22/06/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá
Học nghệ thuật - làm kinh doanh rồi lại quay trở lại với nghệ thuật là phác thảo về hành trình đi tìm "bản ngã" của họa sĩ Ly Trần. Cùng với quyết định về với hội họa chỉ cách đây 3 năm, Ly Trần cũng đánh dấu sự trở về quê nhà của mình trong triển lãm Đa sắc (diễn ra từ 17 - 21/6) tại 28 Hàng Bài, Hà Nội.
Với 70 tác phẩm hầu hết được vẽ chủ yếu trong suốt khoảng thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 tại Mỹ, Ly Trần đã đem đến triển lãm một chân dung hội họa đa màu, đa phong cách nhưng gần gũi và đầy xúc cảm.
Về với nghệ thuật
Tên thật Trần Phương Ly, sinh năm 1982, Ly Trần bộc lộ năng khiếu vẽ từ bé. Thời sinh viên, chị theo học thiết kế công nghiệp tại Moskva (Nga). Trong 7 năm rèn giũa ở đây, từ suy nghĩ sẽ theo đuổi nghề thiết kế, Ly Trần đã muốn mình được vẽ nhiều hơn.
Tốt nghiệp đại học, Ly Trần sang Mỹ định cư với gia đình và hoạt động kinh doanh nhưng vẫn duy trì thói quen vẽ khi có thời gian. Chị luôn muốn ghi lại những cảm xúc từ thế giới quan của mình bằng tranh.
Ly Trần vẽ từ cảm xúc nên đề tài của chị vừa phong phú, vừa giản dị, gần gũi. Chị cũng không bắt tác phẩm của mình phải "chạy theo" theo vật liệu mà chỉ dùng vật liệu để thể hiện ý tưởng. Vì thế, Ly Trần không đóng khung mình trong bất cứ trường phái nào. Sự kết hợp cùng những tìm tòi mới hơn trong phương thức biểu đạt khiến cho Ly Trần không có tên gọi nào cho phong cách trong nghệ thuật của mình ngoài cái tên của chính chị.
Rồi cách đây 3 năm, khi dịch Covid-19 xảy đến, Ly Trần có thêm những suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân về cuộc sống.
"Khi ấy, hẳn ai cũng có thời gian để nhìn lại mọi thứ, gặp những cảm xúc chưa bao giờ có. Với tôi, tôi có thời gian vẽ nhiều hơn. Sau khi vẽ được một số lượng tranh lớn, tôi thấy đây mới thật sự là điều mình mong muốn. Tôi nghĩ rằng để kiếm sống thì có nhiều cách nhưng mình chỉ sống được có một lần thôi, dù nó khá mong manh" - Ly Trần kể - "Tôi chọn quay lại với nghệ thuật, bán toàn bộ mảng kinh doanh mà mình đang làm…."
Vẽ tranh, rồi nữ họa sĩ muốn đưa tranh ra thị trường. Chị bảo mình tìm hiểu khá nhiều mà không thấy ai ở Mỹ có hoàn cảnh giống chị để học hỏi "đường đi nước bước", bởi Ly Trần là một người học nghệ thuật, làm kinh doanh rồi lại quay về với nghệ thuật. Vậy là chị lựa chọn cách làm của một nghệ sĩ Mỹ tự do. Trong suốt 2 năm (2021 - 2022), Ly Trần đi dọc bờ Đông nước Mỹ để "tiếp thị" các tác phẩm của mình trong hàng chục hội chợ và triển lãm nghệ thuật. Không chỉ vượt qua những hội đồng giám tuyển để xuất hiện tại các cuộc triển lãm quy mô, tranh của Ly Trần cũng được công chúng đón nhận. Ngay trong cuộc "chào sân" đầu tiên với 30 bức tranh, chị cũng đã bán được kha khá tác phẩm của mình.
Và… về quê
Trở về Việt Nam nằm trong kế hoạch của Ly Trần. Chị chọn làm triển lãm cá nhân Đa sắc như một lời chào đến bạn bè, người thân sau nhiều năm xa cách.
"Về Việt Nam, trân quý nhất vẫn là con người Việt Nam" - Ly Trần bộc bạch - "Trong khoảng thời gian vài tháng trước triển lãm, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ thân quen đến mới gặp".
"Với tôi, Đa sắc chính là cuốn nhật kí về cảm xúc trong từng giai đoạn cuộc đời mình" - Ly Trần cho hay. Chị lựa chọn nhiều phương thức thể hiện cho ngòi bút của mình, từ sơn dầu, sơn mài, đa vật liệu. Từ đề tài đến chất liệu, Ly Trần cũng cho thấy sự kết nối vô hình nhưng cũng rất hữu hình trong tác phẩm của mình.
Ví dụ như series Chạm, với hình ảnh những cái nắm tay nhưng chủ đề chị lột tả rất đa dạng: Yêu, Đi qua giông bão. Bình yên, Cha và con, Nắm tay đầu tiên…. Chị bảo, để thể hiện những động chạm của hai cá thể, mình sử dụng bút pháp sợi màu đan vào nhau như những dòng chảy, thể hiện dòng máu sống dưới da, chuyển động và quyện vào nhau. Cảm xúc cho các tác phẩm đến từ những ngày tháng chị xa con lâu nhất trong đời, phải mở lại ảnh con chụp từ thủa bé để xem cho đỡ nhớ.
Cũng với câu chuyện về chất liệu, Ly Trần nói về sự khai thác của mình với sơn mài, sơn dầu từ đề tài đến mạch vẽ. So với truyền thống, chị đưa ra những yếu tố mới như góc nhìn đề tài với Adam và Eva, sử dụng màu sắc tươi sáng trong tác phẩm Hà Nội xanh, Con phượng… Ở chủ đề sen, Ly Trần cũng thể hiện nhân sinh quan từ bố cục đến màu sắc và nội dung khác với lối cũ.
"Tôi cảm thấy lời chào của mình đã được đáp trả nhiều hơn sự mong đợi. Tranh của tôi truyền được cảm hứng cho nhiều em nhỏ, người già. Có những cụ già 80 tuổi đã đến phòng tranh tới vài lần" - Ly Trần nói- "Tôi cảm thấy mình đã làm đúng nhiệm vụ mà xã hội phân công cho người họa sĩ: đem lại niềm vui, sự rung cảm. Nhưng để đi xa hơn nữa, tôi nghĩ lần trở về này của mình vẫn còn là một ẩn số".
"Hà Nội trong tôi là bức tranh đầu tiên tôi vẽ khi bước chân về Việt Nam. Lúc đó, tôi muốn vẽ về quê hương, nhưng chẳng lẽ lại lên Hồ Gươm để vẽ tháp Rùa? Tình cờ, khi hỏi về bản đồ quy hoạch Hà Nội vì không biết tìm đường như thế nào, tôi đã được một người bạn giải thích cho mình hiểu về sự hình thành của Hà Nội bên bờ sông Hồng, về Hoàng thành và những con phố mọc lên từng thời kì. Những điều khiến tôi có cảm xúc rất mãnh liệt, để rồi vẽ về bản đồ Hà Nội…" - họa sĩ Ly Trần.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất