiệm ở MLS mà anh cho là quá dễ dàng, và trở lại đội tuyển Thụy Điển sau 5 năm vắng bóng. 

Sức mạnh tinh thần đáng nể ấy xuất phát từ mức độ tự tin khổng lồ mà ít người khác có thể sánh được. Không ngạc nhiên, những tin tức về Ibrahimovic đều tập trung vào quan điểm về bản thân của anh. Và đó cũng là lý do anh không chỉ đang tiếp tục thi đấu, mà còn sẵn sàng thống trị sân chơi mà mình góp mặt nữa. 

Ở tuổi 40!

Tuấn Cương
Theo The Athletic

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm