31/03/2015 08:31 GMT+7 | Văn hoá
Những “lần đầu tiên”…
Năm 1987, David là họa sĩ Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau khi kết thúc “Cuộc chiến tranh Việt Nam” (Vietnam War) - một cuộc chiến mà người Mỹ không bao giờ muốn nhắc đến. Ông là người Mỹ đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật dành cho 40 họa sĩ hai nước Việt Nam - Mỹ, mang tên Nhìn từ hai phía (As Seen From Both Sides, American And Vietnamese Artist Look At The War), năm 1991.
Triển lãm còn được giới thiệu đầy đặn qua một cuốn sách cùng tiêu đề do ông thực hiện với Arvada Center For The Arts And Humanities (Trung tâm Nghệ thuật và nhân văn Arvada, bang Colorado, Hoa Kỳ). Cuốn sách hiện vẫn có thể được tìm thấy trên trang bán hàng toàn cầu Amazon bản tiếng Đức, Nhật Bản hay Pháp với một hình bìa vô cùng ấn tượng: đen và trắng, một gương mặt người cắt ngang chỉ còn đôi mắt, nhưng nhìn kỹ, đôi mắt ấy được ghép từ gương mặt của hai con người ở hai nửa bán cầu; một hình ảnh mang tính biểu tượng và có sức ám ảnh sâu sắc.
David Thomas là người Mỹ đầu tiên được chọn trong chương trình trao đổi học giả Fulbright trong lĩnh vực mỹ thuật, năm 2002 - 2003 với nhiệm vụ tham gia chương trình xây dựng trung tâm giảng dạy về thiết kế đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Ông cũng là người Mỹ đầu tiên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu bày qua 17 thành phố lớn ở Mỹ, in thành nhiều bộ sách. Ông là nghệ sĩ mỹ thuật Mỹ đầu tiên được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, năm 1999. Cho tới nay, ông là người có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của xưởng đồ họa tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại - Hội Mỹ thuật Việt Nam, tài trợ và tìm nguồn tài chính hỗ trợ mua hai chiếc máy in vào loại hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, giúp nghệ sĩ đồ họa Việt Nam có một điểm đến thực hiện các trại sáng tác định kỳ, có thể đến thực nghiệm sáng tác hàng ngày cũng như cùng nhau chia sẻ, học hỏi các kỹ thuật đồ họa mới nhất của thế giới…
Nhìn từ hai phía
David Thomas đến Việt Nam năm 1969, như một người lính đóng góp trách nhiệm với Tổ quốc mình. Khi đó, những khái niệm về sự đúng - sai, chính nghĩa hay phi nghĩa chưa phải là điều ông bận tâm. Thời gian trôi đi, những đau thương và mất mát bởi chiến tranh khiến cho con người ta thay đổi và ông tìm mọi cách trở lại Pleiku, nơi ông từng tham chiến trong hai năm 1969 - 1970, hy vọng có thể góp một phương cách hàn gắn lại. Ông mang theo những sáng tác đồ họa được truyền cảm hứng từ hình ảnh những đứa trẻ Pleiku mà ông từng chụp ảnh được khi xưa. Ông mong muốn có thể tặng lại các sáng tác này cho phía Việt Nam, có thể là chính những nhân vật trong ảnh, nếu may mắn còn sống, hẳn đang là những thanh niên cường tráng, có thể là cộng đồng nghệ sĩ hay một bảo tàng nghệ thuật nào đó của Việt Nam…
Những chuyến đi và các cuộc gặp gỡ khi đó đem lại cảm nhận rõ ràng trong ông về “một hàng rào ngăn cách quan hệ lớn” giữa hai nước nhưng cũng đồng thời thúc đẩy ông tin tưởng rằng “rất có thể, các họa sĩ của hai nước sẽ khởi đầu cho một quan hệ con người với nhau giữa hai dân tộc”. Bốn năm sau, thành công của triển lãm Nhìn từ hai phía cũng như dư âm của nó cho đến hôm nay đã khẳng định niềm tin của ông.
Đúng 20 năm sau chuyến viếng thăm chiến trường xưa lần đầu tiên, năm 2007, David Thomas lại có một cuộc kỷ niệm phấn chấn và cảm động nhân chuyến sang Việt Nam lần thứ 50 bằng sự ra đời cuốn sách về cuộc đời nghệ thuật của Huỳnh Phương Đông, một họa sĩ - người lính ở phía bên kia chiến tuyến với ông năm nào. Nhưng “ông Đông” - cách gọi thân thiết của David Thomas dành cho vị đồng nghiệp khả kính của mình - “luôn làm tôi kinh ngạc và xúc động trong mỗi lần tiếp xúc - David Thomas thành thực chia sẻ - Ông ấy không hề che giấu nỗi sợ chiến tranh, sợ phải hy sinh nhưng cùng lúc đó, ông luôn tràn đầy nhiệt huyết cho từng nét vẽ đồng đội như thể được vẽ lần cuối cùng…”. Cuốn sách tiêu đề Huỳnh Phương Đông - góc nhìn chiến tranh và hòa bình, dày gần 200 trang, bìa cứng, khổ ngang, 34cm x 24cm, song ngữ Việt - Anh, giới thiệu một sự nghiệp nghệ thuật của người họa sĩ có hơn 30 năm trong quân ngũ, kể từ khi Nam Bộ kháng chiến, với khoảng 17 nghìn sáng tác trên mọi chất liệu, từ sơn mài, lụa đến bất kỳ mẩu giấy nào nhặt được xung quanh. Tiểu luận về đời binh nghiệp và nghệ thuật của vị họa sĩ khả kính này được viết bởi một cựu binh, Lindsey Lindsey Kiang, về hưu với hàm đại tá hải quân. Ông từng là phó tùy viên quân sự cho Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Hà Nội. Cuốn sách như một niềm vui lớn của vị họa sĩ già sau bao nhiêu năm sáng tác, cũng đang rất muốn làm một cuốn sách tổng kết lại một đời nghệ sĩ - chiến sĩ của mình mà chưa có điều kiện tài chính.
Kẻ thù do ai đó sáng tạo ra…
Những triển lãm hay dự án làm sách chọn lọc cho nghệ sĩ hai nước, đối với David Thomas, có lẽ là những nhịp cầu nho nhỏ nối gần hơn nữa khoảng cách văn hóa và khoảng cách trái tim giữa những người từng ở hai phía của một cuộc chiến. Và càng làm được nhiều những công việc này, càng có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, nghe những câu chuyện bất tận về tinh thần sống cũng như khao khát hòa bình của tất cả các bên, D. Thomas càng tin tưởng một điều “thực tế, chúng ta không có kẻ thù nào cả. Kẻ thù là do ai đó sáng tạo ra mà thôi”.
Nhưng mong ước lớn của ông là sự ổn định và phát triển của lĩnh vực đồ họa ở Việt Nam, một lĩnh vực mà ông thấy có rất nhiều tiềm năng phát triển. Đến một lúc nào đó, tuổi tác sẽ không cho phép ông đến Việt Nam - nơi vợ chồng ông coi như mái nhà thứ hai - nhiều nữa. Có lẽ, niềm day dứt và mơ mộng về một sự gắn bó lâu bền mãi mãi của ông với Việt Nam đã được phần nào thể hiện qua mong ước này, mong ước của một người gắn bó cả đời với nghệ thuật đồ họa.
David Thomas tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật (BFA) tại Đại học Tổng hợp Tufts (Tufts University, Hoa Kỳ), chuyên ngành kỹ thuật in và sau đó là thạc sĩ mỹ thuật (MFA) cùng chuyên ngành tại Trường Thiết kế Rhode Island (Rhode Island School Of Design, Hoa Kỳ). Ông đi lính năm 1968 sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Maine (Maine College Of Art, 1964 - 1968). |
Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người |
Thủy Vân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất