Góc nhìn 365: Ngày Nhà giáo thời 4.0

17/11/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Chúng ta đang chuẩn bị đón Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Và không sai, nếu nói rằng ở thời đại công nghệ bây giờ, mọi thứ đang trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều cho chuyện chúc mừng - và cám ơn - các nhà giáo.

Học sinh (hoặc phụ huynh) tíu tít hẹn hò lên kế hoạch trên nhóm zalo hoặc group mạng xã hội. Dễ dàng "thám thính" facebook của giáo viên - thậm chí đủ thân mật thì trực tiếp nhắn tin hỏi han - để tìm hiểu về sở thích, nhu cầu, thẩm mỹ của thầy cô. Rồi thoải mái chọn quà và hoa tại các shop online. Rồi đặt shipper mang đến tận cổng trường vào sát "giờ G" - thay vì phải tự mua và mang đi như trước…

Chỉ hơn chục năm trước, có lẽ cũng chẳng ai nghĩ tới việc mạng internet và các dịch vụ nảy sinh lại hỗ trợ chúng ta tốt đến chừng ấy trong ngày 20/11.

Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Phần còn lại, nằm ở ý nghĩa của Ngày Nhà giáo - và xa hơn là cách nhìn về giá trị thật sự của thầy cô giáo - trong bối cảnh mà công nghệ đang phát triển như vũ bão như hiện nay.

 Không nói đâu xa, trong mùa dịch Covi-19 vừa qua, cộng đồng đã dần quen với hình thức giảng dạy online  - để rồi trong thời gian tới, chắc chắn cách dạy này sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển song song với mô hình giảng dạy truyền thống.

Và cùng với nó, internet với sức mạnh của công nghệ thông tin, của những trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn… cũng đang dần trở thành những "người thầy" khổng lồ, để mỗi người ngày càng mở rộng cơ hội tự học, tự tiếp nhận kiến thức cho bản thân.

Tưởng viển vông, nhưng nhiều giả thiết khoa học đã nhắc tới sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và hệ thống dạy học thông minh trên máy tính trong tương lai gần. Để rồi, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều chuyên gia cũng đã nhắc tới câu hỏi về vị trí của người giáo viên trong kỷ nguyên tương lai.

Góc nhìn 365: Ngày Nhà giáo thời 4.0 - Ảnh 2.

Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

Hỏi, nhưng chỉ để mà khẳng định. Bởi, chẳng ai tin nổi, sẽ có một ngày thầy giáo bị thay thế bởi công nghệ và máy móc. Giống như, có giàu trí tưởng tượng đến mấy, cũng không ai hình dung sẽ có một ngày chúng ta gửi con tới ngôi trường mà ở đó chỉ toàn… máy móc và robot để dạy dỗ, giáo dục.

Đơn giản, công nghệ và máy móc chỉ có thể được xác lập trên hệ thống kiến thức, quy luật đã biết, nhưng cảm xúc thì không thể. Mà, mỗi con người đều luôn cần có điều này trong cuộc sống. Họ cần được chăm sóc bằng cảm xúc từ người khác - cũng như giáo dục về những cảm xúc của mình - trong hành trình trưởng thành.

Nói cách khác, sự tương tác giữa các cá nhân đã làm nên "tính người" trong xã hội. Và từ góc nhìn ấy, quả thật, hiếm có hoạt động sống nào của chúng ta mang đậm đặc thù này như giáo dục. Phát triển đến mấy, công nghệ cũng chỉ giúp ngành giáo dục dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc truyền tải kiến thức và chắc chắn không bao giờ thay thế được vai trò của người thầy. Cũng như học online không thể thay thế cho các phương pháp giáo dục truyền thống. Bởi giáo dục mãi là hoạt động của con người và vì con người.

Máy móc và công nghệ có thể hiểu những suy nghĩ, nhu cầu của con người, nhưng không thể đạt tới tầm cao về sự rung cảm và chia sẻ giữa con người với nhau. Cũng như, trí tuệ nhân tạo có thể hứa hẹn những khả năng vô tận, nhưng chắc chắn không thể thay thế sự tận tâm, trách nhiệm của những thấy cô giáo - điều mà chúng ta luôn trông đợi để yên tâm trao gửi con mình.

Hiểu được điều ấy, sẽ thấy sự thuận lợi, dễ dàng mà công nghệ mang lại cho việc kỷ niệm ngày 20/11 cũng chỉ là lớp vỏ. Chúng  đơn thuần là phương tiện - và tất nhiên, không thể thay thế cho sự trân quý và tình cảm thực sự mà cộng đồng muốn gửi tới những người thầy.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm