31/10/2011 06:54 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Với Hotboy (tên đầy đủ: Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt), đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã làm cho những người từng chán anh bởi những series phim truyền hình “đèm đẹp”, bởi “đẹp từng centimet” nhưng “nhàn nhạt”, như tìm thấy lại những thứ khiến họ yêu quý ở anh từ thời Chuột, Nhà tiên tri ảo hay Những cô gái chân dài…
Phiêu du?
Phải thừa nhận rằng Vũ Ngọc Đãng là đạo diễn làm ra được cái mốc trong phim ảnh, truyền hình. Sau Những cô gái chân dài, Đãng đi thử sức mình ở địa hạt phim truyền hình và Tuyết nhiệt đới như một câu tuyên ngôn của Đãng rằng thể loại phim lãng mạn, ướt át, đẹp kiểu Hàn Quốc chẳng có gì khó làm ở Việt Nam. Bỗng dưng muốn khóc cũng theo đà đó ra đời, “khai sinh” ra đôi “tiên đồng ngọc nữ” Tăng Thanh Hà - Lương Mạnh Hải. Khi phim này phát sóng, số lượng spot quảng cáo được phát xen ngang “bỗng dưng” đã tạo ra kỷ lục khiến nhiều người đặt hy vọng vào việc kiếm tiền từ phim truyền hình. Thậm chí nếu nói Bỗng dưng muốn khóc là cú hích cho việc phim truyền hình Việt nảy nở sinh sôi như bây giờ thì cũng không hề quá lời cho dù phim này nhận được không ít lời… chê từ báo chí và người xem. Đầu năm “muốn khóc”, thì ngay cuối năm đó, phim nhựa Đẹp từng centimet dắt theo cặp đôi Tăng Thanh Hà - Lương Mạnh Hải ra rạp, cũng với kiểu thoại “đáp trả” từ Bỗng dưng muốn khóc, nếu có gì mới mẻ hơn thì đó là những cảnh hở hơi bị vô duyên của Tăng Thanh Hà, thứ khó có thể xuất hiện trên truyền hình. Với Đẹp từng centimet, Đãng làm những người từng yêu quý anh thất vọng. Những phát ngôn của anh trên báo về phản ứng của dư luận với những đứa con tinh thần của mình còn khiến họ thất vọng hơn. Rồi phiên bản Việt Ngôi nhà hạnh phúc của Đãng được một vài tờ báo xếp vào hạng những bộ phim dở nhất trên truyền hình!
Sau Những cô gái chân dài, Đãng đã có một khoảng lặng trước khi bước vào địa hạt phim truyền hình, trong thời gian đó, Đãng nhận được vài lời gợi ý tài trợ du học nhưng anh đều cân nhắc để… bỏ qua. Anh kiên quyết làm nghề với sự hồn nhiên đầy bản năng, chấp nhận làm ra “những cái dở nhưng độc đáo” và thoải mái thừa nhận “phim nào tôi làm cũng bị chửi cả!”. Khi dự án với cái tên dài chưa từng thấy và chứa đầy yếu tố tiềm tàng khả năng câu khách Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt bắt đầu được công bố, chẳng ai nghĩ Đãng sẽ làm ra một bộ phim khác với những Đẹp, những Khóc… Vậy mà…
Và gặp lại chính mình
Với 5 phút đầu tiên của Hotboy, Đãng khiến cho ai đã xem Những cô gái chân dài có cảm giác như đang hạnh ngộ với “người cũ” bằng lối kể chuyện rất điện ảnh, thứ khiến người ta thích anh từ thời đó. Cái cách các nhân vật của Hotboy xuất hiện cũng rất giống với sự xuất hiện các nhân vật trong Những cô gái chân dài. Nếu ở Chân dài là Thủy (Anh Thư) với sự hồ hởi, phấn chấn trong ngày đầu lên thành phố thì ở Hotboy là Khôi (Hồ Vĩnh Khoa). Cảnh Hoàng (Minh Anh) tắm được thay bằng Đông (Linh Sơn) tập thể dục còn Khoa (Trương Thanh Long) được thay bằng Lam (Lương Mạnh Hải) cũng với cảnh nằm ngủ trên giường. Lai lịch của nhân vật được kể rất nhanh gọn và rõ ràng chỉ với vài phút phim để rồi ngay sau đó, khán giả bị cuốn vào câu chuyện của họ.
Người xem còn gặp lại Đãng với những bối cảnh rất đẹp, rất trau chuốt và tạo nhiều cảm xúc. Từ căn phòng của Lam đến chiếc ghe đậu bên sông - không gian sống của thằng Cười (Hiếu Hiền) và cả cái lộn xộn, rác rến rất Sài Gòn ở khu chợ hay khu nhà trọ của 2 nhân vật chính. Cái đẹp, sự trau chuốt ấy chạm được đến tâm thức của tất cả những ai từng gắn bó với cuộc sống đủ cung bậc ở Sài Gòn. Rồi những cảnh quay rất khó với những con vật (vẫn là một thế mạnh, tạo thành phong cách riêng của Đãng), ở đây là 2 con mèo và con vịt, nhất là con vịt, một nhân vật được nhắc tên ở ngay tựa đề phim. Lời thoại trong phim khá hay và chừng mực, cộng với diễn xuất tròn vai của tất cả các diễn viên đã tạo ra sức nén, gây xúc động ở tất cả các đoạn có thoại.
Nếu còn sự non tay, thì đó là cách Đãng xây dựng 2 tuyến truyện tách rời và chạy song song một bên là các hotboy và một bên là cô gái điếm, thằng Cười và con vịt. Cách làm này mới mẻ trong phim Việt nhưng không mới với phim nước ngoài. Tuy nhiên dù tách rời nhưng vẫn phải được nối với nhau bằng những mắt xích quan trọng và chặt chẽ. Có thể lấy bộ phim Babel (của đạo diễn Alejandro Gonzolef Inarritu với 2 diễn viên chính là Brad Pitt và Cate Blanchet) làm điển hình để so sánh. Phim này có 3 tuyến truyện tưởng như hoàn toàn tách biệt nhưng lại được kết nối với nhau bằng những mắt xích cực kỳ chặt chẽ. Nếu không có những mắt xích đó, những tuyến này hoàn toàn có thể tách ra thành những bộ phim khác nhau. Hotboy nổi loạn và câu chuyện về cô gái điếm, thằng Cười và con vịt hoàn toàn có thể tách thành 2 bộ phim độc lập. Ở đoạn kết, đạo diễn cũng học theo một cách làm ít thấy ở phim Việt là cho chạy những hàng chữ về kết cục của các nhân vật, bối cảnh nhưng e rằng áp dụng như vậy chưa chuẩn. Cách kể chuyện này thường chỉ được sử dụng cho những câu chuyện có thật được kể trên phim.
Một điều đáng tiếc nữa cho bộ phim này là phần ánh sáng. Mặc dù độ tương phản sáng tối được chú trọng xuyên suốt bộ phim nhưng nó vẫn chệch ra khỏi đường dây câu chuyện. Một bộ phim lột tả hiện tượng mại dâm cả nam lẫn nữ nhưng những cảnh mua bán dâm - vốn coi bóng tối là bạn - lại được quay với ánh sáng cứ rõ ràng như ban ngày, vẫn triệt để tuân thủ quy tắc “sáng mặt ăn tiền” của phim truyền hình. Ngay cả những cảnh nhân vật Lam dụ khách ra bờ lau rậm rịt trong đêm tối để cướp cũng được làm rất sáng!
Với bộ phim này, Vũ Ngọc Đãng đã rất thành công khi phơi bày một góc hiện thực của xã hội đương đại với một bộ phận người thuộc giới tính thứ ba cùng câu chuyện gây cảm xúc mạnh mẽ. Và Đãng đã khiến những người hâm mộ khi xưa của anh thấy yên lòng và hy vọng, rằng anh vẫn đang đi tiếp con đường của mình sau một thời gian ghé ngang đâu đó. Nhất là khi Đãng nói rằng sẽ làm tiếp một bộ phim theo kiểu như vậy.
Hạn chế khán giả nào? Được biết Hotboy… đã bị ách khá lâu ở khâu kiểm duyệt và kết quả là bản công chiếu bị cắt đi hơn 2 phút phim với những cảnh nhạy cảm. Tuy nhiên, điều thật sự cần lưu tâm khi kiểm duyệt bộ phim này là cách hạn chế khán giả cho phù hợp. Với đề tài đồng tính được nói trực diện như trong phim này, đối tượng khán giả nên bị hạn chế phải là dưới 18, thậm chí 20 tuổi vì đó mới thật sự là lứa tuổi chứa đựng sự lung lay, dao động về giới tính. Theo một nghiên cứu y học, 80% người đồng tính là do tác động xã hội, chỉ 20% do bẩm sinh. Thiết nghĩ đây là một nghiên cứu cần được hội đồng duyệt nghiên cứu và cân nhắc. |
Dương Vân Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất