Họa sĩ Vũ Trọng Anh: Tìm kiếm tranh Việt đưa ra quốc tế

25/09/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Sự kiện Art Expo Malaysia 2012 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30/9 tại Selangor (Malaysia), thu hút hơn 60 phòng tranh của 20 nước tham dự. Đây cũng là năm đầu tiên một đại diện từ Việt Nam - có trụ sở tại Hội An - tham gia sự kiện này, đó là Arthousevietnam, một tên tuổi còn mới với giới mỹ thuật, được thành lập từ năm 2004. TT&VH có cuộc trò chuyện với họa sĩ Vũ Trọng Anh, chủ nhân phòng tranh, về quyết định có phần táo bạo này.

Khi được hỏi có thể gọi Vũ Trọng Anh là nhà sưu tập không, vì anh đang sở hữu khá nhiều tác phẩm tại Arthousevietnam ở Hội An, anh chối liền: “Tôi chỉ là họa sĩ và là người đang tìm kiếm tác giả, tác phẩm mỹ thuật thôi, còn việc sưu tập, chắc tương lai tôi mới nghĩ đến”.

Bắt nhịp cầu mỹ thuật

* Xuất phát từ kinh nghiệm hay thực tế nào mà anh quyết định đem tranh Việt Nam đến Malaysia 2012? Hình như Arthousevietnam là một trong những phòng tranh đầu tiên của Việt Nam tham dự chính thức sự kiện này?

- Khoảng 3-4 năm trở lại đây, trong bối cảnh các phòng tranh Việt Nam có hiện tượng bỗng dưng xuất hiện và bỗng dưng biến mất, thậm chí nhiều phòng tranh ở các thành phố lớn phải đóng cửa đồng loạt, vì nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu vẫn do tác động của “suy thoái kinh tế toàn cầu” và do tình trạng xuất hiện ồ ạt những thể loại tranh chiều thị hiếu, dễ dãi… khiến người mua tranh mất niềm tin, thanh khoản kém.

Họa sĩ Vũ Trọng Anh

Bên cạnh đó là hình ảnh nhiều họa sĩ Việt Nam phải tự tìm hướng đi rất vất vả để có thể tồn tại, tìm mọi cách bán tranh mà nhiều khi hết cả thời gian hoặc cảm hứng để sáng tác. Bản thân tôi cũng vẽ tranh, cũng nhiều phen mệt mỏi và “vong thân” như vậy, nên khi lập phòng tranh, tôi muốn trở thành người tìm kiếm tác giả và tác phẩm, để qua đó bắt nhịp cầu giữa họa sĩ với người mua tranh.

Qua nhiều dịp trực tiếp đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm làm việc tại phòng tranh các nước bạn, tôi đã có ý tưởng về việc tham dự các hoạt động giao lưu triển lãm và nhất là các sự kiện lớn trong khu vực như Art Singapore, Art Expo Malaysia, The Affordable Art Fair Singapore, Art Indonesia… Nếu người ta không còn đủ động lực để đến với mình, mình phải đến với họ thôi.

Năm 2011, phòng tranh K Moller đặt tại Singapore là đơn vị giới thiệu tranh Việt Nam đầu tiên tại Art Expo Malaysia. Qua sự giới thiệu của chị Thanh Kiều, năm này Arthousevietnam tập tành nối gót, tuy nhiên, tôi không quan trọng chuyện trước sau, mà chỉ mong hoạt động này có tương lai và ngày có nhiều phòng tranh khác của Việt Nam cùng tham dự.

* Cơ hội để tìm kiếm sự hòa vốn hay lợi nhuận của việc này không nhiều, tại sao anh vẫn muốn thực hiện lúc này? Phải chăng có những mục đích hay ước muốn khác?

- Sự mong mỏi tìm hướng đi mới trong việc quảng bá là yếu tố căn bản, nên tôi quyết định tham gia, tất cả điều khác không quan trọng. Hơn nữa, đây cũng là sự cọ xát thực tế để rút ra được kinh nghiệm khi mình là một người trưng bày, rất khác tư cách của người đi xem trước đây. Vấn đề đầu tư và sự lời - lỗ, có khi thực tế sẽ khác với tiên kiến, nhưng đến giờ phút này tôi vẫn xác định là “sẽ lỗ”… Nếu có tham vọng gì, đó là việc Arthousevietnam được nhiều nhà sưu tập biến đến trong tương lai.

Tác phẩm Một mình 3 (135x83cm, lụa, 2011) của Bùi Tiến Tuấn được mang đến Art Expo Malaysia 2012

“Mơ” Art Expo Việt Nam

* Theo anh, việc tìm kiếm tác phẩm để mang đi giới thiệu khó hay dễ? Chuyến đi này gồm tác phẩm của những ai?

- Do có thời gian chuẩn bị sớm nên mọi việc cho tới bây giờ tôi thấy rất yên tâm. Về  số lượng, cụ thể là 18 tác phẩm của 4 tác giả Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Đặng Phương Việt và Văn Thơ. Với tiêu chí giới thiệu cho được một số thể loại: chân dung (Văn Thơ), hoa đào (Liêu Nguyễn Hướng Dương), hoa sen (Đặng Phương Việt) và tranh lụa hiện đại (Bùi Tiến Tuấn)... Mong muốn trong tương lai của tôi là giới thiệu được đa dạng về chủ đề và thể loại, bên cạnh đó là những họa sĩ đặc sắc.

Đó là thuận lợi, còn khó khăn thì rất nhiều, đơn cử như việc tạo niềm tin giữa phòng tranh và nhiều họa sĩ cũng không dễ, lấy được tranh mang đi khá gian nan. Đây là hệ quả của nhiều bất cập lâu nay, thiết nghĩ, muốn lành mạnh và sòng phẳng hơn, mối quan hệ này phải dần được cải thiện theo hướng tích cực.

* Từng tham dự những sự kiện quốc tế như thế này, có dịp so sánh, anh thấy gì về các vấn đề của nền hội họa đương đại Việt Nam?

- Rõ ràng, Chính phủ của họ đã đầu tư cho văn hóa rất lớn và đúng hướng, nên họ đã tạo ra được thị trường nội địa, nên mới có chuyện người Malaysia ưu tiên mua tranh Malaysia, một điều rất đáng để ước mơ. Hàng năm, các nhà sưu tầm hay cá nhân họa sĩ có tác phẩm tốt đều có quyền nộp hồ sơ để tham dự các phiên đấu giá; để được thẩm định giá, nên được ngân hàng bảo hộ, được bảo hiểm hỗ trợ…

Việc các phòng tranh bán tác phẩm ra và thu tác phẩm về với giá thỏa thuận từ trước là hết sức bình thường, trong khi ở Việt Nam, điều này rất hiếm gặp, nên người mua không dám bỏ tiền ra mua tranh cũng hết sức dễ hiểu, bởi khi họ không thích nữa, chẳng biết bán cho ai. Chính vì vậy, các mô hình hội chợ nghệ thuật đã giúp cho nền mỹ thuật có nhiều cơ hội phát triển đa dạng, cân đối.

Art Expo Malaysia ban đầu tổ chức cho các họa sĩ người Malaysia, chỉ hai, ba năm sau, tính chất quốc tế của nó đã nhanh chóng lan rộng, nay thì khá nổi tiếng. Nếu có mong ước gì, tôi hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ có một Art Expo Việt Nam.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm