11/09/2021 18:56 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Tin nghe sét đánh trưa nay, nhà thể thao, Anh hùng Lao động Hoàng Vĩnh Giang đã về cõi. Một tổn thất lớn với gia đình và với nền thể thao nước nhà.
Nhắc đến Hoàng Vĩnh Giang, người hâm mộ thể thao cả nước chắc không ai không biết, anh là nhà vô địch nhảy cao, sau đó được đi tu nghiệp ở Học viện TDTT Kiev và trở về bắt tay xây dựng nền thể thao nước nhà. Anh cũng là tác giả của chiến thuật “đi tắt đón đầu”, đưa nền thể thao Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh một chỗ đứng vững chắc trong khu vực Đông Nam Á.
Không thể quên những ngày trứng nước của giới thể thao Việt Nam khi bắt đầu làm quen với các môn thể thao khu vực như Pencak Silat, Cầu mây và Wushu, kể cả việc ông giám đốc Sở TDTT Hà Nội đưa HLV Giả Quảng Thác về khai thông hành lang phát triển môn bóng đá nữ.
Hoàng Vĩnh Giang là nhà cầm quân, từng nhiều phen xuất tướng và để lại ấn tượng tốt trong lòng bè bạn, danh hiệu Anh hùng Lao động mà Nhà nước trao tặng cho anh đã nói lên điều đó. Là nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam có chân trong liên đoàn thể thao châu Á, anh có đóng góp cho phong trào Olympic quốc tế bằng những việc làm cụ thể, lại không quên xây dựng nền võ thuật nước nhà với vai trò Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.
Hoàng Vĩnh Giang xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha anh là GS. Hoàng Minh Giám, một nhân vật lịch sử; anh chị em nhiều người yêu mến và tham gia các môn thể thao như Hoàng Trung Hùng, Hoàng Vĩnh Hồ.
Tôi có may mắn là bạn học với anh Hoàng Trung Hùng tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc và năm 1967, tôi và anh Giang lại cùng tham gia đoàn thể thao Việt Nam sang Trung Quốc tập huấn và thi đấu dài ngày.
Những ngày ấy thật đáng nhớ, trong đó có kỷ niệm vui khi anh và tôi cùng tham gia nhiều tiết mục văn nghệ được bè bạn hoan nghênh, đặc biệt là màn trình diễn của tốp ca nam với bài hát “Lướt sóng ra khơi”, biểu diễn ngay trên boong của chiến hạm Thái Bình to nhất Trung Quốc, với lời giới thiệu về hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng tôi đã cùng anh tham dự những sân chơi như SEA Games, Asiad và Olympic, đã nếm đủ vị ngọt ngào cay đắng của cuộc đời thể thao giàu tính thượng võ và cả chất thơ.
Người xưa nói “voi đi để lại dấu”, những người làm thể thao Việt Nam và bạn bè xa gần sẽ luôn nhắc đến tên anh. Hãy yên nghỉ cùng các bậc tiền bối, tôi tin là các bạn trong ngành TDTT sẽ tiếp bước và cố gắng đặt những dấu ấn mới trong ngôi nhà lớn mà anh đã để lại.
Vĩnh biệt Hoàng Vĩnh Giang!
Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946, con trai của cố Giáo sư Hoàng Minh Giám - người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (giai đoạn 1947-1954) và Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1954-1976). Từ nhỏ, ông đã có tố chất đặc biệt với thể thao, từng vô địch nhảy cao, chơi bóng rổ và học võ, từ boxing tới các môn võ cổ truyền. Ông là một võ sư Vịnh Xuân quyền, nhiều năm nắm giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. Trong vai trò quản lý, ông giúp thể thao Việt Nam gặt hái nhiều thành công, được xem là kiến trúc sư trưởng cho kế hoạch "đi tắt, đón đầu" khi tập trung đào tạo một số môn mũi nhọn như wushu, điền kinh, taekwondo, judo, vật, boxing, đấu kiếm... để giành thành tích cao ở đấu trường SEA Games. Ông Giang sử dụng thành thạo ba ngoại ngữ là tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Anh. Nhờ đó, ông có quan hệ tốt với nhiều yếu nhân của thể thao quốc tế, nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự các sự kiện thể thao quốc tế và từng được bầu làm phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á. |
Nhà báo Nguyễn Lưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất