Góc Hồng Ngọc: Có không 'kịch bản' bỏ giải ?

01/09/2013 19:18 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Kịch bản Câu lạc bộ Sài Gòn Xuân Thành ở V-League đã được dàn dựng từ trước (!) - cây bút bình luận thể thao sắc sảo Hồng Ngọc nhận định trong chầu cà phê với Thể thao & Văn hóa tuần này.

* Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Anh cảm giác thế nào khi Sài Gòn Xuân Thành phản ứng trước án kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) bằng cách bỏ dở V-League khi nó sắp kết thúc?

- Hồng Ngọc: Chúng ta mới bàn đến chủ đề về việc một câu lạc bộ dọa bỏ giải đấu chưa lâu, và giờ thì nó diễn ra. Tôi sẽ không nhắc lại về thái độ, về nền tảng văn hóa hay kinh tế đứng đằng sau những hành động như vậy nữa, mà muốn mổ xẻ sự việc qua những gì đã xảy ra.

Về trình tự xét xử, kỷ luật, án phạt của VFF và ban tổ chức giải vừa được đưa ra lần đầu, và “bị cáo” có quyền khiếu nại trong vòng bảy ngày. Nhưng họ đã không sử dụng quyền khiếu nại, dù chúng ta vẫn biết VFF có truyền thống giơ cao đánh khẽ. Quyết định được lãnh đạo đội bóng này đưa ra ngay trong ngày nhận án kỷ luật. Có hai cách lý giải với hành động này. 



XMXT.SG (phải) bỏ cuộc liệu có phải kịch bản đã được chuẩn bị từ trước. Ảnh: Quang Nhựt

Thứ nhất, cảm xúc tiêu cực về sự bất công đã chi phối việc ra quyết định. Mọi người đều biết ông bầu trên danh nghĩa của đội bóng là Nguyễn Xuân Thủy còn khá trẻ, vì thế chúng ta dễ hình dung tới quyết định ấy. Nhưng tôi nghi ngờ khả năng này. Nếu bầu Nguyễn Xuân Thủy thật sự là ông chủ của đội bóng, anh ta phải thật sự thành công trong kinh doanh. Người bị cảm xúc tiêu cực dẫn dắt quá trình ra quyết định thì khó mà tin được có thể thành công tới mức sở hữu và nuôi một đội bóng với chi phí gần trăm tỷ đồng/năm.

Thứ hai, việc bỏ giải là một kịch bản đã được dàn dựng, và hành vi cố tình thi đấu thiếu trách nhiệm khi gặp đội cuối bảng Kiên Long Kiên Giang là sự khởi đầu. Khi nhận được án kỷ luật của VFF và ban tổ chức giải, thì họ ngay lập tức “chớp thời cơ”. Tôi nghiêng về khả năng này.

* Tại sao phải bỏ giải, khi họ hoàn toàn có thể rút khỏi bóng đá sau khi mùa giải kết thúc, bằng cách bán lại suất V-League hay đơn giản là bàn giao lại cho địa phương?

- Chỉ có chính họ mới biết rõ lý do, còn chúng ta ở ngoài chỉ có thể phán đoán. Bây giờ bán suất dự V-League thì ai mua? Còn trả lại cho địa phương rồi lặng lẽ rút thì lại không có gì “nổi trội”. Chúng ta nhìn thấy rất rõ cách các ông chủ của Xuân Thành chơi bóng đá và chơi xe luôn có phong thái “chơi trội”. Và cách rút bỏ êm đẹp khi kết thúc mùa bóng thì không giống với phong cách của họ. Về kinh tế, việc rút sớm chừng nào hay chừng ấy vì cắt giảm được chi phí lương, chi phí hoạt động, và chắc chắn là tiền thưởng cuối mùa giải.

* Chẳng lẽ họ nghĩ nhỏ nhặt vậy sao?

- Khủng hoảng kinh tế chẳng tha ai cả, một khi túi tiền đã rỗng, áp lực thanh toán từ ngân hàng đè nặng thì có thể với các doanh nhân chơi trội, thái độ với giải đấu mới là chuyện nhỏ nhặt. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của Sài Gòn Xuân Thành, để biết họ sẵn sàng đạt được mục tiêu bất chấp các chuẩn mực hay thông lệ. Một doanh nghiệp Ninh Bình đầu tư vào một đội bóng Hà Tĩnh ở hạng Nhì đầu năm 2010, chỉ sau một mùa giải không đạt mục tiêu thăng hạng, họ đã quay sang mua suất ở hạng Nhất của một câu lạc bộ bóng đá tại… Hà Nội, đồng thời chuyển khẩu vào… Sài Gòn. Sau một năm nữa thì họ lên hạng V-League, quyết định đổi đổi chủ và đổi tên thành Sài Gòn FC, nhưng được chưa đầy hai tuần thì trở lại chủ cũ, và tìm bằng được cách lấy lại tên cũ. Năm đầu tiên chơi ở V-League, họ đã suýt vô địch, nhưng kết thúc mùa giải 2012 đó họ đã bày tỏ ý định có thể không tham dự mùa giải 2013. Rốt cục thì họ cũng đạt được ý định của mình, theo một cách nổi trội!

* Tôi cho rằng đó là cách làm mất nhiều hơn được.

- Trong một xã hội mà thể chế và văn hóa đã định hình chuẩn mực thì đúng là như thế, nhưng trong xã hội ta thì chưa chắc. Quyết định bỏ giải của Sài Gòn Xuân Thành nhận được sự ủng hộ của không ít người, như chúng ta có thể đọc thấy các ý kiến trên các mạng xã hội, hay phản hồi của độc giả trên các báo điện tử. Câu thơ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà thi hào Nguyễn Du nói về lãnh đạo nổi loạn Từ Hải được chúng ta sử dụng như một sự tôn vinh với một cá nhân. Và thái độ bất cần được một bộ phận rất lớn trong xã hội ta coi như một niềm kiêu hãnh cá nhân. Xuân Thành bỏ giải nhận được sự ủng hộ của những thành phần như thế. Đó là vấn đề của một nền văn hóa, sẽ cản trở việc xây dựng thái độ hợp tác và cùng có lợi cho các công dân, qua đó hình thành một xã hội đặt hợp tác lên trên đối đầu, dấn thân thay cho hay bỏ cuộc, nhờ vậy mà xã hội mới có thể phát triển.

* Quay lại mổ xẻ quyết định của VFF và ban tổ chức giải chút nhé. Quyết định kỷ luật Sài Gòn Xuân Thành bằng cách trừ tới 4 điểm mà không có bằng chứng tiêu cực rõ ràng phải chăng là thiếu thuyết phục, thậm chí hồ đồ?

- Dẫn theo Khoản 1, Điều 37 trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF, thì việc kỷ luật là có cơ sở. Đó là “cố tình thi đấu dưới khả năng thực tế hoặc tạo thuận lợi cho đối phương giành thắng lợi sẽ bị xử lý theo quy định của Luật thi đấu bóng đá và các quy định có liên quan của Liên đoàn bóng đá Việt Nam”.

* Điều khoản đó có ý nghĩa mơ hồ, tạo điều kiện cho những quyết định xử phạt cảm tính?

- Nền tư pháp của bóng đá Việt Nam thì không thể vượt qua nền tư pháp của đất nước được. Tính minh bạch trong các điều khoản của bóng đá nước ta cũng không thể đòi hỏi cao hơn tính minh bạch của nhiều điều luật nước nhà.

Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị thế của VFF hay ban tổ chức giải để biết họ ở vào tình thế lưỡng nan. Một đội bóng thi đấu mà ai cũng nhìn thấy có vấn đề, nhưng không có bằng chứng. Ra quyết định xử phạt thì bị chỉ trích là cảm tính. Không xử phạt thì bị phê phán là nhu nhược, bất lực.

* Nếu ở địa vị VFF và ban tổ chức giải, anh phải làm sao?

- Tôi cũng bất lực. Chúng ta chỉ có thể hành động theo chuẩn mực một cách đầy đủ trong một xã hội có chuẩn mực. Và các thể chế hỗ trợ chúng ta làm việc đúng, chứ không phải ngăn cản hay bỏ mặc chúng ta.

Việc tìm bằng chứng tiêu cực không phải là trách nhiệm của VFF hay ban tổ chức giải. Họ không có thẩm quyền và kỹ năng cho việc đó. Trong một quy trình đúng, khi nghi ngờ là rõ ràng và có những chứng cứ còn mơ hồ, vụ việc được chuyển sang cho cơ quan điều tra để tìm ra bằng chứng thuyết phục, và khi có đủ bằng chứng rồi mới truy cứu trách nhiệm. Có thể lãnh đạo VFF muốn có một quyết định “kịp thời”, và cũng có thể họ đã thất bại nhiều lần trong việc nhờ đến sự trợ giúp của cơ quan điều tra.

Nhưng quan trọng hơn chính là tự thân các đội bóng. Các đội bóng chuyên nghiệp đều phải sống nhờ khán giả, và vì vậy họ luôn cần khán giả. Nếu họ thi đấu thiếu trách nhiệm, họ sẽ bị khán giả quay lưng và mất nguồn sống. Còn nền bóng đá của chúng ta thì không cần khán giả. Ngày trước là đội bóng của Sở, bây giờ là đội bóng của ông bầu. Tất cả mọi lệch lạc đều từ đó mà ra.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm