08/01/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
GS-TS Huỳnh Như Phương cho biết, sau cuốn Hồi âm từ phương Nam (NXB Đà Nẵng và Công ty Lyceum) này, ông sẽ không viết lý luận - phê bình nữa, mà dành thời gian cho tản văn, tạp bút. Sách gồm 2 phần, tập hợp 36 bài viết về thơ, văn xuôi, chính luận và một số vấn đề chung của văn học.
1. Phần đầu của cuốn sách mang tên "Nơi cư trú của tình yêu". Ở đó, thơ ca trổ hoa với tiếng thơ của Neruda, Xuân Tâm, Nguyễn Vỹ, Ngô Kha, Diễm Châu, Tường Linh, Ý Nhi, Đông Trình… Có cảm tưởng với thơ ca, nhà phê bình đã tìm được phương trời mộng tưởng của mình.
Phương trời ấy thời gian không có tuổi, nên nhà phê bình vẫn thấy ở Xuân Tâm (1916 - 2012) chất ngọt của thuở hoa niên, vẫn yêu bài Nghỉ Hè thành danh ngay từ hồi Thơ Mới. "Bài thơ 16 câu, ngập tràn niềm vui, từ hình ảnh, cảm hứng đến giọng điệu, câu nào cũng ghi tạc một tấm lòng thanh sạch ở khoảng thời gian đẹp đẽ nhất của đời người" (trích "Xuân Tâm - người mơ tưởng trong chiều").
Từ những bài viết đầu thập niên 1970, Huỳnh Như Phương không nghĩ mình là người làm phê bình văn học. Qua quá trình theo dõi đời sống văn chương, việc học, việc đọc, việc dạy học đã nuôi dưỡng ở ông niềm cảm hứng viết về những hiện tượng văn chương cùng thời, như một lời hồi âm với cái rộn ràng, cái thăng trầm, cái hưng phế của văn chương. Giờ thì ông viết bằng giao cảm của một nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản về lý luận - phê bình văn học, luôn tìm thấy trong những "đối tượng phê bình" của mình một sự đồng điệu.
Tên sách Hồi âm từ phương Nam vô tình mà hữu duyên lại hợp với tinh thần tương tri ấy.
Độc giả có cảm giác phê bình văn học dưới ngòi bút của Huỳnh Như Phương trước nhất là lòng yêu mến tác phẩm, trân trọng thành quả của tác giả, một thành quả mà nhà phê bình thấy cần nâng niu, trân trọng. Trân trọng như một thứ "của tin". Nên trong khoảng 250 bài báo ngắn dài liên quan đến văn chương, viết trong suốt 40 năm của mình, ông chỉ tập hợp một phần in thành sách. Dẫu ông biết "Người ta thường ví những bài báo như thế như là những bọt nước mau tan trên dòng chảy, lúc trầm lặng, lúc cuộn xiết, nhưng không bao giờ ngừng nghỉ của đời sống văn học".
Việc phát hành những tuyển tập phê bình như Hồi âm từ phương Nam là "nỗ lực lưu giữ những trang văn phần nào khỏi bị lãng quên trong dòng thời sự".
2. Phần 2 của sách là "Trong người có ta", với những bài viết về Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Biên, Cao Huy Thuần, Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Trung, Võ Hồng, Thanh Thảo…
Trong vai trò một độc giả trong buổi giao thời, đến với văn chương vào buổi đất nước đang trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, Huỳnh Như Phương có cơ hội tiếp xúc, ghi nhận lại những chân dung, những cánh thơ nổi bật. Như nhà thơ Ngô Kha bị địch bắt và thủ tiêu chỉ vài ngày sau khi Hiệp định Paris (1973) được ký. Như Diễm Châu, cái tên mà "Bạn đọc ngày nay nếu không sử dụng Internet, thì ít biết về thơ ông, vì hầu hết chỉ đăng rải rác trên báo chí ở miền Nam trước 1975" (trích "Diễm Châu - dịch giả và nhà thơ").
Hai nhà thơ này lúc sinh thời đã có thơ tặng nhau, những bài thơ kết mối tương giao giữa hai cá nhân trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động, không ngờ rằng chỉ ít lâu thì một mất một còn. Và giờ đây, sau mấy mươi năm lại xuất hiện trong một tập sách, để hậu nhân, những độc giả hôm nay được nghe tiếng hót "của loài chim mang định mệnh trong hồn" - bài thơ Như một đường dây hút gió mà Diễm Châu viết tặng Ngô Kha.
Trong Hồi âm từ phương Nam không thể thiếu những băn khoăn của một người thầy với công việc dạy văn, học văn. Không chỉ trình bày, Huỳnh Như Phương còn lắng nghe và đáp lời trong cái tinh thần "hồi âm" chân tình.
Đọc bài viết Góp bàn câu chuyện học văn, ta có thể thấy hai phần rõ rệt. Một phần là trình bày vấn đề đã được in dưới dạng một bài báo, còn phần kia là lắng nghe những ý kiến của độc giả khi đọc bài báo, từ đó lấy chất liệu để triển khai tiếp bài viết của mình.
GS Huỳnh Như Phương phát biểu trong buổi ra mắt sách: "Nếu may mắn có một đời sống dài hơn các bài báo, cuốn sách này vài năm nữa rồi cũng sẽ bị lãng quên thôi". Nhưng chẳng vì thế mà chúng ta ngừng viết, như Sisyphus lăn hòn đá lên đỉnh núi, dù biết rằng lên đến đích thì cái việc lăn đá gian nan lại khởi sự từ đầu.
GS-TS Huỳnh Như Phương nguyên là Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí (1994 - 2001) Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Ông đã xuất bản rất nhiều tác phẩm, ví dụ như Dẫn vào tác phẩm văn chương (1986), Những tín hiệu mới (1994), Ngôi nhà và con người (2006), Những nguồn cảm hứng trong văn học (2008), Bây giờ mà có về quê… (2011), Thành phố - những thước phim quay chậm (2018), Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn (2019)…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất