Góc nhìn 365: 'Đánh thức' mặt hồ

19/04/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua: UBND quận Ba Đình (Hà Nội) vừa đề xuất thành lập khu vực phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, bao gồm không gian mặt hồ, phần vườn hoa phía đường Nguyễn Chí Thanh, phố Phạm Huy Thông và một số ngõ rẽ nhánh vào khu vực này.

Hà Nội tổ chức thêm hai không gian đi bộ đêm tại khu vực hồ Ngọc Khánh và hồ Trúc Bạch

Hà Nội tổ chức thêm hai không gian đi bộ đêm tại khu vực hồ Ngọc Khánh và hồ Trúc Bạch

Quận Ba Đình hình thành Khu phố dịch vụ ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phường Trúc Bạch; trong đó xác định đoạn tuyến phố Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu là tuyến đi bộ.

Đặc biệt, so với nhiều đề xuất thành lập phố đi bộ trong thời gian gần đây, trường hợp hồ Ngọc Khánh được dự kiến mốc thời gian khá cụ thể: thực hiện các dự án cải tạo không gian từ quý IV năm nay, khai trương vào năm 2023 và hoạt động trong các dịp cuối tuần, rồi dần xem xét tổ chức đi bộ cả 7 ngày trong tuần.

Chưa hết, song song với đề án này, quận Ba Đình còn đề xuất thành lập tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực đêm tại đảo Ngũ Xã (hồ Trúc Bạch), với 2 đoạn phố có chiều dài khoảng 250 mét. Và trong trường hợp đi vào hoạt động thí điểm, không gian đi bộ này cũng sẽ hoạt động vào dịp cuối tuần, sau đó xem xét mở rộng thời gian.

Chú thích ảnh
Hồ Ngọc Khánh có diện tích 3,6 ha, nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, bao quanh là hai tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Phạm Huy Thông. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Như thế, cùng với một loạt các ý tưởng thành lập phố đi bộ tại hồ Thiền Quang, Văn Miếu, khu đô thị Nam vành đai 3 hay khu đô thị Bắc An Khánh, Hà Nội lại có cơ hội xuất hiện thêm 2 không gian đi bộ mới để bổ sung vào danh mục của loại hình đang là xu thế này. Riêng với trường hợp hồ Ngọc Khánh, với những động thái khá quyết tâm từ quận Ba Đình, rất có thể nơi đây sẽ sớm trở thành tuyến phố đi bộ thứ 5 của Hà Nội - tiếp sau không gian thứ 4 là khu vực thành cổ Sơn Tây sẽ được khai trương vào dịp 30/4 tới.

Và nhìn rộng hơn, 2 trường hợp mới được đề xuất này có điểm chung, khi trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với không gian mặt nước của hồ Trúc Bạch và hồ Ngọc Khánh. Thực tế, đây đều là những không gian hồ tương đối rộng, có lịch sử lâu đời và nằm tại những vị trí trung tâm trong thành phố. Tuy nhiên, việc bị chia cắt bởi những trục đường lớn tấp nập xe cộ - cụ thể là các trục đường Thanh Niên hay Nguyễn Chí Thanh - cũng như việc thiếu những tiện ích bổ trợ và hoạt động thu hút cộng đồng đã khiến các khu vực này chưa thật sự trở thành điểm đến đúng nghĩa của cộng đồng.

Chú thích ảnh
Bờ Hồ Trúc Bạch. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Còn bây giờ, bên cạnh hồ Ngọc Khánh và hồ Trúc Bạch, chúng ta có thể nhắc tới đề án từng có về phố đi bộ cạnh hồ Thiền Quang, hoặc về những ý tưởng từng đề xuất thành lập thêm phố đi bộ hoặc các công viên tại Hồ Tây, Hồ Văn hay khu vực bãi đất dọc sông Hồng. Đó là những tín hiệu tích cực, trong việc khai thác những không gian nước - vốn được coi là thứ tài nguyên đặc biệt quý giá và ngày càng cần được chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng tại một đô thị đang phát triển.

***

Nhưng, cũng phải nói thêm, việc thiết lập các phố đi bộ gắn kết với những khu vực hồ Hà Nội không thể chỉ là câu chuyện của sự áp đặt ý chí. Bài học về sự thiếu thành công của phố đi bộ Trịnh Công Sơn tại Hồ Tây vẫn còn đó, với những yêu cầu đặt ra về sự linh hoạt, khéo léo để kiến tạo bản sắc và sức hút riêng của mỗi phố đi bộ thuộc dạng này.

Đơn cử như trường hợp hồ Ngọc Khánh. Những ý tưởng hiện có về việc lập sân khấu nước hoặc đài phun nước kết hợp ánh sáng tạo điểm nhấn, lát đá vỉa hè, bố trí thêm bãi gửi xe, ghế nghỉ... chỉ là phần thao tác có thể bắt gặp ở bất cứ phố đi bộ nào. Trong khi đó, ý tưởng thiết lập các điểm kinh doanh tại khu vực này lại khiến nhiều người băn khoăn - khi chỉ cách đó vài trăm mét là trung tâm thương mại Lotte Center vốn tồn tại từ lâu và luôn thu hút một lượng lớn du khách. Phải chăng, để thành công, phía tổ chức nên tính tới việc tổ chức những hoạt động đặc thù, hướng tới đối tượng sinh viên của các trường đại học Luật, Ngoại thương, Ngoại giao, Giao thông... vốn rất gần khu vực này?

Tương tự, ý tưởng lập tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực tại khu vực Ngũ Xã cũng chưa đủ thuyết phục những người khó tính - khi mà các cửa hàng chuyên bán món phở cuốn tại đây cũng chỉ có một lượng khách nhất định, so với vô vàn quán xá ở khu vực liền kề. Trong khi đó, những điểm đến văn hóa liền kề đó như đền Quan Thánh, chùa Châu Long và cả chợ Châu Long truyền thống lại có bản sắc riêng và rất cần được kết nối hợp lý, để Ngũ Xã trở thành “điểm cuối” thu hút họ.

Chúng ta hãy cứ chờ đợi và hy vọng, Hà Nội không chỉ “đánh thức” mặt hồ bằng các không gian đi bộ, mà còn tạo ra những điểm đến thật sự hấp dẫn và có hồn.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm