Góc nhìn 365: Ký ức Dế Mèn

01/06/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Đón ngày Tết thiếu nhi 1/6 năm nay, chúng ta cũng đón mừng Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 4 - 2023 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức.

Nhắc đến Dế Mèn, tôi nhớ lần đầu tiên được một người bạn cho mượn cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài vào năm học lớp 4. Khi ấy, truyện được in trên khổ giấy A4, trong nhiều trang thỉnh thoảng lại có hoa thị với phần chú thích ở dưới: Thực dân Pháp kiểm duyệt một đoạn, tác giả viết lại theo trí nhớ.

Góc nhìn 365: Ký ức Dế Mèn - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 (bìa trái) và PGS. TS Văn Giá (bìa phải) trao Bằng chứng nhận cho 10 tác giả lọt vào Chung khảo

Ở cái tuổi lên 9 lên 10 lúc đó, chúng tôi đọc truyện Dế Mèn chủ yếu là giải trí, thật sự cũng chưa hiểu được hết ý nghĩa cũng như tinh thần của truyện. Khi đọc, mấy đứa chúng tôi rất thích những đoạn như Dế Mèn lên võ đài đánh nhau với võ sĩ Bọ Ngựa, Mèn và Trũi bị đói mười ngày trên bè… Rồi chúng tôi mơ ước sau này cũng được đi lang thang đó đây như Dế Mèn.

Đến khi vào học lớp 5 - lớp đầu tiên của cấp 2 lúc bấy giờ - trong sách giáo khoa môn Văn có đưa vào giảng dạy một đoạn trích trong tác phẩm này. Đây là đoạn trích dẫn trong chương 1, nói về cuộc sống độc lập hồi bé của Dế Mèn. Vì chúng tôi phải học thuộc lòng đoạn văn trích dẫn ấy cho nên sau đấy, cứ hễ gặp ai khen rằng "dạo này cao lớn nhỉ" là thằng nào cũng ra rả đọc: "Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm…". Các bạn gái trong lớp hễ thấy cậu nào đi đứng ngang ngược hoặc là hay có tính gây gổ đánh nhau thì xúm vào giễu: "Đi đứng oai vệ… cho ra kiểu cách con nhà võ".

Góc nhìn 365: Ký ức Dế Mèn - Ảnh 2.

BTC trao giải "Khát vọng Dế Mèn" cho nhà văn Uông Triều, Mộc An, Lạc An và một giải tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo cho tác giả Phạm Anh Xuân

Cũng từ những trang sách mà chúng tôi thích chơi dế. Gia đình sống ở gần sông Đuống, cứ mùa Hè về là bọn trẻ quần đùi cởi trần, mặc kệ tiết trời nắng to, đứa nào cũng bám theo các anh lớn hơn lên đê đổ dế. Để bắt được dế cụ như trong truyện thì khó lắm, phần nhiều các hang ven đê là dế nhỏ, cỡ bằng đầu ngón tay út. Dế ấy không cho chọi nhau được. Chúng tôi lấy các chai thủy tinh đổ đầy cát, thò ngón tay ấn một cái lỗ cho dế chui vào, sau đó đặt lọ thủy tinh lên bàn, khoái chí ngồi xem dế đào hang như địa đạo giao thông trong lòng đất.

Rồi tôi và cậu bạn gần nhà kết thân. Chúng tôi lấy biệt danh là Mèn và Trũi, hứa với nhau rằng sẽ sống tình nghĩa như Dế Mèn và Dế Trũi trong truyện. Mỗi khi mua cho nhau cái gì đó… cũng đều ghi lên, chẳng hạn "Tặng Mèn" hay là "Dành cho Trũi"…

Có lẽ những kỷ niệm này sẽ không được nhắc đến nếu như không có giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa phát động cách đây 4 năm. Khi ấy, đọc quy chế giải thưởng giải thích "Tại sao lại là Dế Mèn?": đơn giản là vì "Hai chữ "Dế Mèn" mang biết bao ký ức đẹp về tuổi thơ gắn với ruộng đồng rơm rạ, đó có thể là chú Dế Mèn can trường mang giấc mơ về thế giới đại đồng trong "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài…". Hóa ra là không phải chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người lớn, người già hôm nay vẫn in sâu những ký ức về chú Dế Mèn.

Bọn trẻ ngày hôm nay có thể không quan tâm đến thú chơi chọi dế, không được trải nghiệm chuyện đi đổ dế nhưng chúng ta có thể khích lệ, cổ vũ các em học cái tinh thần của "hiệp sĩ" Dế Mèn. Đó là tinh thần vươn lên, tự nhận thức để trở thành con người giàu lí tưởng và ham hiểu biết, thích trải nghiệm, biết rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Và cho dù "tuổi đời" vẫn còn là "mầm non", nhưng chắc chắn rằng Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn sẽ sớm trưởng thành, vạm vỡ…

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm