ĐH VFF khóa VII: Một chiếc ghế, nhiều nỗi lo

14/05/2013 13:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc đua tới chiếc ghế Chủ tịch VFF khóa VII chỉ còn hai ứng cử viên nhưng chọn ai giữa ông Lê Khánh Hải và Lê Hùng Dũng cũng sẽ có những tác động rất lớn đối với BĐVN trong thời điểm này.

1. Sau khi Petro Vietnam Gas chia tay bóng đá Việt Nam, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã thay thế nhà Mạnh Thường Quân này để trở thành đối tác đồng hành của bóng đá Việt Nam từ mùa bóng 2011 cho đến nay.

Tổng giá trị tài trợ của Eximbank cho 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2013 là 47,3 tỷ đồng. Ảnh: Quang Nhựt

Vai trò của Eximbank càng đặc biệt trở nên quan trọng ở mùa bóng 2013, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp nói không với bóng đá, mà như chia sẻ mới đây của Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng thì : “Từ chỗ 10 doanh nghiệp muốn gắn bó với bóng đá Việt Nam năm trước thì năm nay chỉ còn lại ĐT.LA và HA.GL cùng 2 đối tác mới tìm được.

Từ trước mùa giải 2013, khi đến vận động các doanh nghiệp tài trợ, cứ nghe đến bóng đá là họ không muốn tiếp chúng tôi”, Eximbank đã đứng ra tài trợ cho cả 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bao gồm V-League, giải hạng Nhất QG và Cúp QG, với một bản hợp đồng có giá trị kỷ lục là 47,3 tỷ đồng.

Vì thế, có thể khẳng định rằng nếu không có bản hợp đồng tài trợ của Eximbank thì mùa bóng 2013 có thể đã không diễn ra như kế hoạch, và có một sự thực khác nữa là bản thân HĐQT Eximbank không hề hào hứng với việc tài trợ cho cả 3 giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, và bản hợp đồng này chỉ được thực hiện nhờ nỗ lực vận động của ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF và đồng thời là Chủ tịch HĐQT Eximbank.

2. Trò chuyện với TT&VH về việc đã phải thuyết phục làm sao để HĐQT Eximbank đồng ý tài trợ cho V-League 2013, ông Dũng cho biết: “Chắc chắn việc thuyết phục HĐQT và các cổ đông Eximbank để họ đồng ý tài trợ cho bóng đá Việt Nam là không dễ dàng gì.

Lý do là bởi hàng ngày mọi người cũng đọc báo, nên ai cũng có ý nghĩ là động tới bóng đá thì toàn thứ tiêu cực, toàn chuyện bạo lực, nói tóm lại là không có gì tốt đẹp cả, thế mà lại đổ tiền cho bóng đá thì có thể gây ra ảnh hưởng không tốt cho thương hiệu của nhà tài trợ.

Vì thế, mọi người cho rằng tài trợ cho bóng đá là điều không nên, thậm chí có người còn dùng từ là “hết sức dại dột”. Họ phân tích nhiều lắm, họ nói với tôi là hàng ngày mở báo ra đều thấy nói là bóng đá Việt Nam thế này thế kia, vậy tại sao lại đổ tiền vào đó, trong khi tiền ấy có thể mang phục vụ các hoạt động từ thiện và xã hội thì có ý nghĩa và hiệu quả hơn nhiều. Họ nói thuyết phục lắm, đến mức tôi cũng nghĩ là hình như họ nói có lý”.

Ông Dũng tiếp tục: “Lúc đó tôi cũng nói với họ rằng chuyện có những dư luận trái chiều về bóng đá thì cả thế giới đều có chứ chẳng riêng gì Việt Nam. Chẳng hạn như Maradona đấy, khi cùng ĐT Argentina vô địch thế giới thì được tôn vinh như người anh hùng, nhưng vài tháng sau, đội bóng thua vài trận thì lập tức bị phê bình tơi tả đấy thôi. Cách cư xử như thế của một số phương tiện truyền thông với bóng đá về cơ bản là ở mọi nơi đều giống nhau.

Nhưng có một điều phải công nhận là nếu không có bóng đá thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt lắm nên tôi nói với họ là vẫn phải tiếp tục đầu tư cho bóng đá vì những lý do ABC XYZ. Thế là vì họ nể tôi nên họ nói thôi đồng ý cho ông làm thế này, nhưng chỉ được một năm thôi chứ không thể lâu hơn”.

3. Ông Dũng nói thêm: “Tôi cũng nói với họ là các vị hãy cho tôi quyền quyết định làm gì với số tiền này, miễn là nó mang lại hiệu quả cho thương hiệu của mình là được. Còn nếu sau khi tiến hành điều tra mà thấy việc đầu tư này không hiệu quả thì tôi đồng ý sẽ sử dụng số tiền này cho mục đích khác.

Có điều kiện như vậy thì họ đồng ý ngay, và đến từng tháng một, từng quý một, tôi cũng phải nói với anh em tiếp thị là chọn những cảnh hay, đẹp, như SVĐ đầy kín khán giả, hay biển quảng cáo của nhà tài trợ đặt ở chỗ nào, rồi thời lượng lên truyền hình như thế nào, phân tích xem thời lượng ấy thì có tác dụng gì.

Sau đó tập hợp thành hồ sơ để chuyển cho mọi người thì họ không nói gì nữa, song họ cũng dặn lại là nếu báo chí phản ánh tiêu cực quá về bóng đá Việt Nam thì họ sẽ đề nghị không tiếp tục tài trợ nữa. Nói chung quá trình thuyết phục họ phải rất cần mẫn, kiên trì, không được nổi nóng. Tôi nghiệm ra là để thuyết phục đối tác của mình, những người làm ăn chung với mình đôi khi còn khó hơn đàm phán với người ngoài”.

Được hỏi về triển vọng Eximbank có tiếp tục tài trợ cho bóng đá Việt Nam sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn, ông Dũng cho biết: “Tôi nghĩ năm nay là một trong những năm khó khăn nhất mà mình vẫn thuyết phục được anh em chấp thuận tài trợ cho bóng đá Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất là không phải tôi chỉ nói không, mà tôi làm ăn hiệu quả, được báo chí chuyên ngành nước ngoài đánh giá cao, nên các đối tác lớn của nước ngoài rất là mừng.

Thế nên họ cũng tin mình, và trên cái nền tảng hiệu quả đó thì việc tài trợ cho bóng đá Việt Nam chỉ là một việc trong số những việc cần thuyết phục để họ đồng ý cả gói mà thôi. Và cứ trên cái nền tảng này mà mình tiếp tục đi tới thôi, hy vọng là mọi chuyện sẽ tốt đẹp”.

4. Tuy nhiên, mới đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề lễ ký kết hợp đồng giữa tập đoàn HA.GL, ngân hàng Eximbank và CLB Arsenal, ông Dũng cho biết sẽ tham gia ứng cử chức danh Chủ tịch ở ĐH BCH VFF khóa VII diễn ra vào đầu tháng sau, và với quyết định này, ông Dũng coi như đã chấp nhận nguy cơ phải vắng mặt ở bộ máy lãnh đạo VFF khóa sau nếu như không trúng cử vào chức Chủ tịch, bởi Điều lệ ĐH quy định mỗi ứng viên chỉ được ứng cử vào một chức danh duy nhất.

Nếu kịch bản nói trên trở thành hiện thực thì liệu Eximbank có còn tiếp tục tài trợ cho các giải bóng đá chuyên nghiệp ở mùa bóng 2014, khi giữa ông Dũng và VFF không còn sự liên kết nào?! Điều này sẽ khiến cho diễn biến cuộc bầu cử chức danh Chủ tịch VFF tại ĐH BCH khóa VII sắp tới càng trở nên nóng bỏng hơn nữa, bởi tương lai của bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB có thể đang phụ thuộc rất lớn vào chính lá phiếu của các cử tri tại ĐH.

Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm