25/11/2022 06:13 GMT+7 | Bóng đá Việt
Phát biểu sau thất bại trước Hà Nội FC tại bán kết Cúp quốc gia - Baf Meat 2022, HLV Kiatisuk thừa nhận các cầu thủ HAGL đã bị phân tâm về chuyện hợp đồng. Đó không phải là điều mới mẻ gì, nhưng không ai nghĩ mùa giải được cho là rất đặc biệt của lứa U19 HAGL khép lại với nhiều thất vọng đến vậy.
1. Lứa U19 HAGL mà có người vẫn gọi là "những đứa trẻ của bầu Đức" là một nhóm cầu thủ đặc biệt. Phải là những ai ở trong thời điểm 2014-2016 mới cảm nhận được hết những điều khác lạ và thú vị mà lứa cầu thủ này đem đến cho bóng đá Việt Nam. Họ là người tái tạo lại cảm giác "sướng" khi xem một trận bóng nội địa. Họ thổi vào làng cầu Việt Nam một thứ không khí tưng bừng tưởng chừng như không thể có, nhất là sau trận thua đầy ngờ vực của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014.
Họ chính là chất xúc tác để người yêu bóng đá Việt Nam nói về "Giấc mơ World Cup". Nói một cách chính xác, thì những gì mà thế hệ U19 của HAGL đem đến, phần lớn là những xúc cảm cho một nền bóng đá đang khô cằn và kiệt quệ. Điều đó thật quan trọng trong giai đoạn mất phương hướng ấy. Khi niềm đam mê được "thắp" trở lại, người ta có thể làm được nhiều thứ.
Nhưng vì những thứ quan trọng nhất của lứa cầu thủ U19 này đem lại là cảm xúc nên có thể các yếu tố chuyên môn bị bỏ quên trên con đường phát triển nghề nghiệp của họ. Cho đến thời điểm này, sau 7 mùa giải chơi bóng ở V-League, không một cầu thủ HAGL nào lọt vào tốp 3 giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam ngoài trường hợp của Lương Xuân Trường hồi năm 2016 khi đang khoác áo Incheon (Hàn Quốc). Họ cũng không có một danh hiệu tập thể nào ngoài chức vô địch giải U21 quốc tế hồi năm 2015.
Nếu không rời khỏi HAGL, nhiều khả năng các cầu thủ thuộc lứa U19 này sẽ chẳng có danh hiệu cá nhân nào trong suốt sự nghiệp của mình. Điều đó rất dễ xảy ra khi tài năng của họ thực sự chững lại cả về phương diện kỹ năng thi đấu đến tư duy chiến thuật.
2. Hợp đồng đào tạo đặc biệt của nhiều cầu thủ thuộc lứa U19 với HAGL kéo dài đến tận năm 28 tuổi, tức là kết thúc sau mùa này hoặc mùa sau. Về lý thuyết, hợp đồng nào cũng có thể bị phá vỡ, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Có 2 giả thuyết: Một là cầu thủ có cái Tình với bầu Đức nên tôn trọng tuyệt đối hợp đồng. Hai, là không đội nào "thèm khát" đến mức mua cầu thủ HAGL bằng mọi giá. Tóm lại, khúc mắc lớn nhất nằm ở chỗ phải có sự đồng ý của bầu Đức. Ông bầu này thì luôn nói, ở HAGL luôn tốt cho các cầu thủ, đi làm gì?
Tốt hay không thì thời gian sẽ trả lời, nhưng điều rõ ràng là những gì đẹp đẽ nhất của lứa cầu thủ này đã nằm lại ở tuổi 19-20. Thật khó có thể nói rằng, một cầu thủ thành công mà sự nghiệp lại chỉ được kể bằng thứ bóng đá tuổi teen.
Cái đó không thể đem đi khoe, hay tự hào. Tệ hơn nữa, ở cái tuổi 27-28 vốn là đỉnh cao của một cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng thế hệ U19 của HAGL lại vừa trải qua một mùa giải không vui.
Họ đã thiếu sự may mắn khi mùa giải 2021 đã không thể diễn ra trọn vẹn. Năm thăng hoa nhất, lại là tiếc nuối nhiều nhất. Đấy cũng là lý do mà như HLV Kiatisak thừa nhận: Cầu thủ HAGL đang phân vân về chuyên đi - ở.
Họ thừa thông minh để biết chỉ có ra đi mới còn cơ hội đoạt danh hiệu, thậm chí là cứu vãn sự nghiệp quốc tế trên đội tuyển. Ở lại thì đủ đầy Tình-Nghĩa, nhưng 7 năm đã qua, không lẽ còn gì để luyến tiếc. Chọn cách ra đi, cũng là thể hiện lòng tin vào bản thân sẽ còn phát triển thêm sự nghiệp. Nếu ở lại, chẳng khác gì suy nghĩ của một người cầu toàn, không thể xem là tư duy cá tính của một tài năng được.
Vấn đề nằm ở chỗ, HAGL của bầu Đức có thay đổi gì hay không? Đội bóng này là một trường hợp khá dị biệt của bóng đá Việt Nam, tính đến nay đã 18 năm không có danh hiệu nào cả.
Lịch sử đã ghi nhận một vài trường hợp vô địch ở quãng thời gian dài hơn, nhưng đó là khi họ chịu cảnh xuống rồi lên hạng.
Riêng HAGL thì chơi liên tục suốt 18 năm nhưng cứ né tránh vinh quang, đó không phải là cách thức để làm bóng đá chuyên nghiệp, dù với bất kỳ lý do gì.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất