Kịch Nỏ thần: Còn hơn một chuyện tình!

08/09/2009 09:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm 6/9, tại sân khấu Kim Châu (15-17 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), Kịch Hồng Vân đã phúc khảo thành công vở kịch Nỏ thần (KB: Lê Duy Hạnh, ĐD: Đỗ Đức Thịnh). Đây là vở diễn lấy cảm hứng từ chuyện tình My Châu - Trọng Thủy trong cổ sử, và đã được dàn dựng rất thành công trên sân khấu cải lương năm 2008, với tựa đề Chiếc áo thiên nga, qua chuyển thể của Hoàng Song Việt và đạo diễn Hoa Hạ. Trong lần dàn dựng này, dù chuyện tình vẫn được đào sâu, nhưng vẫn còn nhiều điều đáng nói hơn.

Đầu tư lớn nhất xưa nay của Kịch Hồng Vân

Bà bầu Hồng Vân nói rằng mức đầu tư cho vở diễn vào khoảng 350 triệu đồng, không nhiều hơn thiên hạ, nhưng là cố gắng lớn nhất của sân khấu lâu nay. Hồng Vân đã mạnh dạn để Đỗ Đức Thịnh cầm cân một dàn diễn viên lên đến 60 người, nhiều vai lớn do các diễn viên trẻ đảm trách.


Một vài cảnh trong Nỏ thần

Nếu làm một so sánh về sự hơn thua trong cách thể hiện giữa các vở diễn thì thật là khó, nhưng rõ ràng đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, rồi cả nhà thiết kế trang phục Vương Đình Hải đều nói mình chịu nhiều áp lực, vì cái bóng của vở cải lương còn vang vọng trong lòng người xem. Diễn viên Lê Hay (vai Triệu Đà) nói rất sợ bị người xem so sánh với tiền bối Thanh Tòng, người đã từng diễn vai Triệu Đà quá xuất sắc.

Nhưng khi vở diễn hạ màn, người xem đã thấy Lan Phương thật tinh khôi trong vai My Châu; Hòa Hiệp lãng mạn và lụy tình trong vai Trọng Thủy; Vân Anh có góc cạnh trong vai Hoàng Dung. Riêng vai Cao Thục mạnh mẽ của Huỳnh Đông, và vai Triệu Đà gian hùng, khát máu của Lê Hay đã tạo ra được điểm nhấn tâm lý cần thiết. Người xem có thể khóc cho chuyện tình đẹp như thơ của My Châu - Trọng Thủy; thì cũng có thể thông hiểu được tâm sự của Thục Phán, Cao Thục; cũng có thể chia sẻ được nội tâm của Triệu Đà.

Một thông điệp đáng suy nghĩ

Suốt vở diễn, My Châu - Trọng Thủy được xây dựng là người mê thơ, thích ca hát, ghét chiến tranh. Trong vài lớp diễn, My Châu đọc đi đọc lại một bài thơ, trong đó có 4 câu như sau: “...Tuổi thơ như nắng sớm / Xuôi theo cơn mơ dài / Từng ngày khi khôn lớn / Biết còn ai còn ai?”.

“Biết còn ai còn ai?” Là một câu hỏi về nhân sinh, về lẽ diệt vong của một đời người, một triều đại, một đất nước. Và đây cũng là tinh thần của vở diễn. My Châu - Cao Thục, Trọng Thủy - Hoàng Dung cùng có tuổi thơ với nhau, cùng lớn lên ở một nơi, và đã từng hướng trái tim về nhau, nhưng rồi thế cuộc xoay vần, buộc họ phải phân ly vì tình, phải biệt ly vĩnh viễn vì trung nghĩa.

Vở kịch Nỏ thần (tựa gốc Chiếc áo thiên nga) sẽ công diễn vào tối 12/9 tới đây tại sân khấu Kim Châu và tối 13/ 9 sẽ diễn tại Nhà hát TP.HCM.
Vở kịch có nhiều chi tiết xúc động này đã bám khá sát câu chuyện trong cổ sử và truyền thuyết. Nhưng sự tài tình của đạo diễn là đã cố gắng “minh oan” cho My Châu - Trọng Thủy, và cố gắng gửi gắm vài thông điệp vào nhân vật Cao Thục, Thục Phán, Nhan Tấn. Trong vài lớp diễn có tính đối nghịch tâm lý, Cao Thục đã cho người xem thấy sự băng hoại không đến từ gươm đao ở chiến trường, mà đến từ suy nghĩ tìm sự hưởng thụ. Chính Nhan Tấn cũng đã từng thốt lên, đại ý là đừng tưởng chiến tranh chỉ có ở ngoài chiến trường với tên bay đạn lạc, mà chiến tranh còn ở ngay trong vàng bạc, rượu thịt, nhung lụa mà ta đang hưởng thụ hàng ngày.


Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm