Góc Anh Ngọc: Khi bóng đá trở về nhà

19/06/2012 14:09 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Đối với không ít người lãng mạn và đọc quá nhiều sách về thời đại mà các cowboy làm nên những câu chuyện anh hùng, thì Donbass có lẽ giống vùng Viễn Tây của nước Mỹ hơn là một mảnh đất ở Ukraina xa xôi...

...Nhưng khi trận đấu giữa Ukraina và Anh sẽ diễn ra đêm nay, người ta lại tin rằng, mối liên hệ giữa Donetsk với người sáng lập nên nó, một người xứ Welsh, và phong cách sống rất công nghiệp đến mức hơi tẻ nhạt đã đưa vùng đất này đến gần với nước Anh, biến nó trở thành nơi mang đậm chất Anh nhất trên toàn cõi châu Âu, ngoài lãnh thổ xứ sở Sương mù. 



CĐV Anh đến Donbass như trở về nhà

1. Cảm giác ấy ập đến đầu tiên với những ai vừa đặt chân đến đây, khi chứng kiến trước mắt mình cả một thành phố bị bủa vây bởi những mỏ than lộ thiên lớn, với những bãi đất cao như núi bên cạnh những giếng than và các tuyến đường sắt chạy qua với những con tàu đi ầm ỳ không ngơi nghỉ.

Cảm giác ấy ập đến tiếp theo khi tất cả đã ngồi yên vị trong sân Donbass Arena mà một số đường nét của nó gợi nhớ đến sân Wembley cũ, trận nào ở EURO này cũng bật bản "Football is coming home "(Bóng đá trở về nhà) trước khi trái bóng lăn. Cảm giác ấy cũng ùa đến khi những trang lịch sử của nơi này nhắc nhở, rằng thành phố mỏ Donetsk được một người xứ Wales tên John Hughes lập ra cuối thế kỉ 19 (Donetsk lúc ấy có tên Yuzovka, phiên âm tiếng Nga của tên Hughes) và đội bóng đầu tiên của thành phố mang tên Yuzovka Sports Society được thành lập vào năm 1911.

Cái tên ấy đã nói lên quá nhiều điều về những người Anh đã thực hiện quá trình truyền bá bóng đá như một thứ Phúc âm của Chúa đến khắp nơi nào mà họ đặt chân đến. Những khu mỏ của vùng Donbass đã vang lên những tiếng hô hạnh phúc vì chiến thắng và đau đớn vì thất bại từ cả thế kỉ trước là thế.

Bây giờ, khi trái bóng trở lại Donbass cho một giải đấu lớn nhất mà lịch sử bóng đá ở vùng này chưa từng được tổ chức trong những năm qua, người Anh có thể đến đây và tìm thấy ở đây những cá tính mà mình sở hữu trong từng nét sống của Donetsk.

2. Tiếc thay, những người như 3 anh chàng Nick, Andrew và Matthew mà tôi đã gặp trên con tàu đi từ Donetsk lên Kharkov đêm mới rồi quá ít. Cũng chỉ có hơn 200 cổ động viên Anh thuê những căn lều trọ ở khu Camping Park dành riêng cho người hâm mộ các nước đến đây xem EURO.

Nick bảo, fan của Anh có thể đi đến tận Nam Phi để cổ vũ cho đội tuyển của mình, nhưng lại ngại đi một đoạn đường chỉ bằng 1/4 như thế đến Donetsk để sát cánh bên Tam Sư. Câu trả lời hết sức đơn giản: họ ngại va chạm một nền văn hóa khác không nói tiếng Anh, ngại sống trong cảnh thiếu thốn nhiều thứ trong thành phố, ngại phải gặp phải những rủi ro mà báo chí Anh đã thêu dệt. Anh kết luận: người Anh đã tự vứt đi một cơ hội ngàn vàng để nhìn thấy nước Anh và một phần nào đó không khí của nước Mỹ ngày xưa trong cuộc sống nơi này.

Không phải ai cũng như Nick và các bạn anh, những cổ động viên của đội bóng Pháo thủ, đã tự trang bị cho mình một vốn kiến thức lớn cùng cái máu khám phá để tìm đến vùng đất này không chỉ để xem bóng đá. Họ đã đi đến nhiều nơi xung quanh Donetsk, bằng tất cả các phương tiện có thể, và khẳng định rằng, Donetsk không giống những gì báo chí Phương Tây đã viết, chẳng hạn như thành phố cách thủ đô Kiev 800 cây số này tập hợp những kẻ "nghiện rượu nặng, trẻ em thì hư hỏng và đường phố thì bẩn thỉu".

Những CĐV người Anh

Andrew bảo, Donetsk gợi nên những nét sơ khai về chính nước Anh thời sau cách mạng công nghiệp, giống cái chất giang hồ và đầy rủi ro của Alaska vào thời kì người ta đổ xô đi tìm vàng. Và nữa, anh bổ sung điều quan trọng, Shaktar cũng giống Chelsea, và ông chủ của nó, Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraina, cũng không khác Abramovich. Họ cùng đánh bại sự thống trị của những thế lực cũ kĩ là Dynamo Kiev và M.U. Những ông chủ của họ cũng cùng có một quá khứ đầy bí hiểm trên con đường từ vô danh đến giàu sang, cùng nổi lên sau khi Liên Xô tan rã, cùng đến từ những vùng xa xôi của Ukraina và nước Nga, cùng lấy bóng đá để biến tên tuổi của mình thành những cái tên được nhắc tới trên môi của hàng triệu người hâm mộ. Nhờ có Akhmetov mà Shaktar mới trở thành một đội bóng lớn ở châu Âu, và sân Donbass Arena, trước khi đăng cai EURO, đã từng là sân khấu lớn của nhiều trận đấu của Champions League, điều mà Kiev những năm gần đây không có được. Ở Donetsk, người ta có thể xì xào sau lưng Akhmetov về quá khứ đầy bí ẩn và không ít lần bị báo chí kết nối với thế giới tội ác, điều tương tự với Abramovich, nhưng người ta không thể không tự hào vì ông đã làm thay đổi toàn bộ hình ảnh của thành phố và làm cho nó tái xuất hiện trên bản đồ.

Matthew lí giải như một người Ukraina thực thụ: "Akhmetov cũng như Abramovich lúc đầu cũng không biết gì về bóng đá, nhưng sau đó, họ cùng nhận thấy, việc sở hữu một CLB bóng đá là điều nên làm như một hình thức mị dân và một ông chủ giàu có mới phất phải làm điều đó". Chuyện này không lạ ở Ukraina. CLB Metalist Kharkov hiện đang do Oleksandr Yaroslavsky, một trong 15 người giàu nhất Ukraina nắm giữ.

3. Hôm nay, khi đội Anh trở lại Donetsk cho trận đấu thứ hai của họ ở sân Donbass Arena, tiếng nhạc của bản "Football is coming" lại vang lên. Họ có thể trở về nhà hay không sau trận đấu với Ukraina, đến sáng mai chúng ta sẽ biết, nhưng bóng đá Anh thì đã ở nhà của họ từ nhiều năm nay, khi đã có 3 CLB hâm mộ M.U ra đời và các trận đấu của Premier League trên kênh trả tiền Futbol được theo dõi nhiều nhất.

Điều lạ lùng ấy xảy ra trong hoàn cảnh chính Ukraina lại chưa hề thắng được trận nào của mình trên sân mới Donbass, dù người dân ở nơi đây ủng hộ họ hết mực. Cái dớp tối tăm ấy khiến cho nhiều người nghĩ rằng, Ukraina đang đá ở sân khách chứ không phải ở nhà mình, trong một vùng sát Nga, toàn nói tiếng Nga, chứ không phải tiếng Ukraina bản địa, trong một khung cảnh địa chính trị căng thẳng mà nước Nga và EU đang nghiến răng kéo bằng được Ukraina về mình...

                        Bài và ảnh: Anh Ngọc (từ Donetsk)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm