Họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương phóng to và thu nhỏ không gian

09/06/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá

Từ ngày 12 đến 30/6 tại Green Palm gallery (49 Mạc Thị Bưởi, Q.1, TP.HCM), Nguyễn Thị Hoài Thương sẽ cùng Nguyễn Quang Minh và Vũ Anh có cuộc triển lãm Những khuôn mặt mới. Chia sẻ tinh thần lãng mạn và vui sống, họ mang đến những bức tranh tươi sáng, cuốn hút.

'Hoan Ka' - triển lãm cá nhân đầu tiên của Tuyết Lan Trần

'Hoan Ka' - triển lãm cá nhân đầu tiên của Tuyết Lan Trần

Từ ngày 10/06 tới 20/06 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội diễn ra triển lãm "Hoan Ka" của Tuyết Lan Trần.

Cách bạn nghĩ, cách bạn sống, sẻ chia với cuộc đời sẽ ảnh hưởng đến cách bạn tư duy và biểu hiện trên mặt tranh. Đây là những gì mà bạn nhìn vào Nguyễn Thị Hoài Thương - tranh và đời - sẽ thấy rất rõ. Chị tham gia nhiều các hoạt động cộng đồng như quyên tranh cho các buổi đấu giá gây quỹ từ thiện, đổi tiền bán tranh ra thành cây trồng, dạy các em nhỏ vẽ tranh… Một Hoài Thương tích cực sống với đời như thế nào thì cũng tích cực và hào phóng với cảm xúc của mình trong tranh ngần ấy.

 

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương

Chọn lối vẽ hiện thực pha chút phong cách ấn tượng và bán trừu tượng, tranh phong cảnh của Hoài Thương ngập tràn màu và sắc, đó là những gam màu của sự tràn trề năng lượng sống, mang lại cái nhìn đầy tính tích cực cho người thưởng ngoạn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Mùa trái chín"

Có những bức tranh của chị cho ta cảm giác như đang được phóng to một bức ảnh, ở đó người hoạ sĩ đang đặc tả những ấn tượng thị giác mạnh mẽ, lại có những bức khác chị như phác một cái nhìn toàn ảnh, sinh động đa lớp. Sự thu phóng về mặt không gian một cách tuỳ nghi này giúp người xem cảm giác như đang đứng trước một ống kính máy ảnh mà khả năng phóng xa hay thu gần của nó là không giới hạn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Bên nhau"

Tùy nghi nhưng không tùy tiện. Đây chính là một khả năng cân bằng thị giác cũng như cân bằng cảm xúc người xem của hoạ sĩ. Mà muốn cân bằng cảm giác và cảm xúc của người xem thì hoạ sĩ phải cân bằng chính mình, như chị phát biểu: “Khi bắt tay vẽ rồi mới biết thứ dẫn dắt ta đi thực sự là cái mà ta chưa bao giờ được học và không thể nào học được từ người thầy, đó là  cảm xúc - điều mà ta học mãi chẳng bao giờ hết được… Khi sáng tác, cảm xúc là điều mà tôi quan tâm nhiều nhất, cũng là cái làm khó tôi nhiều nhất, mỗi trải nghiệm cảm xúc trôi qua trong tranh vẽ cũng giống như đời thực vậy, mỗi người hoạ sĩ phải tự học cách cân bằng”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Khúc ca xuân"

Thêm nữa, khi nhìn vào tranh phong cảnh của Hoài Thương, nếu chuyên chú người xem có thể nhận thấy sự báo hiệu mùa qua phong cảnh của chị. Thời gian là vô hình, nhưng ta có thể nhận biết được sự chuyển động không ngừng của thời gian qua sự đổi thay của vật, của cảnh. Đây hẳn cũng là một cách mà nữ họa sĩ này đã “ngộ” được.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Hoa phù dung"

Nhìn vào mỗi bức tranh ta có thể đoán được nhịp mùa thay đổi với những đặc trưng như thế nào: mùa hạ với những đóa sen e ấp trong đầm, hoặc chực nở trên chuyến xe đạp tròng trành bãi phố, mùa khô mới những thoáng rừng khộp hoá lá vàng đợi thay mình, một mùa xuân rực màu hoa cỏ…

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Vườn xuân"

Phong cảnh của Hoài Thương dễ gần, dễ cảm, dễ đồng điệu. Có lẽ, với đề tài này, Hoài Thương không muốn những ranh giới của định kiến văn hoá ngăn cản người xem và hoạ sĩ. Theo như cách chị nói: “Bức tranh đẹp là khi đến với công chúng, nó khơi gợi được nơi người xem những cảm xúc ngạc nhiên, thỏa mãn, bất mãn. Hay đồng điệu với hoạ sĩ mà không bị giới hạn bởi tôn giáo văn hóa hay chính trị… khi đó nó là một tác phẩm đẹp và thành công”.

Khi chia sẻ trải nghiệm về hiện thực cuộc sống và hiện thực trong tranh, Hoài Thương không ngần ngại mà bộc lộ ngay cá tính Quảng thẳng thắn của mình: “Mỗi một tác phẩm nghệ thuật được sinh ra là một lần họa sĩ đang làm mới lại cái trải nghiệm đã cũ, cho dù thuộc trường phái nào thì nó cũng thấm đẫm cái hơi hướng của thời đại mà họa sĩ được sinh ra, và bây giờ nó không còn là tác phẩm mang tính chất cá nhân mà đã biến thành những rung cảm công chúng, hoà nhịp cùng với vũ trụ và nhân loại".

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Hoa cà phê"

Hoài Thương nói thêm: "Thế nên bên ngoài người  ta cứ hay nhầm tưởng rằng anh họa sĩ kia, muốn vẽ đẹp anh phải gác cái hiện thực nghiệt ngã của đời anh đi mà mơ tưởng và vẽ ra cho nhân gian những không gian huyền ảo đầy mơ mộng. Không đâu, chính cái nền của hiện thực đời sống mới là bước đệm để nâng tâm hồn anh lên trên con đường tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng. Tôi nghĩ đấy cũng là một trong nhiều lý do mà người ta lại đặt chân, thiện rồi mới đến mỹ”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Nhịp điệu mùa xuân"

Một họa sĩ Hoài Thương đang dần tạo cho mình một phong cách nghệ thuật và một chỗ đứng nhất định trong lòng giới thưởng ngoạn hội hoạ cũng chính là một Hoài Thương còn cả một chặng đường đời và cũng là chặng đường nghệ thuật thênh thang phải bước. Hy vọng theo dõi những bước đi của chị, công chúng yêu nghệ thuật cũng sẽ thêm yêu đời, yêu người như cảm xúc từ tranh chị mang lại.

Bảo Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm