Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng: 'Không nên làm Chủ tịch VFF kiểu công chức'

10/05/2013 10:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bên lề lễ ký kết hợp đồng giữa Eximbank và HA.GL với đại diện CLB Arsenal tại khách sạn Sheraton Hà Nội vào hôm qua, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF, đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn với báo chí xung quanh những vấn đề liên quan tới ĐH Ban chấp hành VFF khóa VII dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng sau.

Ông Lê Hùng Dũng (trái) cho rằng để làm Chủ tịch VFF là một công việc vừa khó vừa dễ, và khó hay dễ thì phụ thuộc vào cách thức làm việc. Ảnh: VSI

* Thưa ông, trong thời gian vừa qua có nhiều thông tin cho biết ông đã thông báo rút lui không ra tranh cử chức Chủ tịch VFF tại ĐH sắp tới. Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?

- Cho đến thời điểm trả lời các bạn thì từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nêu lên quan điểm chính thức về việc rút lui không ứng cử vào vị trí Chủ tịch VFF khoá VII. Tôi có nhớ năm 2005 khi ĐH của khoá V cũng diễn tại chính khách sạn Sheraton này. ĐH lần đó có 2 ứng viên là anh Nguyễn Trọng Hỷ và anh Dương Nghiệp Chí, và ĐH đó được truyền hình trực tiếp từ sáng cho đến chiều.

Sau này tôi về nhà thì có gặp lại cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, và cố Thủ tướng có nói là: “Tôi có xem ĐH của ông từ đầu đến cuối, phải nói đó là một ĐH hết sức dân chủ, công khai, và tôi đề nghị là các ĐH lần sau của LĐBĐ hoặc các Đoàn, Hội khác cũng nên diễn ra theo mô hình đấy, bởi vì thứ nhất là ít nhất có 2 ứng viên trở lên và thứ hai là diễn ra hết sức công khai dân chủ, và cuối cùng khi kiểm phiếu rồi thì mới biết được ai là người thắng cử. Như vậy là quyền lực nằm ở trong tay đại biểu chứ không phải nằm trong tay một cơ quan hay cá nhân nào khác bên ngoài ĐH”.

Tôi cho đó là một tinh thần rất tốt và nếu như ĐH lần này diễn ra theo tinh thần đó, tức là không có sự can thiệp từ bên ngoài, thì tôi chắc chắn sẽ ứng cử. Còn nếu như có sự can thiệp từ bên ngoài thì chắc chắn tôi sẽ xem xét lại quyết định của mình.

* Thưa ông, phát biểu trên báo Tuổi Trẻ mới đây, ông Dương Nghiệp Chí, một trong 2 ứng viên cho chức Chủ tịch VFF ở ĐH khoá V năm 2005, có nói rằng ở đêm trước khi ĐH diễn ra thì ông Chí đã biết mình là “quân xanh” và không thể trúng cử trong cuộc đua năm đó. Ông có lo ngại việc đó sẽ diễn ra với mình hay không?

- Thông tin do anh Chí nói thì tôi chỉ ghi nhận thôi. Nếu như anh Chí nói sau khi ĐH V diễn ra hoặc trước khi ĐH V diễn ra thì tốt. Còn bây giờ ĐH V diễn ra lâu rồi anh Chí mới nói lại thì tôi thấy thông tin ấy không có giá trị. Còn có lo ngại việc đó hay không thì tôi sẽ phát biểu trong Ban chấp hành.

* Nếu thất bại trong cuộc đua vào chức Chủ tịch VFF khoá VII thì ông sẽ bị loại khỏi Ban chấp hành VFF khoá VII. Ông đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất này chưa?

- Một khi đã chấp nhận tham gia cuộc chơi thì anh phải chuẩn bị tinh thần.

* Đến thời điểm này ông đã có sự chuẩn bị như thế nào cho ĐH Ban chấp hành khoá VII, bởi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nói rằng các ứng viên tranh cử chức Chủ tịch VFF phải có đề án tranh cử?

- Tôi không có sự chuẩn bị gì hết, vì đề án tranh cử đều đã có sẵn trong đầu tôi rồi. Tôi có thể nói một tiếng đồng hồ về đề án. Nhưng vấn đề là tôi nghĩ rằng ai làm Chủ tịch VFF không quan trọng, mà quan trọng nhất là người đó có mang lại thành công cho bóng đá Việt Nam hay không, chứ còn làm tàng tàng kiểu công chức thì tôi nói thật Ban chấp hành có 21 người ai làm cũng được.

Làm để cho bóng đá Việt Nam có sự đột phá, để có thể vượt vũ môn, để trong vòng 3 đến 5 năm tới bóng đá Việt Nam được cải thiện về chất lượng để vươn ra khỏi tầm khu vực, lên tới phạm vi châu lục, lọt vào top 10 châu Á và có thể thi đấu ngang ngửa với một số đội bóng hàng đầu châu Á.

Làm được như thế thì mới khó, còn làm mà để như chỉ giữ cái ghế thì quá dễ. Nếu làm chỉ để giữ chức, để tròn vai thì tôi sẽ không làm, như thế thà tôi làm tài chính còn hơn.

Nói thật là tôi không phải là người ham chức vụ, vì nếu thế năm ngoái anh Hỷ đề xuất tôi làm Chủ tịch VFF tôi đã nhất trí ngay. Quan điểm của tôi là đã làm nhiệm vụ gì thì phải làm tốt nhất trong khả năng của mình.

* Ông có tự tin là nếu trúng cử chức Chủ tịch VFF thì ông sẽ không làm tàng tàng hay không?

- Chắc chắn rồi. Các bạn nhìn tính cách tôi là biết đấy. Điều đó thể hiện trong tính cách tôi rồi chứ không nằm trong lời nói, nhưng tính cách tôi có nhiều người không thích đâu.

* Có nhiều người nói là việc đưa Arsenal sang Việt Nam được xem là một động thái nhằm tranh thủ sự ủng hộ mà ông thực hiện trước thềm ĐH VFF khoá VII? Ông nghĩ sao về chuyện này?

- Nếu bảo là tôi không muốn có thêm sự ủng hộ nhờ việc tham gia đưa Arsenal sang Việt Nam thì là nói dối, còn nếu bảo tôi cố tình làm như vậy thì càng không phải. Lý do là bởi đây là kế hoạch do anh Đức khởi xướng từ đầu và tôi chỉ được mời tham gia giữa chừng, nhưng thấy ổn nên tôi đã đồng ý. Chẳng qua là vì chuyến thăm Việt Nam của Arsenal lại trùng với thời điểm diễn ra ĐH nên mới có những ý kiến như vậy.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hoàng Huy (ghi)
Thể thao & Văn hóa

"Trong lĩnh vực tài chính thì tôi có thể tự hào mà nói rằng lịch sử bóng đá Việt Nam chưa có ai làm công tác tài chính giỏi như Lê Hùng Dũng. Và có thể sắp tới cũng vậy. Nếu tôi chấp nhận bị loại khỏi VFF vì quyết định tranh cử chức Chủ tịch khoá VII thì tôi tin rằng những người còn lại, trừ anh Đức (Chủ tịch Tập đoàn HA.GL Đoàn Nguyên Đức-PV), không ai làm được như tôi, bởi vì nói để các bạn biết, có ứng viên Phó Chủ tịch phụ trách tài chính đang nợ VFF 5, 7 tỷ cả chục năm nay thì là ứng viên gì. Ông trả không nổi nợ của ông thì làm sao ông lo cho VFF được.

Thế nên vấn đề mà tôi lưu tâm là không phải cái chức Chủ tịch mà mình có làm được cho bóng đá Việt Nam phát triển hơn không. Còn nếu có ai có khả năng làm tốt hơn thì tôi sẵn sàng chấp nhận rút lui".

***

“Năm 2003 tôi về SJC thì ai cũng nghi ngờ vì không tin là tôi sẽ thành công ở ngành vàng bạc. Năm 2003 thì SJC có vốn điều lệ 80 tỷ thôi nhưng năm 2013 thì vốn điều lệ đã lên 1.358 tỷ rồi, nghĩa là tăng lên gấp 17 lần.

Eximbank cũng thế. Tháng 4 năm 2010 tôi được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank, thì cuối năm Eximbank từ tổng tài sản 63.000 tỷ lên 133.000 tỷ. Đến năm 2011 làm được 183.000 tỷ, nghĩa là lại thêm một Eximbank nữa. Như thế là chỉ trong vòng 1 năm rưỡi tôi đã làm ra 3 Eximbank.

Làm việc thì phải quyết liệt, hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng mà mình đang làm việc, như thế mới là hiệu quả, còn làm để cho có cái chức thì tôi không làm”.

***

Nếu không có thay đổi vào giờ chót, hôm nay Bộ VH, TT&DL sẽ chính thức gửi văn bản cho VFF để giới thiệu các ứng viên do Bộ đề cử vào các chức danh ở VFF trong ĐH Ban chấp hành khóa VII sắp tới. Cụ thể, Thứ trưởng Lê Khánh Hải được đề cử cho chức danh Chủ tịch VFF, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn được đề cử cho chức danh Phó Chủ tịch chuyên môn VFF, Vụ trưởng Tổng cục TDTT Trần Quốc Tuấn được đề cử cho chức danh Tổng thư ký VFF, và ông Lê Quý Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH TDTT TƯ 2 được đề cử tham gia Ban chấp hành.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm