Góc nhìn 365: Cốt cách văn hóa

17/06/2021 07:34 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, hình ảnh ông Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trang phục khăn xếp, áo dài, dẫn đoàn học sinh tham quan trụ sở UBND tỉnh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng. Tại đây, ông tặng mỗi em cuốn Huế - kinh đô áo dài Việt Nam và bình nước thủy tinh, bên ngoài ốp tre với ý nghĩa hạn chế rác thải nhựa.

Góc nhìn 365: 'Nhân rộng' không gian cho cộng đồng

Góc nhìn 365: 'Nhân rộng' không gian cho cộng đồng

Cuối tuần trước, một không gian dành cho cộng đồng vừa được khánh thành tại phường Phúc Tân ven bờ sông Hồng - nơi trước đây vốn là khu tập kết rác thải.

Nói đến Huế là nói đến vẻ đẹp của tà áo dài, “từ chiếc nón bài thơ, từ giọng nói âm thầm sâu lắng lạ” đến những món ẩm thực truyền thống như bún bò Huế, cơm hến, nem lụi… Và đặc biệt, phụ nữ Huế còn nổi tiếng ở tài nữ công gia chánh. Tất cả đã góp phần làm nên cốt cách văn hóa Huế.

Khái niệm “nữ công gia chánh” hiểu đơn giản là những công việc bếp núc, nội trợ, đan lát, thêu thùa dành cho phụ nữ. Thực chất thì nó vẫn xoay quanh chuyện “học ăn, học nói, học gói, học mở” trong cuộc sống gia đình và trong ứng xử hàng ngày thôi. Trong quá khứ, những công việc này được biên soạn thành môn học và được đưa vào giảng dạy cho các nữ sinh tại các trường học.

Chú thích ảnh
Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tặng sách "Huế - kinh đô áo dài Việt Nam" cho các bạn học sinh tham quan UBND tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh/Tuổi trẻ

Tôi cũng không để ý là từ khi nào môn học này được đưa ra khỏi chương trình giảng dạy phổ thông, bởi vì đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, chúng tôi vẫn có môn học này, khi ấy con trai thì học mộc, cơ khí, điện. Còn con gái mới học nấu ăn, thuê thùa, đan lát, cắm hoa…Và cho dù bây giờ các trường phổ thông không có môn học về “nữ công gia chánh”, cuộc sống hiện đại có nhiều lựa chọn hơn cho bữa cơm gia đình nhưng vẫn có rất nhiều bạn trẻ tìm học môn này.

Tất nhiên, nói về chủ đề này bây giờ không phải chỉ là loanh quanh trong công việc tề gia nội trợ, không đơn thuần chỉ là những bữa cơm gia đình truyền thống trong căn bếp nhỏ hàng ngày, không phải chỉ những món ăn đân tộc mà còn bao gồm cả những món “độc và lạ” từ Á đến Âu.

Với riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên cạnh dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT, tỉnh đang hướng đến giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế. Mục tiêu là để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế, để học sinh Huế tự hào về vùng đất, có lòng biết ơn, vị tha, làm hành trang vào đời.

Cũng vì mục tiêu này, bắt đầu từ năm học 2021-2022, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý để trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục dạy môn nữ công gia chánh. Nhà trường sẽ sưu tầm tài liệu để phối hợp với chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực dạy cho nữ sinh.

Mục tiêu là sau khi rời trường phổ thông, học sinh biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn gia đình. Cũng qua môn nữ công gia chánh, học sinh được dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.

***

Thực tế hiện nay, tình trạng giới trẻ, kể cả các bạn nữ, hổng kiến thức về bếp núc là có thật. Thói quen lười vào bếp, thích sử dụng đồ ăn nhanh, cộng với sự bùng nổ của các dịch vụ ship đồ ăn, thức uống đến tận nhà khiến cho các kỹ năng nấu nướng có nguy cơ... "tuyệt chủng".

Thế nên, không phải chỉ riêng học sinh Thừa Thiên - Huế mà có lẽ trên toàn quốc, học sinh cũng cần phải học "nữ công gia chánh" ở các mức độ khác nhau, để các em sau khi rời khỏi ghế nhà trường phổ thông có thể tự nấu ăn cho mình, cho gia đình, biết làm những món cơ bản trong các dịp liên hoan hay trong những ngày ngày giỗ, tết.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm