Vào tận ổ thịt gà “bẩn”

31/07/2012 14:53 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Trong khi giá thịt gia súc, gia cầm trong nước đang xuống thấp, người nuôi thua lỗ nặng, thì mỗi ngày, hàng chục tấn gà loại thải giá siêu rẻ của Trung Quốc bằng nhiều chiêu thức “lọt” vào nước ta.

Đến chợ Hà Vỹ, chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, chúng tôi mới thấy hết được, mỗi ngày người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đưa lên mâm cơm bao nhiêu thịt gà “bẩn”.

* Hà Nội ăn bao nhiêu tấn thịt gà “bẩn” mỗi ngày?

Gà thải Trung Quốc. Ảnh Phunutoday

Hiện lưu lượng gia cầm vào chợ khoảng 100 nghìn con/ngày, giảm khá mạnh so hồi đầu năm, lúc cao điểm đến gần 200 nghìn con/ngày.

Dù lượng gia cầm giảm, nhưng khi chúng tôi vào chợ, lượng rác, phân, lông gà, vịt…và mùi xú uế vẫn nồng nặc…do lượng gia cầm quá tải 3-4 lần so với thiết kế ban đầu.

Theo quan sát của phóng viên, cả hai chiếc xe hút lông, rác của chợ không chạy được, 5 máy phun tiêu độc khử trùng, mới chỉ dùng một, còn lại vẫn đóng thùng, nguyên đai, nguyên kiện. Các hộ buôn bán gia cầm tự tháo sàn lồng đưa về nhà, làm thay đổi thiết kế chợ.

Chợ hoạt động tấp nập nhất từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Nguồn gà chăn nuôi trong nước vào chợ chủ yếu yếu là từ Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh… Hiện giá gà ở chợ đã giảm 5-10 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Giá gà tam hoàng 45-47 nghìn đồng/kg, gà mía 50-52 nghìn đồng/kg, gà ta khoảng 68-72 nghìn đồng/kg, gà ta Bắc Giang 45 nghìn đồng/kg, gà Ai Cập 60-65 nghìn đồng/kg.

Các tiểu thương cho biết, buôn bán “ăn nhất” là loại gà thải nhập từ Trung Quốc. Gần đây, loại gà thải bày bán ở chợ Hà Vỹ ồ ạt tăng, với tên gọi “gà mía” bắt ở Đông Anh. Chị Hoa, một tiểu thương buôn gà 15 năm nay cho biết, gà loại thải Trung Quốc nhìn kỹ cũng không phải quá khó để phát hiện. Loại gà này thường trụi hết lông ở cổ, thậm chí trụi cả phần lưng. Trong quá trình vận chuyển đường xa, gà mệt mỏi, dáng lù rù. Loại gà này chỉ nặng khoảng 1,7 -2 kg/con. Theo chị Hoa, thông thường, loại gà đẻ trứng của ta chỉ để khoảng 230 - 240 ngày là loại, nhưng gà loại đẻ trứng của Trung Quốc phải hơn 300 ngày, vì họ kích cho đẻ hết trứng mới loại.

Theo quy định của thú y, cứ gà không rõ nguồn gốc là tiêu hủy, do vậy, cũng không lấy mẫu để kiểm tra tính an toàn ở các loại gà lậu này”

Theo chỉ dẫn của chị Hoa, đi dọc hai dãy A, B của chợ Hà Vỹ (khu bán gà), chúng tôi gặp rất nhiều loại ki ốt bán “gà mía Đông Anh”. Chị T. một tiểu thương bán gà lai chọi bắt ở Sao Đỏ (Hải Dương) bức xúc: “Chỉ một tháng nay, giá gà lai Sao Đỏ đã giảm hơn 20 nghìn đồng, chỉ bán khoảng 75 nghìn đồng một cân”.

Đánh mắt sang dãy hàng “gà mía” rởm cách đó hai ô, chị nói: “Gà ta loại nào cũng giảm giá mạnh, vì cái anh gà thải Trung Quốc về nhiều quá. Nói là gà mía của ta thế thôi, chứ toàn là gà Trung Quốc đấy. Dân buôn gà có lạ gì, nhưng sao mà họ nhập được vào chợ nhiều thế?”

Theo tìm hiểu của phóng viên TT&VH, gà thải lậu của Trung Quốc vào chợ Hà Vỹ khoảng 8-10 tấn (15-18 nghìn con) mỗi ngày. Lượng gà lậu này trước khi vào chợ, phần lớn đều được hợp thức hóa giấy tờ, nguồn gốc, một phần nhốt lẫn với loại gà ta. Phần lớn gà lậu này được bảo kê vận chuyển từ Móng Cái (Quảng Ninh) về đến tận chợ.

Đem câu chuyện này hỏi ông Lê Xuân Viết - Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ, ông này thừa nhận là trong chợ có gà thải Trung Quốc, nhưng chui vào bằng nhiều cách. Ông Viết cho biết, lượng gà thải lậu đi qua rất nhiều tỉnh, có thể được hợp thức giấy tờ kiểm dịch thú y, nguồn gốc, sau đó về các hộ dân ở gần chợ, rồi tìm cách đưa vào chợ. 

* Gà lậu có thể lên cả trăm tấn

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện mỗi ngày có hơn chục tấn gà loại thải Trung Quốc về tiêu thụ ở chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý loại gà này rất khó, vì chúng đi theo đường dây từ đầu biên giới, vận chuyển vào thời điểm 1-2 giờ sáng, công an cũng phải điều tra kỹ mới bắt được. Theo ông Đăng: “Bình thường, nếu phát hiện gà không có giấy tờ kiểm dịch, sẽ bị xử lý tiêu hủy, nhưng nếu họ nhập về Lạng Sơn, Bắc Giang, nuôi khoảng một tháng, rồi làm giấy kiểm dịch thú y, thì không thể xử lý được.
Đây là vấn đề nan giải, cần xử lý tận gốc, nên tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với Lạng Sơn và Quảng Ninh để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa với việc vận chuyển gia cầm lậu cũng như chuyên chở nội tạng, thịt thối qua biên giới vào tiêu dùng ở Hà Nội và nhiều địa phương khác”.

Một đại gia trong giới buôn, nuôi gà công nghiệp thịt ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội tiết lộ, hiện gà thải loại từ Trung Quốc về Việt Nam qua đường Móng Cái tới 70%, còn lại qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Phần lớn gà được chuyển về Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, rồi xé nhỏ bán ra nhiều tỉnh khác. Đại gia này khẳng định, mỗi ngày có khoảng 80 đầu xe tải, loại 3,5 tấn chuyên chạy gà lậu, mỗi xe thường 2-3 ngày/chuyến. Hiện, mỗi ngày khoảng có 30 chuyến với 100 tấn gà lậu nhập trót lọt vào nước ta. Gà thải Trung Quốc mua ở Móng Cái hơn 20 nghìn đồng/kg, về chợ Hà Vỹ bán, khoảng 48-50 nghìn đồng/kg.

Theo giới buôn gà lậu, chênh lệch giá cao, mỗi chuyến trót lọt, trừ chi phí, chủ hàng đút túi gần chục triệu. Theo lịch “phá đàn” bên kia biên giới thì gà loại thải sẽ nhập nhiều nhất vào nước ta từ tháng 8 trở đi đến cuối năm, lúc đó, các nhà xe tăng tốc có xe chạy tới 17-18 chuyến/tháng. Một tiểu thương chợ Hà Vỹ cho biết, gà loại thải tồn dư chất độc hại trong quá trình kích thích gà đẻ hết trứng. Loại gà này nhập về ngoài các chợ cóc bán lẻ, chủ yếu bán phục vụ đám cưới, cửa hàng ăn và các quán phở, còn các bếp ăn tập thể thường mua gà công nghiệp trắng, vừa rẻ vừa thịt nhiều.

* Khó kiểm soát

Trao đổi với TT&VH, ông Cấn Xuân Bình, Quyền Trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: “6 tháng đầu năm, Hà Nội bắt giữ, tiêu hủy trên 70 tấn thịt động vật nhập lậu, không rõ xuất xứ, trong đó gần 40 tấn gia cầm, riêng khu vực chợ Hà Vỹ gần 13,5 tấn. Tuy nhiên, con số bắt giữ được ở trên còn rất ít so với thực tế”.

“Việc phân biệt gà ta và gà loại thải Trung Quốc rất khó, vì ở ta vẫn nuôi một số giống gà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguồn gốc của lô hàng chủ yếu dựa vào giấy kiểm dịch vận chuyển. Còn con gà loại thải nhập lậu, nếu vận chuyển với số lượng lớn, bao giờ cũng có hiện tượng gà bị xơ xác, thiếu nước, nhưng nếu chỉ đặc điểm này thì cũng khó nhận biết”- ông Bình nói.

Lãnh đạo Chi cục thú y Hà Nội cũng cho hay, gà nhập lậu không phải kiểm tra, xét nghiệm về tồn dư kháng sinh, virus. Mỗi tháng, cơ quan Thú y Hà Nội lấy 300 mẫu ở chợ Hà Vỹ, nhưng không phát hiện virus cúm ở chợ này. Trong khi đó, theo quy định của thú y, cứ gà không rõ nguồn gốc là tiêu hủy, do vậy, cũng không lấy mẫu để kiểm tra tính an toàn ở các loại gà lậu này.

Ông Bình cho biết: “Chợ diễn ra 24/24h, nếu không có các ngành duy trì giám sát trong suốt thời gian đó, thì việc kiểm soát rất khó khăn. Hơn nữa, ở xã Lê Lợi bến đò An Cảnh, con đường vận chuyển gia cầm từ Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên về đây, hoạt động vào ban đêm. Xe chở gà lậu thường đi trốn tránh, chui lủi qua các trạm chốt giao thông là chính; còn việc giả mạo giấy tờ, chúng tôi cũng chưa bắt được trường hợp nào” - ông Bình nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho hay, trong lúc nước ta đang thừa gà vịt, thì gà loại thải Trung Quốc tràn vào Việt Nam thoải mái, đây là điều bất thường. Trong khi Trung Quốc đang tạm dừng nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam, thì một con lợn của ta cũng không chui qua được sang bên kia biên giới.

Ông Tần đề nghị các lực lượng liên ngành, đặc biệt là công an, hải quan, quản lý thị trường…cần phối hợp chặt chẽ với thú y để ngăn chặn, kiểm soát và xử lý tận gốc tình trạng gà siêu rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là tại thị trường Hà Nội và các tỉnh biên giới phía Bắc như Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn. Việc để gà loại thải lậu của Trung Quốc tràn vào Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Anh Cường – Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm