23/01/2024 19:30 GMT+7 | Văn hoá
Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định công nhận 29 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 12). Đáng chú ý, trong số này có tới 4 hiện vật thuộc Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Như thế, chúng ta đang chứng kiến một trường hợp thú vị: Hoàng thành Thăng Long - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2010 - cũng đồng thời là nơi hội tụ của khá nhiều bảo vật quốc gia khác nhau, nếu xét tới cả những bảo vật từng được công nhận trước đây.
Nhìn lại theo thời gian, vào năm 2020, Hoàng thành Thăng Long có bộ thành bậc điện Kính Thiên niên đại thế kỷ XV được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 9). Tiếp đó, vào năm 2022, đến lượt 4 trường hợp khác cũng tại Hoàng thành Thăng Long được công nhận (đợt 11), bao gồm bộ thành bậc điện Kính Thiên niên đại thế kỷ XVII, đầu rồng thời Trần, bộ bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ và súng thần công thời Lê Trung hưng.
Còn vào đợt công nhận lần thứ 12 này, 4 hiện vật tiếp tục được công nhận là bảo vật quốc gia tại Hoàng thành Thăng Long gồm có lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, đao cẩn tam khí thời Trần, mô hình đất nung kiến trúc thời Lê sơ và thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ.
Thực tế, dù cùng gắn với quần thể Hoàng thành Thăng Long, mỗi bảo vật quốc gia tại đây lại mang những đặc sắc riêng với những giá trị lịch sử riêng.
Đơn cử, lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý được coi là phiên bản đầy đủ và đẹp nhất so với những lá đề cùng loại đã được phát hiện. Hoặc, thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ được xác định có niên đại thuộc năm 1466 (thời vua Lê Thánh Tông), làm bằng hợp kim đồng với các cạnh được bo tròn và dòng chữ "Cung nữ xuất mãi bài". Rồi, đao cẩn tam khí, niên đại thời Trần có hoa văn trang trí đặc biệt tinh xảo với nhiều đồ án khác nhau được trang trí nhắc lại ở hai mặt, tạo cảm giác hai mặt như một....
***
Có một thực tế, trong nhiều năm qua, dư luận thường tập trung theo dõi việc khám phá các dấu tích kiến trúc cũ tại Hoàng thành Thăng Long, cũng như ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên - "trái tim" của quần thể này. Nhưng rõ ràng, những hiện vật được khám phá tại đây cũng có tiềm năng rất lớn - không chỉ ở giá trị của những tự thân của một món bảo vật quốc gia mà còn về giáo dục - du lịch nếu được tiếp cận hợp lý.
Chẳng hạn, như lời các chuyên gia, từ một tấm thẻ bài của cung nữ thời Lê, những người làm trưng bày hoàn toàn có thể kết nối các tư liệu lịch sử để "dựng lại" cả một câu chuyện về số phận của những cung nữ Việt Nam trong lịch sử. Hoặc, đao cẩn tam khí thời Trần cũng có thể dẫn dắt để mở ra câu chuyện của lịch sử, khi kinh thành Thăng Long trở thành một trong những chiến trường chính trong cuộc chiến chống Nguyên Mông thời Trần...
Và trong lúc chờ đợi những cái đích dài hơi hơn, kho bảo vật tại Hoàng thành Thăng Long chính là những gợi ý để chúng ta có thể diễn giải và tiếp cận một phần những giá trị cốt lõi của Di sản Thế giới này, từ đó mở ra những rung cảm và đồng điệu giữa người xem hiện đại với dòng chảy từ quá khứ...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất