Nhà thơ Phong Việt: Choáng váng vì thơ bán chạy

30/03/2013 07:04 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh của định kiến “thơ chỉ có nước biếu tặng”, thì chuyện Đi qua thương nhớ (NXB Văn học, 2013) bán được 15 ngàn bản và vừa tái bản lần thứ 4 với 5 ngàn bản, là một điều lạ. Phải chăng tập thơ quá đặc biệt; phải chăng có một chiến dịch PR rầm rộ hay quan hệ hữu hiệu phía sau... là những câu hỏi mà ai cũng muốn đặt cho nhà thơ, nhà báo Phong Việt.

TT&VH có cuộc trò chuyện ngắn với tác giả tập thơ Đi qua thương nhớ.

* Cảm xúc của anh thế nào khi tập thơ Đi qua thương nhớ đã bán 15 ngàn quyển và còn bán được nữa?

- Tôi không biết cảm xúc của mình thế nào nữa, sự thành công là một điều gì đó rất choáng váng. Thực sự, tôi chưa bao giờ hình dung và tưởng tượng cuốn sách lại có được số lượng bản in bán ra đến mức như vậy. Tôi nghĩ thành công của nó có nhiều yếu tố quyết định về nội dung, trình bày, cách quảng bá... nhưng chắc chắn là yếu tố may mắn cũng chiếm một phần không nhỏ. Có thể đã lâu lắm rồi mới có một cuốn thơ tạo hiệu ứng nhiều như vậy và trong số những bạn đọc mua sách chắc không ít người đọc chỉ vì tò mò, háo hức.

Nhà thơ Phong Việt. Ảnh: TMC Photography
* Anh có thử đoán thêm một vài lý do để tập thơ này bán chạy?

- Thứ nhất, tôi nghĩ sức mạnh của mạng xã hội - mà ở đây là facebook - đã truyền tải cuốn sách đi đến “mọi người mọi nhà”. Thứ hai, tôi may mắn có những bạn đọc yêu quý lập ra những trang “fanpage” và chính nhờ đó mà sức tác động của cuốn sách cũng lớn hơn. Ngoài ra, những bài thơ trong cuốn sách đã được đăng tải trên mạng trong suốt 5 năm qua, đã dần thành một thói quen đọc của những người yêu thích những điều tôi viết ra... Và cuốn sách ra đời là hệ quả tất yếu, là yêu cầu từ chính những người đọc của tôi.

* Đó là lý do bề ngoài, về nội tại, anh có nghĩ thơ mình đặc biệt không?

- Tôi không nghĩ nó đặc biệt, nhưng nó lạ. Lạ vì thật ra tôi chưa bao giờ gọi nó là thơ, mà hay gọi là “note” hay “entry”, từ lúc mới viết cho đến giờ vẫn vậy. Vì tôi biết cách viết của mình trong mắt nhiều người giống văn xuôi xuống dòng, thậm chí là một cái gì đó “lai” giữa tản mạn và thơ... Và cái lạ nhất với mọi người là những gì tôi viết ra đều thấy ít hay nhiều hình ảnh của họ trong đó; cuộc sống có những mẫu số chung mà đôi khi chúng ta không biết được, nên Đi qua thương nhớ là một trường hợp như thế. Tôi gọi tên được thứ cảm giác trong lòng mình khi đã trải qua nó, điều mà người khác hoặc không muốn gọi tên, hoặc gọi nhưng nó không... hay như cách của tôi. Chỉ đơn giản là vậy!

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm