06/06/2024 07:01 GMT+7 | Văn hoá
Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 đang diễn ra và thu hút sự chú ý lớn của người dân thành phố. Đơn cử, 300 vé của chương trình tham quan "Chill cùng Lễ hội sông nước TP.HCM" đã hết khi vừa mở bán, trong khi vé của nhạc kịch "Chuyến tàu huyền thoại" cũng hết sạch chỉ sau 2 ngày.
Đây có thể xem là tín hiệu vui, khi các công ty dịch vụ lữ hành lên những chương trình hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế lẫn nội địa.
Dù vậy, nhìn sang nước có địa lý đô thị gắn với sông ngòi, có thể thấy mô hình du lịch sông nước đã phát triển từ lâu.
Tại Đông Nam Á, bên cạnh chợ nổi Pattaya, chợ nổi Taling Chan cách thủ đô Bangkok vài cây số nhiều năm nay là điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế.
Tại đó, du khách không có cảm giác tham quan, vui chơi ở một địa điểm được "phục dựng" mà cảm nhận được sinh khí của đời sống, nhờ sự xuất hiện của các du khách nội địa Thái Lan hay những sinh hoạt mua bán của người dân địa phương. Họ trở thành những người đang góp phần rất lớn làm nên thành công của chợ nổi.
Chính họ làm cho sông nước "sống" không chỉ trong ký ức về một thời quá vãng mà còn sống kể cả trong sự phát triển của thời đại, khi mô hình chợ truyền thống đang dần lụi tàn nhường chỗ cho hoạt động mua bán trực tuyến.
Du lịch sông nước vì thế không chỉ đang giữ gìn một nét đẹp truyền thống mà còn là cách cải thiện đời sống của người dân, góp phần vào việc hoàn thiện diện mạo du lịch của địa phương.
***
Ký ức của nhiều người Việt Nam thường gắn liền với một dòng sông nào đó. Đã có thời, đời sống thương hồ là một trong những hoạt động mưu sinh tham gia vào nhịp kinh tế sôi động.
Ngày nay, ở nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ, vẫn còn các cồn, cù lao chưa kết nối được với trung tâm bằng cầu đường. Người dân vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với sông nước. Những chuyến ghe bán hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm vẫn len lỏi đến những vùng sâu vùng xa, nơi tàu thuyền, hay xe lớn không thể vào tận nơi được.
Việt Nam là đất nước có địa thế sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Và dễ thấy nhất, hầu hết các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể khai thác du lịch sông nước. Xây dựng những chương trình văn nghệ mang đậm tính bản địa, thiết kế những tour "du lịch ẩm thực" mang nét đặc trưng sông nước, rồi thật sự duy trì những sinh hoạt gắn với sông nước trước hết từ chính cộng đồng bản địa - đó là những điều cần thiết mà các chuyên gia từng nhắc tới.
Thành công của Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2 là tín hiệu tích cực, để chúng ta hi vọng rằng: Không chỉ dừng lại ở một sự kiện của một đô thị, du lịch sông nước sẽ là tương lai của du lịch Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất