22/09/2011 11:43 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Ca sĩ Hà Trần in thơ ngay trong thời buổi thơ “lạm phát” như hiện nay khiến nhiều người “sốc”. “Sốc” hơn khi tập thơ Thập kỷ yêu của Hà Trần chỉ có 15 bài, mỏng dính mà bán với giá đến 70 ngàn đồng. Trong khi nhiều nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chưa kể hội viên các hội nhà văn tỉnh lẻ, in thơ ra chỉ để đem tặng. Tập thơ của Hà Trần có gì mà “cao giá” thế?
Tập thơ Thập kỷ yêu (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book ấn hành) được in với chất liệu giấy khá sang. Thập kỷ yêu được trình bày công phu với các hình minh họa và hình bìa đa phần là chân dung Hà Trần. Cách trình bày với nhiều hình của tác giả gợi nhớ đến “sự kiện” diễn viên Lê Kiều Như in luôn một tệp hình của mình “khuyến mãi” độc giả phía cuối cuốn sách Sợi xích (cũng do NXB Hội Nhà văn ấn hành, gây ầm ĩ). Nhưng sách của Hà Trần cao cấp hơn, cách “khoe” chân dung cũng “art” (nghệ thuật) hơn thông qua xử lý hình ảnh có tay nghề của họa sĩ.
Hơn một thập kỷ chắt lọc thơ
Tuy nhiên, Thập kỷ yêu chỉ dày chưa đầy 40 trang in khổ 13x21cm, thì cái giá 70 ngàn đồng/tập thơ là quá đắt so với mặt bằng giá sách chung hiện nay. Vậy tập thơ của ca sĩ Hà Trần có gì mà giá bán cao như vậy?
Hà Trần tự bạch: “Tôi nuôi những bài thơ như một bà mẹ độc thân lo con thơ dại chưa đủ ra đời. Những xâm thực đời sống, những định kiến bao trùm thế giới văn chương có thể làm chúng tổn thương. Các con tôi chỉ biết đến mẹ, nảy mầm và sinh sôi từ tâm hồn mẹ. Thơ đem đến cho tôi sự thăng hoa cảm xúc, lối tư duy và một giải thoát tinh thần khác ngoài âm nhạc. Thơ - nhạc khác biệt, nhưng chúng đều trưởng thành từ thế giới quan và triết lý sống của riêng tôi. Hơn một thập kỷ chắt lọc thơ, gần hai thập kỷ ca hát, tôi trả lại những đứa trẻ tinh thần cho người hâm mộ. Những bài thơ sẽ tìm thân phận giữa muôn ngàn tiếng nói, để mẹ chúng được tự do”.
Có phải vì thời gian “chắt lọc thơ” lâu như thế nên Thập kỷ yêu trở nên cao giá? Nhưng dù “hơn một thập kỷ” Hà Trần “chắt lọc thơ” hay lâu hơn nữa cũng không có gì đảm bảo để thơ của cô ca sĩ này trở thành “khuôn vàng thước ngọc”. Vì có người sáng tác ra một bài thơ khi bước bảy bước chân như Tào Thực mà thơ vẫn hay, lưu truyền đến tận hôm nay. Vậy nên “thập kỷ yêu” hay chỉ “yêu trong khoảnh khắc”, thì giá trị tập thơ không nằm ở hình thức mà phải xét đến nội dung.
Giãi bày tâm trạng
Nhà thơ, nhà phê bình trẻ Lê Thiếu Nhơn, một người bạn cùng lứa khá thân thiết với Hà Trần - tức Trần Thu Hà - chia sẻ với TT&VH khi cô xuất bản tập thơ này: “Từ khi còn học phổ thông, Trần Thu Hà đã viết nhiều tạp văn mơ màng. Hơn nữa, Trần Thu Hà luôn tỏ ra hứng thú khi nghe thơ hoặc đọc thơ của bạn bè. Do vậy, chuyện Trần Thu Hà bí mật làm thơ không có gì đáng ngạc nhiên. Theo tôi được biết, thì trong các mỹ nhân nổi tiếng giới showbiz, Trần Thu Hà không làm nhiều thơ bằng diễn viên Hiền Mai và Hoa hậu Giáng My. Thế nhưng, Trần Thu Hà mạnh dạn cho in tập thơ riêng Thập kỷ yêu chứng tỏ cô ca sĩ này khá tự tin. Mỗi bài thơ của Trần Thu Hà triển khai tùy hứng dựa chủ yếu vào cảm xúc, nhiều khi rời rạc và tản mát, nhưng thỉnh thoảng có những câu thi vị!”.
Ca sĩ Hà Trần trong buổi ra mắt tập thơ Thập kỷ yêu tại TP.HCM (19/9)
Thật vậy, đọc 15 bài thơ trong Thập kỷ yêu, người đọc dễ sẻ chia những tâm trạng được Hà Trần giải bày, hơn là tìm thấy một bút pháp hay kỹ thuật viết - một đòi hỏi khá gắt gao với những người cầm bút chuyên nghiệp. Nhưng thiết nghĩ, mọi đòi hỏi khác về thơ với Hà Trần đều thừa, vì như cô tự nhận, thơ mang đến cho cô “sự thăng hoa cảm xúc, lối tư duy và một giải thoát tinh thần khác ngoài âm nhạc”.
Đọc bài thơ được dùng đặt tên cho cả tập Thập kỷ yêu với nhiều giãi bày, người hâm mộ giọng ca Hà Trần ít nhiều hình dung được “nàng” đã sống và nhìn đời như thế nào, xin lượt trích: “Thập kỷ yêu làm nên trò trống gì?/ Trừ những ngày ăn ngủ studio/ Vài album ra đời từ tốn (...)/ Thập kỷ yêu nhìn xung quanh chán ngán/ Người ta già đi không trưởng thành khôn lớn/ Ham hố đua đòi những chuyện không đâu (...)/ Thập kỷ yêu media mỗi ngày/ Tuyên truyền đủ thứ trò chơi phương tiện/ Bloggers lảm nhảm giết thời gian/ Quay lưng khước từ thực tế (...)/ Cứ hồn nhiên đi tiếp thập kỷ yêu/ Ngắm chồi xanh tỏa cành cao bóng mát/ Tiếp tục hành hương qua những miền chưa biết/ Bình thản ghi lại cuốn phim tôi/ Ừ, chỉ đơn giản thế thôi!”.
Mỗi ngày nên đọc một bài
Hà Trần hát 2 ca khúc của chồng Theo kịch bản, trong Không gian âm nhạc, cùng với các ca khúc của Ngọc Đại, Trần Tiến, Quốc Bảo, Đỗ Bảo… Hà Trần sẽ thể hiện 2 ca khúc của chồng - nhạc sĩ Bình Đoàn - là Diệp lục và Chia xa.
Bài thơ Nhắn nhủ của Hà Trần mở đầu tập thơ Thập kỷ yêu như một “tuyên ngôn” nghệ thuật. Trong Nhắn nhủ, cô viết: “Những bài thơ chỉ hay khi đứng một mình/ Giống như xem một cuộc thi hoa hậu/ Cô đầu tiên bước ra những tưởng là đẹp nhất/ Cô thứ 100 bước ra... khác biệt chắc chỉ còn da, tóc...”.
Hà Trần kết lời Nhắn nhủ, rằng: “...Nếu đọc thơ tôi/ Thì mỗi ngày chỉ đọc một bài/ Để hôm nào cũng có hoa khôi”. Rõ ràng là, nếu trên đời này chỉ có một nhà thơ thì chắc chắn nhà thơ đó luôn làm thơ hay nhất. Và mỗi ngày trên đời chỉ có một bài thơ duy nhất để đọc, thì chắc chắn bài thơ ấy là hoa khôi mà không cần đi thi, không cần đo ba vòng hoặc mặc bikini.
Nhưng rất tiếc, trong thời lạm phát thơ này cùng với vô vàn phương tiện giải trí khác, liệu có ai đủ kiên trì để mỗi ngày đọc một bài thơ của Hà Trần không?!
Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất