18/11/2023 06:17 GMT+7 | Văn hoá
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Và vào dịp này, bên cạnh những bông hoa, những lời tri ân dành cho những người tận tụy trên bục giảng, chúng ta cũng bắt đầu nhắc tới việc cần tăng sự kết nối, thông cảm, thấu hiểu giữa phụ huynh - giáo viên - học sinh.
Bấy lâu nay, nhắc đến cụm từ "tham vấn tâm lý học đường", thường ai cũng nghĩ đến các em học sinh, sinh viên. Điều này trước tiên đến từ đặc thù lứa tuổi, khi đây là những đối tượng đang có nhiều biến đổi trong tâm sinh lý.
Thêm nữa, việc học sinh sinh viên cần được tham vấn tâm lý còn gắn với bối cảnh hiện tại, khi các em phải gánh chịu những áp lực thi cử,học hành nhất định, từ đó dễ có sự căng thẳng tâm lý, dẫn tới nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu… và có thể đưa ra những quyết định bồng bột, ảnh hưởng đến tương lai của mình.
Tuy nhiên, với những bộn bề trong một xã hội đang phát triển, giáo viên cũng là đối tượng cần được tham vấn tâm lý học đường.
Vài năm gần đây, đã có những khảo sát nhất định để đo lường sức khỏe tinh thần của giáo viên. Chẳng hạn, cuối năm ngoái, một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP.HCM được công bố cho thấy, có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.
Những con số khảo sát cho thấy đã đến lúc nhà trường và toàn thể xã hội phải quan tâm nhiều hơn nữa tới những vấn đề sức khỏe tinh thần của những người thuộc về một nghề nghiệp được đánh giá cao trong truyền thống của chúng ta.
Thời gian qua, cũng đã có những trường hợp xung đột giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh, giữa giáo viên với nhau. Những trường hợp này ít nhiều gây ra những hình ảnh không hay trong môi trường giáo dục. Có trường hợp dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, mà nếu suy ngẫm lại, nếu những mâu thuẫn ấy được nhìn ra và giải quyết thì đã không xảy ra những điều đáng tiếc.
Trước đây, mối quan hệ thầy trò dựa trên sự tôn kính và thương yêu. Thầy cô được xem như cha mẹ thứ 2 ở trường, sự tín nhiệm của phụ huynh dành cho thầy cô có thể nói là gần như tuyệt đối. Ngày nay, dù vai trò của người thầy trong xã hội không giảm nhưng mối quan hệ học đường, thầy cô - học sinh - phụ huynh đã có nhiều thay đổi.
Xã hội chúng ta đòi hỏi ở người thầy sự chuẩn mực và nhiều khi buộc người thầy phải "hy sinh". Giáo viên phải chu toàn việc dạy học, các hoạt động ở trường, áp lực xã hội yêu cầu một người thầy hoàn hảo, rồi áp lực trước cơm áo gạo tiền, chưa kể đôi khi và đây đó còn bị cả những áp lực thành tích... Những áp lực đó nếu không được chia sẻ, tháo gỡ rất dễ gây ra nhiều vấn đề lên sức khỏe tinh thần của người thầy.
Cũng cần nói thêm, hiện tại, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Thậm chí có những định kiến, cho rằng những người bị trầm cảm, lo âu… là yếu đuối hoặc cho những lời khuyên vô thưởng vô phạt như "vui lên đi". Thế mới thấy chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng cần sự chuyên nghiệp và thiết nghĩ mỗi trường học nên dành thời gian và không gian để lắng nghe, tư vấn tâm lý cho giáo viên, những người đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ trong thời buổi mà nhiều khó khăn về đời sống lẫn tinh thần đang ảnh hưởng đến họ.
Từ góc nhìn "cô giáo như mẹ hiền", hãy để mối quan hệ phụ huynh - giáo viên - học sinh là một gia đình, với cái nghĩa chăm lo cho nhau, gắn bó với nhau, tương thân tương ái cùng nhau. Để Ngày Nhà giáo trong tương lai còn có thể xem là một Ngày Gia đình thứ 2. Để những sinh viên trong môi trường sư phạm - những thầy cô tương lai - tìm được động lực phấn đấu, phát triển trong nghề nghiệp thiêng liêng và mãi mãi thiêng liêng này.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất