Hà Nội: Hiến kế phát triển công nghiệp văn hóa để đạt mục tiêu tăng trưởng

18/04/2025 16:00 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 18/4, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa". 

Hội thảo thu hút hơn 120 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cộng đồng dân cư, làng nghề, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo, các tổ chức và doanh nghiệp... tham dự.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn thành phố; đồng thời tập hợp ý kiến đóng góp vào hai dự thảo Nghị quyết trình HĐND thành phố: Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.

Hà Nội: Hiến kế phát triển công nghiệp văn hóa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo. Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Thủ đô cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Nếu được ban hành, hai Nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần phát huy thế mạnh văn hóa, biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế bền vững của Thủ đô.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp, sáng kiến thiết thực nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Các ý kiến cũng là những luận cứ khoa học quan trọng, góp phần phục vụ quá trình triển khai Luật Thủ đô 2024 và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa.

Đại diện Cộng Xưởng – Không gian ứng tác liên ngành, ông Nguyễn Thế Linh cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa cần xây dựng hệ sinh thái gồm chủ đầu tư về lĩnh vực công nghiệp văn hóa, hạ tầng tài chính, nền tảng quản trị và cơ chế ưu đãi về đất đai, cơ chế về quỹ đầu tư. Ông kiến nghị, thành phố thành lập quỹ đầu tư từ nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ sở hữu trí tuệ, thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa cấp thành phố, phòng Công nghiệp văn hóa tại cơ sở, đặc biệt là nghiên cứu phát triển khu vực sông Hồng thành đặc khu văn hóa mang tầm khu vực.

Hà Nội: Hiến kế phát triển công nghiệp văn hóa để đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 2.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới các quận, huyện Hà Nội. Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Phân tích mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đề xuất thành phố cho phép thực hiện mô hình thí điểm vận hành Trung tâm công nghiệp văn hóa trong thời gian 2-3 năm, đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi cho các đơn vị sự nghiệp công lập được giao xây dựng, quản lý các trung tâm này.

Từ góc độ quốc tế, Kiến trúc sư Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam) chia sẻ kinh nghiệm của Paris trong việc phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa gắn với hệ thống giao thông công cộng. Ông cho rằng, Hà Nội nên tích hợp các điểm văn hóa vào mạng lưới metro hiện có để tăng khả năng tiếp cận, từ đó thúc đẩy quảng bá và phát triển công nghiệp văn hóa.

Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bà Thanh Hường đề xuất cần tái sử dụng không gian cũ, phát triển các trung tâm văn hóa dựa vào cộng đồng, khuyến khích liên kết đa ngành và thử nghiệm các mô hình sáng tạo nhằm tạo điều kiện phát triển năng lực sáng tạo trong giới trẻ.

Đề cập đến quy hoạch phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa, Tiến sĩ Lê Ngọc Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho biết, thành phố đang cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, bao gồm cả cơ chế đặc thù để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa ưu tiên, theo định hướng quy hoạch Thủ đô và các nội dung của Luật Thủ đô đã được phê duyệt.

Tuyết Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm