Hoàng Văn Bình: Hãy đưa tôi chiếc áo số 8

20/09/2009 19:16 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) – “Giữa số 6 của một tiền vệ phòng ngự và số 8 – người tổ chức tấn công, theo thuyết bóng đá cổ điển, là số mấy hả anh? Không phải số 7 chạy cánh đâu nhé. Cứ để khu vòng tròn giữa sân cho tôi. Hoàng Văn Bình bao hết…”, cầu thủ trẻ người Nghệ An nói nửa đùa nửa thật.

Hôm ấy, toàn bộ đội bóng được hiệu lệnh xả trại, để chia vui với đội trưởng Huy Hoàng, trong ngày “anh cả” yên bề gia thất. Bình cười rất tươi với người viết, cùng “ông bạn chiến” ở cùng phòng là Đắc Khánh. Bình thường, Hoàng Văn Bình vẫn lầm lầm, lì lì, thế nào mà lại tự tin thế, khi thời điểm đó anh còn đang dính chấn thương?! Bình rõ phải có những cơ sở của riêng mình.

Phiên bản “Minh Phương 2.0”

Nhìn Văn Bình điều khiển trái bóng, ngoặt lại - giữ nhịp, rồi thỉnh thoảng phất những đường bóng cự ly trung bình, “chính xác từng centimet”, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh một Minh Phương (đội trưởng ĐTVN), thời sung sức. Cũng giống như đàn anh, Bình dùng thuần chân phải, cho những đường chuyền quyết định. Hai trong số đó, giúp Trọng Hoàng có những bàn thắng ngoạn mục ở V-League 2009. Thêm một lần nữa, là cú đá phạt nhanh mà không cân nhìn. Và lại là đồng đội - bạn thân Trọng Hoàng tận dụng. Đó là trận tiếp M.Nam Định trên sân nhà Vinh - Nghệ An... Đó là chưa kể đến những lần mở biên, cho Đắc Khánh bứt tốc hay những pha phối bóng một chạm kinh điển, với đàn anh Văn Quyến của Văn Bình. Phần lớn đều kết thúc bằng những bàn thắng...
 
Tiền vệ Hoàng Văn Bình
 
Sự tiến bộ vượt bậc của cầu thủ sinh năm 1989, khiến nhiều phen, HLV trưởng SLNA - ông Nguyễn Văn Thịnh, đã phải gạt sang một bên đội phó - học trò cưng Như Thuật, để dùng Bình. Hai mùa giải V-League gần đây nhất, đã chứng minh điều này. Nếu cùng có mặt trên sân, thì Thuật sẽ phải lệch biên, nhường lại không gian giữa sân cho đàn em. Sự ghi nhận rất vừa phải với khả năng của Văn Bình.

VCK U21 toàn quốc - Cúp Báo Thanh Niên 2007 ở Nha Trang - Khánh Hòa, Văn Bình là một trong những cầu thủ đáng xem nhất. Chơi ở khu giữa sân, Bình chấp tất. Tranh cướp bóng, giữ nhịp và chuyển hướng tấn công liên hồi. Người tinh ý nhận ra phẩm chất của một “play-maker” (chuyên gia làm bóng) rất rõ nơi Hoàng Văn Bình. Ở giải đấu lần thứ 11 ấy, SLNA của Bình đoạt ngôi á quân, đồng đội Đình Hiệp được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất giải, nhưng đại đa số HLV các đội bóng tham dự, đều nhất trí người xứng đáng nhất phải là Hoàng Văn Bình. Nếu anh được ý thức những tố chất, để có thể phát triển đến ngang (hoặc hơn) tầm Minh Phương, thì đó là khả năng tranh chấp và tính chiến đấu đặc thù của một cầu thủ xuất xứ “lò” Nghệ An.

Rộng đường hoan lộ, nếu…

Ở tuổi đôi mươi, Văn Bình (cùng các đồng đội ở SLNA như Trọng Hoàng, Đắc Khánh, Công Minh, Ngọc Anh) đã có tên trên tuyển U23 QG, chuẩn bị cho SEA Games 2009. Lần này là sự thật nguyên bản và xứng đáng, chứ không giống với bận 2007, khi SLNA cố ý rút Văn Bình và Trọng Hoàng (có tên trong danh sách tập trung tuyển U23 QG của HLV Alfred Riedl) vào phút cuối, vì lý do bận thi tốt nghiệp. SLNA của Văn Bình, đang là 1 trong 2 đội bóng đóng góp quân số đông nhất cho U23 QG và tất nhiên, không phải vô cớ. Dù chưa có được nền tảng thể lực tốt, nhưng Văn Bình đã chơi tới hơn 2/3 số trận đấu của SLNA ở V-League 2009 (đội bóng của Bình đoạt HCĐ). Đối đầu với rất nhiều bậc đàn anh ở khu giữa sân, cả nội lẫn ngoại binh, tính chiến đấu và các kỹ năng của một cầu thủ ham học hỏi nơi Bình, được hoàn thiện - nâng tầm rất đáng kể.

Cũng giống như lần đặc cách lên đội 1 SLNA năm 2007 (khi mới 18 tuổi), Văn Bình được vào thẳng U23 QG mà không thông qua một trạm trung chuyển U20 hay U18 QG. Nhưng...

Có một điều khiến những người gần Bình băn khoăn. Đó là việc tiền vệ này rất hay bị chấn thương. Văn Bình vẫn được nói đùa là có “đôi chân thủy tinh”, ám chỉ sự mong manh của cầu thủ này, nhất là khi bóng đá ngày một đòi hỏi nhiều hơn sức mạnh cơ bắp. Thực tế, Văn Bình đã và đang phải chịu những di chứng của chấn thương cơ đùi, một mảng cơ háng - các loại chấn thương cần được nghỉ ngơi một thời gian dài, tránh vận động mạnh mới mong lành hẳn. Nhưng do SLNA thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự ở giữa sân từ 2 - 3 mùa giải vừa qua, nên Văn Bình thường xuyên phải gồng mình. Sức trẻ giúp Bình không phải chịu hệ lụy của sự mãn tính, nơi các vùng cơ bị viêm, song về lâu về dài thì anh phải biết tự điều chỉnh. Hoàng Văn Bình và đồng đội xứ Nghệ đang đứng trước cơ may rất lớn, đứng trong hàng ngũ của tuyển U23 QG, chinh chiến ở Đại hội TDTT lớn nhất khu vực vào cuối năm - SEA Games 2009. Sự tưởng thưởng xứng đáng!
 
Tùy Phong
 

Như Thuật vẫn mãi là “đứa trẻ nhiều tuổi”; Quốc Vượng tài thật, nhưng đã là dĩ vãng; Văn Vinh đã bỏ xứ Nghệ ra đi và hiện đang chìm nghỉm ở HP.HN..., khiến từ độ 3 mùa gần đây, SLNA thiếu hụt nghiêm trọng người chơi khu giữa sân. Trước Văn Bình, thì Quang Tình (dù chỉ hơn Bình 1 tuổi) đã được kỳ vọng rất nhiều. Nhưng các chấn thương liên miên, cùng hình thể có phần hạn chế, khiến Tình không thể khỏa lấp lổ hổng cực lớn ở vòng tròn trung tâm. Đó là lý do giải thích tại sao, Văn Bình lại đang gánh trên vai trọng trách lớn lao của bóng đá SLNA đến vậy. Nhưng nếu không có khả năng thực sự, không cầu thị, thì Bình cũng có thể “go out” bất cứ lúc nào. 3 mùa V-League qua đi, cầu thủ đeo số áo 22 vẫn ở đó, chiến đấu và tiến bộ không ngừng. Bình là món hàng hiếm thực sự của bóng đá xứ Nghệ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm