03/08/2023 07:35 GMT+7 | Văn hoá
"Quận Hoàn Kiếm" đang là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên các mặt báo và mạng xã hội trong vài ngày qua. Nó đến từ những chia sẻ của lãnh đạo thành phố, rằng đơn vị hành chính này "thuộc diện phải sáp nhập" do không đủ tiêu chí về diện tích của một đơn vị cấp huyện, theo quy định hiện hành.
Và dù phía chức năng sau đó đã giải thích rằng đây chỉ là báo cáo về mặt rà soát ở các tiêu chí dân số, diện tích và chưa xét tới các yếu tố đặc thù để có quyết định cuối cùng, câu chuyện ấy vẫn thu hút sự chú ý đặc biệt từ người dân thành phố - giống như tất cả những gì gắn với khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm.
Nhìn lại, khái niệm "quận Hoàn Kiếm" xuất hiện từ năm 1981, khi Hà Nội chính thức đặt ra đơn vị hành chính cấp quận. Nhưng trước đó, từ tháng 5/1946, khi Hà Nội chọn đặt tên riêng cho 17 khu phố nội thành, cái tên "khu Hoàn Kiếm" đã ra đời. Rồi năm 1961, khi thành phố lập ra 4 khu phố nội thành (tiền thân của các quận sau này), cái tên "Hoàn Kiếm" vẫn tiếp tục được lựa chọn cho khu phố mới, bao gồm các khu Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, Hàng Cỏ… trước đây.
Như thế, tên gọi của hồ Hoàn Kiếm vẫn luôn được chọn cho không gian hành chính mở rộng dần quanh nó. Không có gì khó hiểu: Hồ Hoàn Kiếm cũng là cột mốc gắn với sự ra đời của một Hà Nội theo mô hình đô thị hiện đại - khi từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã sớm cải tạo và quy hoạch không gian quanh hồ để làm bộ mặt trung tâm cho thành phố.
Và thực tế, nhìn ngược thêm theo trục thời gian, khu vực quận Hoàn Kiếm cũng gắn với toàn bộ lịch sử hình thành Thăng Long - Hà Nội trong nhiều thế kỷ. Ở đó có khu phố cổ gắn với vùng Kẻ Chợ xưa - nơi buôn bán, sản xuất sầm uất để hình thành bộ mặt kinh tế của đất Thăng Long trong nhiều thế kỷ, có khu phố Pháp cũ và cầu Long Biên, Nhà hát Lớn… đánh dấu quá trình Hà Nội tiếp nhận những giá trị khoa học, văn hóa phương Tây từ cuối thế kỷ 19, trước khi mở rộng ra khắp Việt Nam.
Như thế, khu vực này mang trong nó một không gian văn hóa đặc thù - để rồi sau nhiều năm, khái niệm "quận Hoàn Kiếm" dần vượt khỏi ý nghĩa về hành chính để gắn với những giá trị của lịch sử, văn hóa của Hà Nội.
Cũng bởi thế, trong sự phát triển của thành phố, không gian của quận Hoàn Kiếm vẫn luôn đặt ra yêu cầu bảo tồn và tái phát triển theo những cách tiếp cận riêng. Như nhận xét của nhiều chuyên gia, đó vừa là nơi cần gìn giữ những giá trị văn hóa - ký ức - lịch sử, vừa là nơi có thể mở ra những chuỗi không gian sáng tạo dựa trên hệ giá trị này.
Từ những điểm đến được kiến tạo trong thời gian qua như phố đi bộ Hồ Gươm, phố bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân… cho tới những ý tưởng được đề xuất triển khai như khu sáng tạo ven sông Hồng của KTS Đoàn Kỳ Thanh hay "phố Gầm Cầu" gắn với những vòm cầu đường sắt cũ, tất cả đã cho thấy tiềm năng và hướng khai thác tài nguyên văn hóa - lịch sử tại đây.
Ở hướng ngược lại, những phản ứng từng có từ dư luận với các ý tưởng di dời cầu Long Biên, xây "đại lộ danh vọng" tại Hồ Gươm hay lát đá trên các tuyến phố cổ… cũng cho thấy một thực tế mà nguyên KTS trưởng Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm từng khẳng định: Không gian quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã dần trở thành tiêu điểm trong ý thức giữ gìn những gì còn lại về văn hóa - lịch sử Hà Nội của cộng đồng.
Bây giờ, dù tương lai của đơn vị hành chính mang tên "quận Hoàn Kiếm" còn bỏ ngỏ, vấn đề bảo tồn không gian văn hóa gắn với nó vẫn được khơi lại từ cộng đồng. Như chia sẻ từ nhiều người, nỗi lo lớn nhất trong câu chuyện này chính là việc không gian ấy bị biến đổi hoặc mất đi phần nào giá trị. Nỗi lo ấy xét cho cùng lại là một điều tích cực, khi câu chuyện gìn giữ lớp giá trị văn hóa của quận Hoàn Kiếm lại tiếp tục được mở rộng tới nhận thức của cộng đồng, thay vì gói gọn trong "chuyện nội bộ" của các chuyên gia trong ngành.
Chắc chắn, vượt qua vấn đề quản lý hành chính, việc gìn giữ giá trị văn hóa - ký ức - lịch sử gắn với không gian của quận Hoàn Kiếm vẫn luôn là câu chuyện của Hà Nội, hôm nay và ngày mai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất