Hôm nay, Trung Quốc xét xử vợ Bạc Hi Lai

09/08/2012 09:11 GMT+7 | Trong nước



Phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai, về tội sát hại một doanh nhân người Anh được dư luận cho rằng mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn là một vụ án hình sự.

Vụ bê bối đã thu hút sự chú ý về cuộc đấu tranh nội bộ mà giới lãnh đạo Trung Quốc muốn giữ kín, đặc biệt là tại một thời điểm khi chính phủ đang chuẩn bị cho một sự chuyển giao chính trị quan trọng - chỉ diễn ra một lần trong một thập kỷ - nhằm đưa một thế hệ mới lên lãnh đạo. Cho đến khi bị mất chức, ông Bạc được coi là một ứng cử viên cho một trong những chức vụ cao nhất của đợt chuyển giao này.

Mục tiêu chính của phiên tòa xử bà Cốc là tập trung vào vụ giết người, chứ không phải là những cáo buộc rộng rãi về tham nhũng mà có thể sẽ bôi xấu chính quyền. Bắc Kinh cũng sẽ sát sao để thuyết phục dư luận trong nước rằng phiên tòa diễn ra công bằng, còn đối với cộng đồng quốc tế rằng công lý đã được thực thi trong vụ giết hại một người ngoại quốc.

Bà Cốc và một trợ lý của gia đình, Trương Hiểu Quân, bị buộc tội đầu độc Neil Heywood, một người quen lâu năm của gia đình Bạc, vào tháng 11/2011 tại Trùng Khánh, một thành phố lớn ở phía tây nam Trung Quốc, nơi ông Bạc làm Bí thư đảng cho đến tháng 3 năm nay. Khi công bố cáo trạng của bà Cốc, Tân Hoa Xã cho biết bà đã xung khắc với Heywood về tiền bạc và lo lắng cho tính mạng của con trai bà bị đe dọa.

Ông Heywood và bà Cốc Khai Lai.

Tân Hoa Xã nói rõ rằng chính phủ coi cáo trạng là một kết luận đã rồi, rằng “các cấu thành của tội phạm của hai bị cáo là rõ ràng, và bằng chứng không thể chối cãi và quan trọng”. Nếu bị kết tội, bà Cốc và ông Trương phải đối mặt với mức án từ hơn 10 năm tù giam đến chung thân hoặc tử hình.

Cheng Li, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, cho rằng một mức án nghiêm khắc đối với Cốc có thể biến bà thành “vật tế thần” cho những tội lỗi của chồng, bất kể bà có trực tiếp tham gia vụ giết người hay không. Tuy nhiên, nếu người phụ tá của gia đình, ông Trương, bị kết án tử hình chứ không phải bà Cốc, thì điều đó có thể được hiểu theo ranh giới giai cấp.

Việc bà Cốc và ông Trương sẽ chỉ được bào chữa bởi các luật sư do chính phủ chỉ định chứ không phải các luật sự do gia đình thuê sẽ gây lo ngại về tính công bằng của vụ án.

Trước khi bị mất chức, ông Bạc cũng là con của một vị lão thành cách mạng và là một trong số các nhà lãnh đạo chính trị có uy lực và uy tín nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, cách vận động công khai của ông ta để leo lên đội ngũ lãnh đạo hàng đầu cũng như quá trình tiến hành chiến dịch quảng bá rầm rộ đấu tranh với tội phạm có tổ chức đã khiến một số lãnh đạo tức giận.

Cuộc đấu nội bộ đã bị phơi ra ánh sáng khi phụ tá lâu năm của ông Bạc và là cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh, Vương Lập Quân đột ngột chạy vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô vào tháng 2. Rõ ràng lo ngại cho sự an toàn của mình nếu ông vẫn còn ở Trùng Khánh, ông Vương nói với các nhà ngoại giao Mỹ về những nghi ngờ của mình rằng Heywood bị sát hại và gia đình ông Bạc có dính líu.

Vào tháng 4, ông Bạc bị cách tất cả các chức vụ và bà Cốc bị tình nghi trong vụ sát hại Heywood. Sau đó có thông tin về mức án cho bà vào cuối tháng 7, cho thấy giới lãnh đạo đã nhất trí và đi đến một sự thống nhất chung về mức án và sẵn sàng tiến hành việc xử công khai.

Ông Bạc là ủy viên Bộ chính trị đầu tiên bị cách chức trong 5 năm qua. Vụ bê bối đã gây dư luận về một cuộc đấu tranh chính trị liên quan đến ý đồ của những người ủng hộ Bạc muốn làm trệch hướng các kế hoạch chuyển giao thế hệ, chủ trương đưa Phó chủ tịch Tập Cận Bình lên lãnh đạo đảng trong thập kỷ tới.

Hiện số phận ông Bạc đang nằm trong tay của Ủy ban kiểm tra và kỷ luật đảng, đơn vị dự kiến sẽ ra một thông báo về tội danh của ông. Việc này có thể dẫn đến một phiên tòa, rất có thể không thể xảy ra trước năm tới, với các cáo buộc có khả năng bao gồm cản trở công việc của cảnh sát và lợi dụng chức quyền. Cho đến nay, ông Bạc chỉ bị cáo buộc đã có những sai phạm luật nghiêm trọng nhưng không cụ thể.

Đảng cộng sản Trung Quốc đang lo ngại về hình ảnh của nước này trên trường quốc tế. Vụ sát hại một công dân Anh, bị một quan chức Trung Quốc tố giác và rất có thể đã cung cấp bằng chứng cho các nhà ngoại giao Mỹ, đã gây áp lực đối với chính phủ Trung Quốc phải mở phiên tòa giải quyết vụ việc, chí ít cũng để xoa dịu người Anh, những người đang cử các nhà ngoại giao đến tham dự phiên tòa ở Hợp Phì vào hôm nay.

Theo Dân Trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm