3 điểm nhấn sau trận U19 Việt Nam - U19 Nhật Bản

08/01/2014 20:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 7-0. Một thất bại rõ ràng, toàn diện và cần thiết. Chúng ta thua để biết mình chính xác đang đứng ở đâu, tránh ảo tưởng và tự huyễn hoặc bản thân. Và tất nhiên, đây là cơ hội tốt để các em cọ xát, học hỏi kinh nghiệm để trưởng thành hơn trong tương lai.

U19 Nhật Bản có chiều cao gần như tương đương với U19 Việt Nam nhưng chiều cao sinh học ngang nhau (một cách tương đối) không có nghĩa là chiều cao tư duy, tốc độ, thể lực và chiều cao đẳng cấp chuyên môn cũng ngang nhau. Chúng ta thấy gì sau trận thua tối nay của U19 Việt Nam?



U19 Nhật Bản (áo xanh) trên tầm U19 Việt Nam

1.Tiếp cận trận đấu sai lầm

Có thể nói ngay từ đầu U19 Việt Nam đã sai lầm trong cách tiếp cận trận đấu. Chống lại đối thủ đến từ quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất nhì châu Á hiện nay với kinh nghiệm thi đấu chắc chắn hơn hẳn mà có cảm giác các em vào trận với tinh thần như gặp đối thủ ngang cơ. Hoặc là chúng ta đã quá tự tin hoặc là đã không tôn trọng đối thủ như họ xứng đáng được tôn trọng. Lẽ ra phải chơi phòng ngự số đông kết hợp phản công, đá chậm, với các tuyến gần nhau, nhất là hàng thủ và hàng tiền vệ thì chúng ta lại chơi đôi công, đá nhanh với đội bạn.

Khoảng cách giữa các tiền vệ và hậu vệ không đủ gần để hỗ trợ phòng ngự. Lối đá ấy chỉ có thể thực hiện khi U19 Việt Nam ngang cơ với U19 Nhật Bản về thể lực, tốc độ và cả tư duy chiến thuật. Nhưng chúng ta đều thua kém đội bạn về tất cả các khía cạnh này mà các em vẫn…hiên ngang đua tốc độ, đua thể lực và chơi đôi công với U19 Nhật Bản. Thế nên, thất bại nặng nề là khó tránh.

2.Bài học về chiến thuật

Ngoài chuyện cự ly đội hình và cách tiếp cận trận đấu không hợp lý thì U19 Việt Nam thất bại chóng vánh và nặng nề còn do các em chơi thứ bóng đá quá đẹp. Đẹp đến mức các em quên mất sự cần thiết phải phạm lỗi chiến thuật từ xa để ngăn cầu thủ đội bạn lên bóng với tốc độ cao. Các bàn thua của U19 Việt Nam đến khi chúng ta vẫn có khá đông hậu vệ phía trước cầu thủ đội bạn nhưng dễ dàng bị những Takumi, Uchida Yuto, Takahiro…đi bóng đột phá qua mặt như chốn không người trước khi dứt điểm ghi bàn.

Lẽ ra, trong những tình huống trước khi U19 Nhật Bản ghi bàn, chúng ta có thể phạm lỗi chiến thuật bên ngoài vòng cấm để ngăn cản. Nói thế không phải là cổ súy lối chơi xấu nhưng đó là điều cần thiết và rất bình thường trong bóng đá hiện đại mà các đội bóng vẫn áp dụng để hạn chế mức sát thương của đối thủ.

Trong khi đó, U19 Nhật Bản rất chủ động chơi pressing ngay bên phần sân U19 Việt Nam, đẩy các em vào tình thế lúng túng, dẫn đến chuyền sai, chuyền hỏng nhiều mà bàn thua đầu tiên chính là ví dụ điển hình khi nó xuất phát từ đường chuyền hỏng của cầu thủ U19 Việt Nam khi bị đối thủ áp sát cực nhanh và chúng ta để đối phương cướp được bóng, đột phá và ghi bàn.

3.Ngả mũ trước U19 Nhật Bản


Những sai lầm của U19 Việt Nam không hề làm giảm giá trị chiến thắng hủy diệt của U19 Nhật Bản. Đơn giản, đối thủ có đẳng cấp hơn chúng ta một bậc về mọi mặt từ chiến thuật, thể lực, tốc độ đua đối kháng 1-1, khả năng phối hợp bóng ở tốc độ cao lẫn chất lượng của các cá nhân cầu thủ. Họ đều vượt trội U19 Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ trong các cuộc đua tốc độ. Chúng ta thường đuối hơn đội bạn kể cả khi chiếm lợi thế vị trí.

Dù di chuyển với tốc độ rất cao, U19 Nhật Bản vẫn phối hợp nhịp nhàng, chính xác. Nhưng trong những tình huống tương tự, cầu thủ U19 Việt Nam thường xuyên chuyền bóng lỗi, sửa lưng đồng đội. Thể lực của các em sa sút trông thấy ở nửa cuối hiệp 2.

Và khi mà thể lực đã xuống rất nhiều, các em lại vẫn dâng cao tấn công. Hệ quả là chúng ta vừa không thể ghi được dù chỉ 1 bàn danh dự, vừa bị đội bạn phản công quá sắc nét và tốc độ, các em không kịp lùi về và phải chịu những bàn thua mới.

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm