23/02/2010 16:11 GMT+7 | Người Hà Nội
|
Có dịp gặp gỡ, học hỏi và đọc lại những trang viết của GS Vũ Khiêu mới thấy sức lao động của ông thật nghiêm túc, bền bỉ, nối dài suốt cả đời người. Được biết hồi đầu năm 1945, nhân dân miền Bắc trải qua nạn đói khủng khiếp, cướp đi cuộc sống của gần hai triệu người. Trực tiếp chứng kiến những cảnh thương tâm ấy, ông đã viết bài văn tế Truy điệu những lương dân chết đói. Bài văn này đã được cán bộ địa phương vùng Nam Định – Thái Bình sử dụng làm tài liệu tuyên truyền, kêu gọi nhân dân vùng lên khởi nghĩa và được nhiều người biết đến từ những ngày tiền khởi nghĩa. Tròn nửa thế kỷ sau, bài văn tế được in lại trong mục “Tư liệu văn học” trên Tạp chí Văn học (số 9-1995): Một cơn gió bụi vừa tan/ Hai triệu sinh linh đã mất/ Khí oan tối cả mây trời/ Thây lạnh phơi đầy cỏ đất… Hận thù kia rồi trả phân minh/ Oan thác nọ sẽ đền chu tất/ Cho ai chín suối ngậm cười/ Để khách năm châu tỏ mặt… GS Vũ Khiêu kể lại, vào năm 1947, khi ông làm GS Sở Thông tin – tuyên truyền của Liên khu X ở chiến khu Việt Bắc có gặp nhà thơ Thanh Tịnh. Nhà thơ rất ngạc nhiên, cứ nghĩ tác giả bài văn tế Truy điệu những lương dân chết đói ắt hẳn phải là một cụ già, có ngờ đâu lại là anh thanh niên trẻ trung và còn kém mình những năm sáu tuổi.
Sau hòa bình lập lại, với tinh thần ham học hỏi và ý chí quyết tâm, ông được giao nhiệm vụ làm thư ký khoa học của khối khoa học xã hội trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Từ đây ông được cử làm đại diện Uỷ ban Khoa học sang Viện Hàn lâm khoa học Hunggari một năm để nghiên cứu bộ máy tổ chức, từng gặp nhiều nhà Khoa học các nước XHCN, trong đó có nhà triết học và mỹ học nổi tiếng thế giới Gyorgy Lucács (1885-1971). Về nước, ông bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, sáng lập chuyên ngành mỹ học và sau đó kịp thời ra mắt bạn đọc chuyên luận Đẹp (1963). Năm 1965, ông là giảng viên chủ chốt dạy về mỹ học cho các lớp cán bộ văn nghệ ở miền Bắc. Trong nhiều năm, ông vừa nghiên cứu vừa chuẩn bị đào tạo, xây dựng nguồn lực và tham gia sáng lập các phòng ban chuyên môn mà về sau này đều có cơ phát triển thành các Viện nghiên cứu và chuyên ngành khoa học độc lập. Một nhà khoa học hậu sinh, GS. TS. Trần Thành (nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh) tỏ lời tri ân: “GS Vũ Khiêu là người viết rất nhiều sách, về nhiều lĩnh vực Văn, Sử, Triết, Đạo đức học, Mỹ học, Tư tưởng Hồ Chí Minh… Ở lĩnh vực nào ông cũng có những thành tựu xuất sắc, vừa là người mở đường vừa là một trong những cây đại thụ của khoa học xã hội ở Việt Nam. Ai chuyên tâm lĩnh vực nào đều có thể tìm đọc ông để trau dồi thêm kiến thức hoặc để kiểm tra lại hiểu biết của mình. Tôi từ lúc còn rất trẻ đã tự coi mình là một người học trò vô danh của ông. Lặng lẽ tiếp thu ông, coi ông là một trong những người có ảnh hưởng” (trích trong cuốn Vũ Khiêu – 90 năm tình bạn)…
Trên thực tế, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS Vũ Khiêu trải rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với vốn kiến thức sâu rộng, uyên bác, ông có thể xử lý được các văn bản Hán Nôm, từng dịch tiểu thuyết Lâm hải tuyết nguyên (Rừng thẳm tuyết dày) của nhà văn Trung Quốc Khúc Ba, dài sáu tập. Không chỉ tham gia dịch thuật, nghiên cứu về văn học thời Lý - Trần và các tác gia Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến…, ông còn đồng thời phát hiện, nhấn mạnh tầm vóc con người tư tưởng, tư cách “anh hùng và nghệ sĩ”, “danh nhân văn hóa”, “dân tộc và nhân loại”. Qua ngả đường tiếng Pháp và một phần tiếng Nga, tiếng Anh, ông cập nhật được với hệ thống lý thuyết và những công trình nghiên cứu kha học mới mẻ từ nhiều nước trên thế giới … Với GS Vũ Khiêu, trên nền tảng sự am hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc, ông nâng cấp thành nghiên cứu lịch sử tư tưởng, khai thác sâu sắc các giá trị nhân văn của của Nho, Phật và Đạo giáo. Qua thời gian, ông từng được Trường Viễn Đông bác cổ Pháp và nhiều trường đại học mời sang Paris thuyết trình về vai trò Nho giáo ở Việt Nam, được Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn và vừa được tái bầu chức danh cố vấn lần thứ ba vào năm 2009.
Đọc tác phẩm của ông, trong văn thấy triết, trong văn hóa thấy tư tưởng, trong lịch sử thấy bài học nhân văn, trong dân tộc thấy thời đại. Với GS Vũ Khiêu, vị thế nhà khoa học chuyên sâu gắn liền với cốt cách nhà trí thức đa năng, rộng mở, toàn diện, toàn tài. Ông bền gốc rễ để tỏa rộng và từ bề rộng lại nâng tầm nhận thức và huy động được vốn tri thức giàu có mỗi khi cần giải quyết từng vấn đề cụ thể. Chính vì thế mà ngay cả khi đã nghỉ hưu, cái phần thời gian dư dôi “lão giả an chi” của ông vẫn đủ làm nên một sự nghiệp đáng kính nể. Không kể biết bao công trình chủ biên, viết chung, viết riêng, giới thiệu, đề tựa, ông còn là cây bút viết văn bia, câu đối, văn tế nổi danh, đạt tới trình độ mẫu mực. Xin dẫn đôi câu đối ông viếng Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương ở Cửa Bắc:
- Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
(Trung với nước, nghĩa với dân, hai tấm lòng son soi cùng nhật nguyệt)
- Sinh ư nam, tử ư bắc, thiên thu chính khí vượng sơn hà
(Sinh phương nam, mất phương bắc, nghìn thu chính khí rực rỡ sơn hà)
Có được sự nghiệp khoa học lớn lao nhưng trong cuộc đời thường, GS Vũ Khiêu là con người bình dị, trung thực, nặng tình với gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi ông là “Một nhà triết học Cách mạng”. Còn GS Trần Văn Giàu từng nói: “Tôi và Vũ Khiêu là bạn tri âm từ khá lâu, bao nhiêu nước chảy dưới cầu Long Biên – Chương Dương là bấy nhiêu kỷ niệm tốt đẹp giữa Khiêu, Giàu”.
Những ngày này, ở tuổi 95, ông vừa hoàn thành thêm gần 1.000 trang cuốn “Ngàn năm Thăng Long văn hiến, anh hùng và hữu nghị”. Ông vẫn đọc các sách ngoại văn từ nước ngoài gửi về, có thể làm việc trên máy tính, với sự giúp sức của 4 sinh viên tốt nghiệp đại học. Gần một thế kỷ nay, trái tim ông chưa hề ngơi nghỉ.
Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất