Họa sĩ David Thomas: 'Tôi thích được gọi là sứ giả hòa bình bằng nghệ thuật'

10/05/2023 08:25 GMT+7 | Văn hoá

Trong 30 năm, với vô số chuyến bay từ nửa vòng trái đất đến Việt Nam, họa sĩ - nhà nhiếp ảnh đồ họa David Thomas đã thành hình ảnh gắn kết cho tình hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong vai trò người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Indochina Arts Partnership (Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương - IAP), suốt từ 1989 đến 2019, David Thomas đã có nhiều cống hiến về nghệ thuật, văn hóa và giáo dục.

Trong chuyến trở lại Việt Nam lần này - có lẽ là chuyến đi cuối cùng - David Thomas không chỉ giới thiệu đến công chúng bằng triển lãm mang tên David Thomas và những người bạn tại Đà Nẵng và Hà Nội, mà còn tiếp tục thực hiện vai trò của mình ở IAP tại chuỗi sự kiện nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi'23 (diễn ra từ 21/4 đến 3/6) do Viện Pháp khởi xướng.

Dù phải di chuyển nhiều nơi và khá mệt, nhưng David Thomas đã dành khoảng thời gian quý giá của mình để trò chuyện cùng báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trước ngày về Hoa Kỳ.

Họa sĩ David Thomas: 'Tôi thích được gọi là sứ giả hòa bình bằng nghệ thuật' - Ảnh 1.

David Thomas và vợ trước giờ khai mạc triển lãm

Một chuyến đi đặc biệt

* Phải chờ 2 năm vì dịch Covid-19, cũng như 10 năm chiến đấu với bệnh Parkinson, nay ông mới được trở lại Việt Nam. Đây là hành trình như thế nào đối với ông?

- Sự trở lại Việt Nam lần này của tôi là một chuyến đi rất khác. Tuần đầu tiên cả gia đình tôi ở Hội An và Đà Nẵng. Tôi rất vui khi thấy các cháu có chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam. Tôi vô cùng hạnh phúc khi triển lãm Finding Parkinson's (Đi tìm Parkinson) của mình đã diễn ra trong sự chào đón của mọi người tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng xinh đẹp.

Khi các cháu tôi trở lại trường học sau một tuần ở Việt Nam, thì vợ tôi, em gái tôi và tôi lại tiếp tục đưa các tác phẩm ra Hà Nội thực hiện triển lãm David Thomas và những người bạn. Tôi thật sự choáng ngợp trước tất cả sự quan tâm của công chúng Việt Nam đối với triển lãm, cũng như những tình cảm mà mọi người đã dành cho mình!

Họa sĩ David Thomas: 'Tôi thích được gọi là sứ giả hòa bình bằng nghệ thuật' - Ảnh 2.

David Thomas phát biểu tại khai mạc

* Triển lãm bày 71 tác phẩm, trong đó có 33 tác phẩm của ông. Đây có phải là tổng số tranh đồ họa mà ông đã thực hiện trong phòng in suốt 2 năm Covid-19?

- Tôi đã thực hiện nhiều hơn, nhưng 33 tranh mang tới triển lãm lần này là những tác phẩm tiêu biểu nhất, thể hiện tốt nhất những mong muốn của tôi trong thời điểm hiện tại.

Trọng tâm của tôi trong hơn 30 năm qua là giáo dục người Mỹ về nền văn hóa giàu đẹp của Việt Nam. Tôi đã thực hiện điều này chủ yếu thông qua việc phát triển các triển lãm nghệ thuật và đưa các nghệ sĩ Việt Nam đến các chương trình lưu trú tại Hoa Kỳ.

Họa sĩ David Thomas: 'Tôi thích được gọi là sứ giả hòa bình bằng nghệ thuật' - Ảnh 3.

Không gian triển lãm

* Và đây cũng lý do mà ông mong muốn được giới thiệu những nghệ sĩ Việt Nam từng lưu trú tại Hoa Kỳ đến rộng rãi với công chúng Việt hôm nay?

- Đúng vậy. Bởi nhiều người trong số họ đã nói với tôi rằng, trải nghiệm của họ ở Hoa Kỳ đã thay đổi cuộc đời mình. Họ cũng làm thay đổi cách nhìn nhận của người Mỹ về Việt Nam. Với tôi, họ chính là những đại sứ đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tôi còn nhớ năm 1989, khi IAP ra đời, đã có hơn 20 nghệ sĩ Việt Nam đã đưa tranh cho một người xa lạ - chính là tôi - đem đi triển lãm. Cuộc triển lãm Nhìn từ hai phía lúc đó đã diễn ra tại 16 điểm khác nhau tại Hoa Kỳ và nhiều điểm ở Việt Nam như Huế, Đà Nẵng, TP.HCM. Ngay từ lúc đó, tôi đã mong muốn được chia sẻ về họ.

"Năm nay chúng tôi sẽ kỷ niệm 55 năm ngày cưới. Tất nhiên sự kiện này sẽ không diễn ra tại Việt Nam, nhưng trái tim chúng tôi thì đã ở đây rồi" - David Thomas phát biểu tại triển lãm. Còn bà Jean Thomas thì chia sẻ: "Khi yêu một ai đó thì không có gì là khó khăn, là vất vả cả. Vì đó chính là cuộc sống".

* Trong hơn 30 năm đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực tranh in và tranh đồ họa, đến nay ông thấy Việt Nam thay đổi như thế nào trong lĩnh vực này?

- Tôi thấy đã có sự phục hưng trong nghệ thuật in ấn của Việt Nam. Tổ chức IAP của chúng tôi đã tặng bốn ấn bản cho các trung tâm nghệ thuật và trường đại học trên khắp Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các nghệ sĩ Hà Nội hoặc họa sĩ Lê Huy Tiếp đã làm rất tốt vai trò giảng dạy, truyền cảm hứng của họ để lĩnh vực tranh in được phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Ngoài ra, một nhà sưu tập mà tôi được biết là Lê Hải Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khiến mọi người nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật đồ họa Việt Nam.

Họa sĩ David Thomas: 'Tôi thích được gọi là sứ giả hòa bình bằng nghệ thuật' - Ảnh 5.

David Thomas và những người bạn nghệ sĩ Việt Nam

* Tôi được biết ông đã đến Việt Nam rất nhiều lần nhưng có vẻ như mảnh đất Buôn Mê Thuột là nơi ông ấn tượng nhất ở Việt Nam? Còn nơi nào mà ông muốn đến nữa không?

- Khi chiến tranh đi qua, trở lại Việt Nam, điều mà tôi nhớ nhất, ấn tượng nhất chính là nụ cười của những trẻ em ở Tây Nguyên. Việt Nam cũng còn rất nhiều vùng đất khác đáng đặt chân đến. Với tôi, sau Buôn Mê Thuột có lẽ là Đà Lạt.

* Ở Việt Nam, mọi người gọi ông là sứ giả của hòa bình bằng nghệ thuật. Còn ông gọi mình là gì trước những hoạt động đã làm cho Việt Nam?

- Tôi thích được gọi là "sứ giả hòa bình bằng nghệ thuật". Với tôi, bất cứ điều gì có thể chữa lành vết thương cho cuộc chiến trong quá khứ, cũng như giúp ngăn chặn các cuộc chiến mới, đều đáng để tôi dành thời gian.

* Trong sự nghiệp của ông, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vợ ông - bà Jean Thomas. Bà là người bạn đồng hành cùng ông trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Ông có thể nói gì về vợ mình trước 55 năm kỷ niệm ngày cưới?

- Quyết định đúng đắn nhất trong đời tôi chính là kết hôn với vợ mình. Trong 55 năm qua, bà ấy là nguồn cảm hứng và cũng là người cổ vũ, động viên tôi trong mọi hành trình, cả lúc tốt đẹp lẫn khó khăn. Vợ là đối tác của tôi theo mọi nghĩa của từ này, vì bà ấy còn là biên tập viên và nhà phê bình giỏi nhất của tôi. Và tôi nợ bà ấy mọi thứ!

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Họa sĩ David Thomas sinh năm 1946 tại Portland, Maine, Hoa Kỳ, từng tham chiến ở chiến trường Tây Nguyên gần 2 năm (1969-1970). Trở lại Mỹ vào năm 1970, ông tiếp tục sự nghiệp họa sĩ của mình.

Triển lãm David Thomas và những người bạn giới thiệu những sáng tác đồ họa David Thomas thực hiện trong giai đoạn chống chọi lại căn bệnh Parkinson. Nguyên do căn bệnh được xác định là có liên quan đến việc tiếp xúc với chất độc da cam trong chiến tranh.

Ngọc Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm