08/09/2023 13:25 GMT+7 | Tin tức 24h
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành (15/9/1945-15/9/2023), sáng 8/9, tại thành phố Bắc Giang, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến và đường Đào Tùng.
Đây là hai nhà báo của TTXVN có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí của ngành cũng như nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.
Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo TTXVN; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TTXVN qua các thời kỳ; đại diện các đơn vị của TTXVN; đại diện dòng họ, thân nhân nhà báo Trần Kim Xuyến và nhà báo Đào Tùng.
Về phía tỉnh Bắc Giang có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, thành phố Bắc Giang, xã Tân Mỹ, xã Tân Tiến.
Tại buổi Lễ, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Bắc Giang đã công bố quyết định đặt tên đường Trần Kim Xuyến và đường Đào Tùng.
Đường Trần Kim Xuyến có điểm đầu và điểm cuối là đường Dương Quang Bổ nằm ở Khu đô thị phía Nam thành phố, trên địa bàn xã Tân Tiến, có chiều dài 0,56km, lòng đường rộng 7,5m; vỉa hè 2x4,5m.
Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947) sinh tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 8/1945, ông được cử giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền kiêm Phó giám đốc Nha thông tin Việt Nam, phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN). Ngày 6/1/1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Bắc Giang. Sáng 3/3/1947, nhà báo Trần Kim Xuyến anh dũng hy sinh tại khu vực Đầm Sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) khi đang trên đường sơ tán tài liệu. Ông là nhà báo Việt Nam đầu tiên, cán bộ Thông tấn đầu tiên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Đường Đào Tùng có điểm đầu là đường Chu Văn An và điểm cuối là đường Bà Triệu, nằm ở khu đô thị phía Tây thành phố, trên địa bàn xã Tân Mỹ, có chiều dài 1,18km, lòng đường rộng 12m; vỉa hè 2x6m.
Nhà báo Đào Tùng (1925-1990), tên thật là Đỗ Trung Thành, quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Từ tháng 5/1966, ông là Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã, từ năm 1977 ông là Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập TTXVN cho đến khi qua đời. Từ những năm 1970, nhà báo Đào Tùng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam; ông cũng có đóng góp quan trọng cho Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trong vai trò Phó Chủ tịch OIJ. Nhà báo Đào Tùng còn giữ nhiều trọng trách khác như: Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia… Đánh giá cao những cống hiến của nhà báo Đào Tùng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đến năm 2023, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước có 7 đường, phố mang tên các nhà báo TTXVN gồm: phố Trần Kim Xuyến tại Hà Nội; đường Trần Kim Xuyến tại tỉnh Hà Tĩnh; đường Bùi Đình Túy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đường Lâm Hồng Long tại tỉnh Bình Thuận; đường Trần Bỉnh Khuôl tại tỉnh Bạc Liêu; đường Trần Kim Xuyến và đường Đào Tùng tại tỉnh Bắc Giang. Trong đó, nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến được tôn vinh, đặt tên cho 3 đường, phố mới: Phố Trần Kim Xuyến tại quận Cầu Giấy, Hà Nội (năm 2014); đường Trần Kim Xuyến tại thị trấn Phố Châu, Hà Tĩnh (năm 2017) và đường Trần Kim Xuyến tại thành phố Bắc Giang (năm 2023).
Phát biểu tại buổi Lễ, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định: Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sự tri ân của Đảng, Nhà nước, của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang, thành phố Bắc Giang, cùng tập thể cán bộ TTXVN đối với nhà báo Trần Kim Xuyến, nhà báo Đào Tùng, những đại diện tiêu biểu của thế hệ nhà báo - chiến sỹ đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đây cũng là sự ghi nhận đối với TTXVN, cơ quan báo chí vinh dự được Bác Hồ đặt tên, với có bề dày truyền thống rất đỗi tự hào.
Suốt 78 năm phát triển đồng hành cùng đất nước, TTXVN vinh dự ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong các cuộc kháng chiến, các thế hệ phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN đã có mặt ở khắp các chiến trường, vượt lên mọi gian khổ, khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin mà Đảng và Nhà nước giao phó. Gần 260 nhà báo, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc.
Hiện nay, với đội ngũ 2.100 cán bộ, công nhân viên, trong đó hơn 1.200 phóng viên, biên tập viên đang công tác tại các ban biên tập tin nguồn, các tòa soạn báo, trung tâm thông tin, truyền hình, hệ thống 93 cơ quan thường trú trong nước và khắp năm châu, TTXVN tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, luôn có mặt trên tuyến đầu, giữ vững vị thế là trung tâm thông tin chiến lược tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; vững bước trên con đường phát triển trở thành cơ quan thông tấn chủ lực đa phương tiện của hệ thống truyền thông quốc gia.
Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương Bắc Giang và để đáp ứng mục tiêu đầu tư và phát huy hiệu quả các công trình, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang Đặng Đình Hoan đề nghị: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở 2 xã Tân Mỹ, Tân Tiến đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân, học sinh về thân thế sự nghiệp của nhà báo - liệt sỹ Trần Kim Xuyến, nhà báo Đào Tùng; tích cực hưởng ứng tham gia phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp, đồng thời làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn công trình để thực sự mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân.
Trước đó, lãnh đạo TTXVN và các đại biểu đã đến thắp hương tại mộ nhà báo Đào Tùng ở Nghĩa trang Tân An, thành phố Bắc Giang; chào xã giao lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất