U19 Nhật Bản và chuyện đào tạo trẻ: Bóng đá học đường tạo ra những Honda, Kagawa

08/01/2014 14:40 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng thời điểm U19 Nhật Bản đến Việt Nam dự cúp Nutifood, CLB AC Milan thông báo ký hợp đồng với tiền vệ người Nhật Keisuke Honda. Nghe qua có vẻ chẳng liên quan, nhưng hai sự kiện cách xa hàng ngàn cây số này, có nhiều điều đáng nói.

Chỉ cần 5 phút xem đội U19 Nhật Bản thi đấu một CĐV bóng đá bình thường cũng nhận ra hai điều: Kỹ thuật cơ bản cầu thủ Nhật cực tốt, và họ phối hợp rất ăn ý ở tốc độ cao. Đặc điểm đầu tiên là hệ quả của sự dạy dỗ bài bản từ nhỏ. Đặc điểm thứ hai là kết quả của những năm tháng ăn tập cùng nhau, và được cọ xát nhiều.

Nhìn U19 Nhật Bản ngẫm chuyện Honda. Anh là cầu thủ Nhật đầu tiên trong lịch sử được một đội bóng lớn châu Âu rào đón như thế. Milan mất vài tháng thuyết phục và theo đuổi anh. Khi anh đến, hàng trăm phóng viên ngóng đợi, đưa tin, cập nhật từng phút những hoạt động nhỏ nhất của anh. Ở CLB châu Âu nào Honda cũng có tầm quan trọng như vậy: Ở VVV Venlo (Hà Lan), anh là “Hoàng đế”. Ở CSKA Moskva, anh là cầu thủ tấn công quan trọng nhất. Và giờ tại Milan.

Keisuke Honda là sản phẩm hoàn hảo của cỗ máy bóng đá học đường Nhật Bản. Sự nghiệp anh bắt đầu từ đội bóng trường cấp hai tỉnh Settsu. Anh đá ở đây hai năm, dự giải vô địch U20 thế giới tại Hà Lan năm 2005 và vòng loại Olympic trẻ Bắc kinh năm 2007, cho đến năm  2008, cựu HLV đội Nagoya, ông Sef Vergoossen, liên hệ để anh về Venlo.

Một loạt cầu thủ Nhật cũng đi cùng con đường Honda: Shinji Kagawa học bóng đá từ năm 6 tuổi, và gia nhập đội bóng trường cấp hai thành phố Sendai năm 12 tuổi. Yuto Nagatomo vào đội bóng trường tiểu học năm 6 tuổi, rồi tiến một mạch đến Cesena và Inter Milan.

Cỗ máy đào tạo khổng lồ

Từ năm 1993 (thời điểm giải chuyên nghiệp Nhật Bản, J-League ra đời), LĐBĐ Nhật (JFA) dồn toàn lực phát triển bóng đá trẻ cả nam và nữ. Họ thành lập các trung tâm đào tạo bóng đá trên cả nước và thực hiện giám sát các cầu thủ trẻ tài năng. Có 9 khu vực đào tạo được thiết lập và JFA ra quy định: 38 CLB thuộc hai hạng đấu cao nhất Nhật Bản phải có đội U12, U15 và U18. Đấy là chưa kể đến các học viện tư nhân, như lớp dạy đá bóng của thày Chikara Shoji mà Kagawa có thời gian học, và hai trung tâm của Liên đoàn bóng đá Nhật, gọi là Học viện JFA.

Các trung tâm bóng đá đào tạo kỹ năng cho cả cầu thủ và HLV, và các cậu bé yêu đá bóng được dạy kỹ thuật cơ bản, sau đó mới là kỷ luật chiến thuật. Các em chơi bóng 6 ngày/tuần, mỗi ngày 2 tiếng sau giờ học văn hóa, và không lạ khi cầu thủ U19 Nhật Bản đá nhuần nhuyễn thế: Các giải đấu bóng đá trẻ của Nhật diễn ra quanh năm. Một trận chung kết giải đấu trường trung học được tổ chức tại SVĐ Quốc gia Tokyo; một trận chung kết lứa tuổi 12 được chiếu trên truyền hình quốc gia. Các em được dạy rằng: chiến thắng là một kinh nghiệm quý báu, và chiếc cúp là tấm huy hiệu cao quý.

Thế mới biết, khi chúng ta coi Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG là hình mẫu đào tạo bóng đá trẻ, thì người Nhật đã có một cỗ máy đào tạo bóng đá đạt chuẩn từ rất lâu rồi. Sản phẩm ưu tú của cỗ máy ấy, Keisuke Honda, vừa tới Milan.

1,2: Để mua được Keisuke Honda từ VVV Venlo, CSKA Moskva đã phải chi ra 9 triệu euro (khoảng 1,2 tỉ Yên theo tỉ giá lúc đó). Nhưng anh đến Milan theo dạng CNTD.

1921: Liên đoàn bóng đá Nhật được thành lập vào năm 1921 và Nhật Bản gia nhập FIFA vào năm 1929. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến năm 1993, J-League mới ra đời.

5: Đội tuyển Nhật Bản đã được dự 5 kỳ World Cup liên tiếp 1998, 2002, 2006, 2010 và 2014. Thành tích tốt nhất của họ là lọt vào vòng 1/8 World Cup 2002 và 2010.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm