22/11/2018 18:31 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 22/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức hội thảo khoa học "Vai trò của truyền thông đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin".
Đây là hội thảo nhằm cung cấp hệ luận cứ, luận chứng, khuyến nghị “hiến kế” giúp Hà Nội tận dụng được hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, trong bối cảnh xã hội thông tin, như một nguồn lực phục vụ phát triển Thủ đô.
Gần 300 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về truyền thông; đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành của Hà Nội... tham dự hội thảo. Với 60 bài viết và 13 ý kiến tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng vai trò của truyền thông đối với sự phát triển của Hà Nội, nhìn từ cả 2 chiều: Truyền thông - báo chí phản ánh, góp ý, phản biện với Hà Nội và Hà Nội ứng xử lại với các phương tiện truyền thông đại chúng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả những mặt tích cực và hạn chế, thiếu sót để nhận rõ những vấn đề đặt ra đối với Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin.
Từ đó, Hà Nội xây dựng cơ sở khoa học - thực tiễn để bước đầu đề xuất một số giải pháp, gợi ý, khuyến nghị khoa học nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả truyền thông, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.
Đặc biệt, Hội thảo đi sâu làm rõ một số vấn đề mới đặt ra, về cả lý luận và thực tiễn truyền thông tại Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước, là trung tâm hội tụ tập trung nhất về thông tin, cũng là nơi lan tỏa thông tin mạnh, có sức ảnh hưởng lớn nhất cả nước. Nhiều ý kiến của các đại biểu đã “hiến kế” cho Hà Nội về việc nhìn nhận và tận dụng sức mạnh của truyền thông trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ sự phát triển; chủ động xử lý những “điểm nóng”, khủng hoảng thông tin, phản ứng chính sách của người dân, từ đó điều hòa, bình ổn tâm lý, tâm trạng của công chúng.
Bên cạnh đó, gia tăng sự tương tác, chủ động, công khai thông tin, sự thấu cảm giữa chính quyền và người dân trong mô hình chính quyền đô thị, chính quyền phục vụ của Hà Nội, từ tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, truyền thông đối với sự phát triển của xã hội luôn có ý nghĩa quan trọng, quyết định, song hành với tiến trình thăng trầm của lịch sử nhân loại. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, vai trò của truyền thông là không thể thiếu, rất đáng ghi nhận. Đây chính là lý do để Ban tổ chức lựa chọn chủ đề hội thảo.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn đón nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, hữu ích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo cũng như các đại biểu tham gia hội thảo. Những ý kiến đóng góp tại hội thảo cũng như những đóng góp bằng văn bản trước đó thực sự là nguồn tài liệu tham khảo quý báu để thành phố Hà Nội thấy rõ thực trạng của truyền thông đối với sự phát triển của Thủ đô trong bối cảnh xã hội thông tin, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh, bền vững của Thủ đô - "trái tim của cả nước".
Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho biết, công tác thông tin tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự to lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bởi lẽ, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc, Hà Nội còn vang lên kiêu hãnh trong lời xướng hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ ngày 7/9/1945 “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa”.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã sử dụng đồng bộ cả bốn loại hình truyền thông hiện có gồm: Báo nói, Báo hình, Báo Điện tử và Báo in phục vụ tuyên truyền về Thủ đô Hà Nội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam cho rằng, trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay, quản lý khủng hoảng truyền thông rất quan trọng, mà công cụ xử lý khủng hoảng truyền thông phải chính bằng truyền thông, đặc biệt là những tờ báo chính thống có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của báo chí chính thống ngay từ quá trình xây dựng chiến lược, cho đến áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, phản hồi từ người dân để có những bổ sung kịp thời.
Hiệp Hiệp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất