Tiền đạo Nguyễn Quang Hải: Đời bây giờ mới đẹp

13/02/2011 19:06 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - Vợ đẹp, con xinh, công việc ổn định là mơ ước của tất cả, chứ chẳng riêng gì giới cầu thủ. Với 9 tỷ đồng tiền chuyển nhượng không “phế” (ở đây là phí hợp đồng hay vẫn gọi nôm na là “lót tay”), Quang Hải vừa mới tạo cột mốc mới trong làng bóng đá Việt Nam khi chuyển từ Khatoco Khánh Hòa (K.KH) vào Navibank Sài Gòn (N.SG). Cuộc sống của Hải “gà” đã lại vừa bước sang một chương rất mới.

Ám ảnh tuổi thơ

Ai đó đã viết: “Tuổi thơ bị đánh cắp”. Quang Hải không bị đánh cắp tuổi thơ, nhưng sự thật là quãng thời gian đẹp nhất của đời người ấy với Hải “gà” lại không êm đềm như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Hải gần như mồ côi cha từ khi mới lọt lòng. “Những gì em được nghe lại về ba mình, chỉ là một người đàn ông gốc Huế. Ông bỏ đi khi em vừa mới được sinh ra. Hết!”, Quang Hải từng chia sẻ như thế với người viết, cách đây vài năm. Gia đình Quang Hải, với 3 người chị gái (giờ đã yên bề gia thất và có con cái), nhưng đến lượt mình thì lại thiếu thốn tình phụ tử từ tấm bé. Không có ký ức nào về người cha, tình thương với cậu út Quang Hải dành hết cho mẹ, cho chị.


    Quang Hải, một ngôi sao của bóng đá Việt Nam

Nhà Hải nghèo. Nghèo thực sự. Trong cái căn nhà rộng chừng 20m2 (nói chính xác là cái túp lều dựng tạm trên hè phố) ấy, mẹ và chị đã phải tần tảo sớm hôm, với công việc bán café - trà đá cho mấy chú tài xế xe bồn ở cạnh kho xăng Vĩnh Nguyên - Nha Trang, nuôi Hải khôn lớn. Nó hằn vào sâu trong tâm khảm và hình thành nên tính cách một Quang Hải: Cộc cằn, thậm chí thô lỗ, xấc xược. Trước đây, tiền đạo người Khánh Hòa vẫn thường rất tự ti và thậm chí mặc cảm, khi phải nhắc chuyện gia đình là vì thế. Hải thu mình lại như con ốc sên, tránh giao du - tiếp xúc với tất cả, ngoại trừ những người bạn thiếu thời, các đồng đội thân ở K.KH.

Trong cái xóm chài nghèo ở Vĩnh Nguyên, Hải tập bóng, lớn lên và trưởng thành cùng vài người bạn như Quang “mập” hay Văn Phong (hậu vệ Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và K.KH bây giờ). Vài đứa khác nghiện ngập và biệt xứ. Tuổi thơ của Quang Hải đã trôi qua như thế, cứ luẩn quẩn quanh cái kho xăng bốc mùi rất khó chịu. Quả bóng nhựa và những cốc trà đá của mẹ. Không thừa hưởng bất cứ tố chất thể thao nào từ gia đình, nhưng từ rất lâu rồi, Quang Hải đã ý thức, bóng đá là lựa chọn duy nhất, là cứu cánh với một đứa trẻ có hoàn cảnh dị biệt như mình. Có đôi lần, tưởng như nó đã bị ngắt quãng vì tự ti kiểu trẻ con hay sự khắc nghiệt của nghề đá bóng, vì chấn thương.


  Giây phút tiếc nuối của Quang Hải sau mỗi tình huống ghi bàn bị bỏ lỡ

Với tất cả những gì mà Nguyễn Quang Hải có được vào thời điểm hiện tại, nó phải là sự khổ luyện, những lao tâm khổ tứ của một cầu thủ vốn thiếu và “yếu” trăm bề.

Những cột mốc

Thành công (đặc biệt là trong bóng đá), rõ ràng không tự nhiên đến. Cho đến trước khi Quang Hải đạt được đẳng cấp của một tiền đạo nội ghi hơn chục bàn thắng/mùa giải, được gọi lên ĐTQG, từng trong vai người hùng và giờ có giá chuyển nhượng 9 tỷ đồng..., cuộc sống đều đã có rất nhiều bước ngoặt. Ví như việc trúng tuyển vào lớp năng khiếu bóng đá Khánh Hòa cách đây độ chục năm, được đôn lên đội hình 1 và xỏ giầy vài trận ở giải hạng Nhất (2005), đá Giải U-21 Quốc gia và trở thành “Vua phá lưới” năm 2007, ghi những bàn thắng và được gọi vào ĐTQG trong năm đó, tỏa sáng và được ví như người hùng trong chiến tích giành chức vô địch AFF Suzuki Cup năm 2008...

Chuyện lập gia đình (với vợ là chị Lê Thị Kim Anh), rồi có con (Nguyễn Lê Quang Khôi), thực sự là một cột mốc, là bước ngoặt, là ngã rẽ cuộc đời với Quang Hải. Hải là một trong những cầu thủ lập gia đình khá sớm (khi mới 25 tuổi). Dù có mệt mỏi, có thất bại, đau đớn…, nhưng chỉ cần nghe được tiếng cười nói của cậu quý tử, sự tươi mới sẽ trở lại. Gia đình cũng là động lực để Quang Hải phấn đấu, nỗ lực và tích cóp, vun đắp. Với “vai diễn” bố trẻ con, là trụ cột của cả gia đình, Hải hiểu rằng mình sẽ không bao giờ được phép khụy ngã. Nếu có vấp, thì phải biết đứng dậy và bước tiếp.

Có một kỷ niệm mà có lẽ Quang Hải sẽ phải nhớ mãi. Đó là khi Hải “gà” nhận thông báo chính thức từ huấn luyện viên trưởng Alfred Riedl về việc anh sẽ không có tên trong danh sách cuối cùng đi Thái Lan đá SEA Games 24. Lần đầu tiên được triệu tập lên đội tuyển với bao sự bỡ ngỡ và cả kỳ vọng. Thực tế, Quang Hải cũng đã rất nỗ lực và thậm chí đã ghi được 1 bàn ở Agribank Cup trước đó... Nhưng bỗng chốc rơi phịch xuống mặt đất, hỏi có hụt hẫng không?! Nước mắt cầu thủ tuổi đôi mươi đã rơi lã chã, cạnh đường piste sân tập Trung tâm Công an TP. HCM, trong một buổi chiều cuối năm 2007. Hải khóc như một đứa trẻ, rồi đâm ra hận mình, hận đời.

Năm 2008, cũng vào thời điểm cuối năm, khi ĐTQG tập trung ở Hà Nội. Quá bức bối với việc thường xuyên phải ngồi ghế dự bị, một ngày, Hải đã gõ cửa phòng huấn luyện viên Calisto, để xin phép được về lại câu lạc bộ. Với một cầu thủ thẳng thắn, dám nói như thế, ông “Tô” đã phải mất một hồi thuyết giảng, để học trò nghĩ lại. Quang Hải quay về phòng và hôm sau ra sân tập, lại quần quật như một gã điên. Trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008 trên đất Singapore, lần hiếm hoi Quang Hải được tung vào sân và anh đã ghi bàn thắng duy nhất quý như vàng, đưa Đội tuyển Việt Nam “bay” vào chung kết. Kỹ năng chơi bóng và cả giá trị của Quang Hải (trong mắt đồng nghiệp, cũng như người hâm mộ), được ý thức rõ ràng hơn…

Rất nhiều những bước ngoặt như thế, Quang Hải đã lần lượt trải qua. Đau đớn có, hạnh phúc cũng có, nó trở thành ký ức không thể nào quên được. Ý thức những giá trị cơ bản và vươn lên.

Và ngã rẽ cuộc đời

Bản hợp đồng vừa ký với N.SG, thực sự là bước ngoặt, là trang sử mới và lớn nhất trong sự nghiệp của Quang Hải. Sẽ không còn thường xuyên được “nghe” mùi xăng dầu ở quán nước của mẹ, mạn Thủy Nguyên nữa, cũng sẽ thiếu tiếng cười nói - bi bô của cậu quý tử Quang Khôi, không có biển xanh cát trắng với những chuyến đi bè câu mực..., cuộc sống của Quang Hải bây giờ là Sài Gòn hoa lệ, là tiền tài - danh vọng và là những sức ép rất hữu hình từ bản hợp đồng thuộc hàng kỷ lục của làng bóng đá Việt: 9 tỷ đồng/3 năm. Người ta đã sợ Hải bị mắc kẹt trong cái khối rubic ấy, nhưng anh không nghĩ thế. Trong suốt 26 năm tuổi đời đã qua, Hải đã quá quen với thử thách, với sức ép rồi.


    Những lúc vui đùa, Quang Hải cũng tập cho mình cách ăn mừng bàn thắng

“Khi lần đầu tiên được gọi lên tuyển, cách đây vài năm, tôi đã nghĩ số phận sẽ mỉm cười với mình. Chơi được và ghi những bàn thắng quan trọng, đó thực sự là những mốc son đáng nhớ. Rồi chuyện lập gia đình và có con. Sự nghiệp thăng tiến có tích lũy và với đồng lương - thu nhập của mình, có thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình, trong giấc mơ, tôi cũng chỉ mơ được có thế. Nhưng, cuộc sống thật khó đoán trước và nó không cho phép mình dừng lại, hay an phận. Tôi hiểu rằng, hài lòng với hiện tại, là cánh nhanh nhất để bóp chết sự nghiệp. Có cả một chuỗi những thách thức, những mục tiêu ở đằng trước mà mình phải chinh phục...”, Quang Hải chia sẻ.

Sức bật và tốc độ bứt phá ở cự ly ngắn, khả năng ra chân nhanh như những nhát kéo, Quang Hải thực sự là sát thủ trong khu vực cấm địa đối phương. Rất đều đặn, Hải “gà” luôn ghi hơn chục bàn thắng cho K.KH, kể từ 3 - 4 mùa V-League gần đây. Tính chuyên nghiệp của một cầu thủ không rượu bia, cũng là điều được ý thức. Hải biết sống cho mình, cho người và luôn giữ được ý chí phấn đấu, sự cầu thị - cầu tiến với nghề. Đó là những phẩm chất hiếm và thực sự đáng quý, trong giới bóng banh bây giờ. Ông chủ không bỏ cả đống tiền để mua về một cầu thủ chỉ có năng lực chơi bóng bình thường. Những cầu thủ đắt giá nhất VN như Quang Hai hay Công Vinh, vẫn được (hay bị) xem là sản phẩm của thời thế.


“Bà xã” Kim Anh và con trai Quang Khôi của Quang Hải. Ảnh: TH

Ba năm (và có thể hơn, khi bản hợp đồng với N.SG có điều khoản gia hạn), Quang Hải sẽ phải chứng minh được giá trị đích thực của mình trong màu áo đội bóng mới. Đấy là vấn đề với Hải và anh tin rằng, mình sẽ làm được.

Họ đã nói về Quang Hải...

* Huấn luyện viên Calisto: “Khi cậu ấy lên phòng tôi và đề bạt nguyện vọng muốn rút lui, tôi đã nói thẳng, rằng cậu có thể về. Bất chợt tôi nhận thấy ánh mắt có vẻ luyến tiếc, cầu cạnh của Quang Hải và tôi đã mất cả tiếng đồng hồ để Hải hiểu rằng, anh nên ở lại. Tôi đã đúng và Quang Hải cũng đã rất sáng suốt”.

* Tiền đạo Lê Công Vinh: “Ngày đầu tiên Hải lên tập trung đội tuyển U-23 năm 2007, tôi đã nói với anh ấy, rằng ở trên tuyển tất cả đều bình đẳng. Hãy nỗ lực và chứng minh khả năng của mình, để rồi số phận sẽ quyết định. Trong bóng đá, không được phép tự ti hay tự mãn, bởi nó sẽ bóp chết cả sự nghiệp”.

* Tiền đạo Ngọc Thanh: “Trong mắt tôi, Quang Hải là tiền đạo hay nhất của bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Ngoài những kỹ năng dứt điểm rất dị biệt, Hải còn là người biết học hỏi, cầu tiến, biết khắc phục điểm yếu. Người ta cũng mến cậu ấy bởi cái tư cánh của một gã đàn ông”.

* Thủ môn Dương Hồng Sơn: “Rất khó để đoán trước cậu ấy sẽ làm gì khi có bóng trong vòng cấm. Thậm chí, khi chưa kịp nghĩ ra, thì bóng đã chui thẳng vào lưới rồi. Tôi không muốn là đối thủ của Quang Hải trong những buổi tập trên tuyển, là vì thế. Nếu tiếp tục cố gắng, tôi tin Hải sẽ còn tiến xa”.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm