Lận đận như bóng đá Thanh Hóa

21/07/2011 13:23 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Những tín hiệu phát đi từ xứ Thanh cho thấy mối lương duyên giữa bóng đá Thanh Hóa với HLV Lê Thụy Hải chắc sẽ khó mà kéo dài thêm được. Nhiều người bảo rằng, với thương hiệu của mình, ông Hải “lơ” rồi sẽ không mấy khó khăn để tìm một bến đỗ mới. Nhưng với bóng đá Thanh Hóa, người ta không khỏi cám cảnh cho cái vòng lận đận của họ.

Chuyện xưa

Người Thanh Hóa, với một lòng tự tôn quê hương xứ sở, vẫn thường tự hào về “truyền thống bóng đá” của mình. Nhưng sự thật thì Thanh Hóa không phải là vùng có truyền thống đá bóng. Thời bao cấp, những cái tên tiền thân của bóng đá Thanh Hóa bây giờ như Thanh niên Thanh Hóa hay CA Thanh Hóa chỉ mang những dáng vóc hết sức khiêm tốn so với Thể Công, CA Hà Nội, CA Hải Phòng hay Công nghiệp Hà Nam Ninh... trên bản đồ bóng đá miền Bắc.


Bóng đá Thanh Hoá hiếm khi nào có niềm vui trọn vẹn và dài lâu, dù không thiếu tiềm năng

Người ta bắt đầu biết đến bóng đá Thanh Hóa nhiều hơn vào quãng thời gian bóng đá VN rậm rịch chuyển mình bước lên chuyên nghiệp, khi xứ Thanh trình làng những gương mặt ưu tú như Triệu Quang Hà, Phạm Như Thuần, Hoàng Trung Phong... Nhưng cũng bắt đầu từ thế hệ ấy, cho tới những thế hệ sau này của Hồng Minh, Tiến Thành, Đại Đồng..., dù không thiếu tài năng nhưng bóng đá Thanh Hóa không sao ngóc đầu lên nổi bởi một chữ “nghèo”.  

Ngày trước, Quang Hà, Như Thuần đã tình nguyện nhập ngũ để được thi đấu cho Thể Công. Sau này, Hồng Minh, Đại Đồng... cũng dứt áo ra đi bởi không nhìn thấy tương lai trên quê hương của họ. Tiến Thành thậm chí còn chấp nhận chịu án phạt cấm thi đấu để được chuyển sang V.NB thay vì ở lại đá cho Thanh Hóa...

Giữa vòng xoáy của cái sự nghèo ấy, người ta thấy bóng đá Thanh Hóa mỗi năm càng thêm tiêu điều, còn con người thì sinh ra luẩn quẩn. Nếu có điều gì tiêu biểu cho sự bế tắc của xứ Thanh thì đó chính là việc cuối mùa 2009, họ bê Thể Công về hô biến thành Thanh Hóa và xóa bỏ Thanh Hóa “xịn”, vốn bị xuống hạng cùng năm đó. Nhưng rồi cái mô hình tưởng như là sáng tạo ấy cuối cùng vẫn không giúp bóng đá Thanh Hóa khá lên được, nếu như không muốn nói rằng đó là một thất bại khá thảm hại.

Chuyện nay

Năm 2008, xứ Thanh mừng như bắt được vàng với nhà tài trợ Xi măng Công Thanh, bởi đối với Thanh Hóa lúc bấy giờ và kể cả thời điểm hiện tại, mô hình bóng đá quốc doanh gắn mác doanh nghiệp gần như là lối duy nhất để thoát ra khỏi cảnh nghèo. Nhưng rồi chỉ vỏn vẹn một năm sau, tất cả nhận ra đó là một vở bi hài kịch với kết cục thê thảm là Xi măng Công Thanh tháo chạy còn Thanh Hóa thì xuống hạng. Tức là đã không hề có một cuộc đổi đời nào được sinh ra từ cuộc hôn nhân vốn mang theo rất nhiều kỳ vọng ấy.

Nhắc lại những câu chuyện cũ để thấy rằng, dù năm nay mô hình xứ Thanh theo đuổi vẫn là bóng đá quốc doanh gắn mác doanh nghiệp và còn lâu mới được nhìn nhận như một CLB chuyên nghiệp thực thụ, nhưng ít nhất nó đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực và khiến tất cả cùng nhìn về tương lai bằng một ánh mắt nếu không lạc quan hơn thì cũng không còn là những gam màu ảm đạm.

Song ở đời, đúng là có những thứ giống như số mệnh. Vào lúc trời êm biển lặng lại cũng là lúc bão tố xảy ra. Người duy tâm có thể cho rằng vì cái số của bóng đá xứ Thanh nó lận đận như thế nên dù cố thế nào cũng không thoát ra được.

Nhưng suy cho cùng, đó là những cái giá tất yếu mà bóng đá Thanh Hóa phải trả trong quá trình đi từ “không” đến “có”. Bởi ngay cả khi đội bóng xứ Thanh đang thăng hoa, nó cũng không che giấu được sự thật là bóng đá Thanh Hóa vẫn thiếu quá nhiều yếu tố của một sự phát triển bền vững, từ chuyện nhỏ nhất là cung cách xây dựng cơ chế về lòng tin và ứng xử.

Sự đổ vỡ ngày hôm nay vì thế có thể lại là cơ hội để Thanh Hóa nhìn ra những khiếm khuyết của mình, thay vì ngủ quên trong sự ảo tưởng.    

Đức Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm