04/11/2021 10:57 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến ông - Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu - là nói đến một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà thơ yêu nước nổi tiếng, người đặt nền móng cho ngành sử học Việt Nam hiện đại.
Với bản lĩnh của một nhà hoạt động chính trị, tâm hồn của nhà thơ và sự sắc sảo tinh tế của nhà báo, ông đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong toàn bộ sự nghiệp sử học của mình. Ông chính là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học Việt Nam.
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu sinh ngày 5/11/1901, tại làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, thấu hiểu nỗi khổ của người dân mất nước, hàng ngày chứng kiến cảnh những người nông dân “một cổ hai tròng”, tinh thần yêu nước, căm thù giặc sớm nảy nở trong chàng thanh niên Trần Huy Liệu.
Năm 17 tuổi, ông đã làm thơ, viết báo. Những bài thơ, bài báo của ông không chỉ thể hiện lòng yêu nước nồng nàn mà qua đó còn xác định trách nhiệm đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông làm báo đòi quyền dân chủ, lên tiếng đòi thả Phan Bội Châu, đứng ra tổ chức đám tang Phan Chu Trinh.
Cuối năm 1929, thực dân Pháp đàn áp các phong trào cách mạng, ông bị bắt và kết án đầy ra Côn Đảo. Tại đây, ông đã gặp gỡ những chiến sĩ cộng sản. Ra tù, ông bị chính quyền thực dân trục xuất ra Bắc và tại đây, ông gia nhập Đảng Cộng sản, dốc tâm trí vào các hoạt động báo chí công khai của Đảng ở Hà Nội. Tên tuổi của ông gắn liền với các tờ báo nổi tiếng lúc đó như “Le Travail”, “Tin tức” cùng các hoạt động khác ở Hội nghị báo giới, Đông Dương đại hội... Năm 1938, ông được cử làm chủ bút tờ “Tin tức”, tờ báo trở thành người bạn thân thiết của các tầng lớp nhân dân, nhất là giai cấp cần lao. Khi “Tin tức” bị chính quyền thực dân đóng cửa, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định cho ra tờ “Đời nay” vẫn do ông làm chủ bút.
Tháng 10/1939, ông bị địch bắt và đầy lên nhà tù Sơn La.
Tháng 3/1945, ông tham gia cuộc nổi dậy phá nhà giam ở Nghĩa Lộ, vượt ngục về Hà Nội, bí mật làm báo Cứu quốc, gấp rút tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Tháng 8/1945, ông dự Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào và được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng. Ông là tác giả bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám thành công, với cương vị Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động, ông cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại.
Cuộc đời hòa cùng trang sử đất nước
Với nhiều bút danh như Nam Kiều, Đẩu Nam, Côi Vị, Hải Khách... Trần Huy Liệu đã sớm có mặt trên thi đàn với những vần thơ đầy khí phách “Muốn hét một hơi toang vũ trụ/ Mong nghìn thu nữa có non sông”. Ngòi bút của ông cũng sớm tung hoành trong làng báo để trở thành thế hệ những người mở đường cho dòng báo chí yêu nước và cách mạng Việt Nam...
Và chính bản lĩnh của một nhà hoạt động chính trị, tâm hồn của nhà thơ và sự sắc sảo tinh tế của nhà báo đã để lại dấu ấn rất đậm nét trong tính cách và toàn bộ sự nghiệp sử học của Trần Huy Liệu - sự nghiệp mà ông tâm đắc nhất và choán phần lớn công việc trong ngót hai chục năm cuối đời. Ông đến với sử học bởi lòng say mê và tinh thần tự học, không hề qua trường lớp đào tạo nào. Ông từng chỉ rõ trong bản dự án đề nghị thành lập một cơ quan chuyên biệt, chính thống để nghiên cứu Sử-Địa-Văn rằng: “Một dân tộc độc lập, một dân tộc đang kháng chiến để bảo vệ đất nước, góp phần vào việc xây dựng hòa bình nhân loại, không thể không biết đến lịch sử nước mình”.
Nếu như trước cách mạng, ông đã lập Cường Học thư xã (1927), một nhà xuất bản chuyên in và phát hành những cuốn sách giới thiệu các danh nhân lịch sử, thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào thì sau này khi cách mạng thành công, Trần Huy Liệu trở thành người gây dựng nền móng và là trụ cột cho một nền sử học mới. Ông được giao thành lập và chỉ đạo Ban Nghiên cứu Văn-Sử-Địa (1953 - tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam), rồi kiêm Phó ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Trong kháng chiến, trên đường đi công tác, hễ gặp chỗ nào có sách là ông đều tranh thủ đọc. Ông từng nói “Muốn dựng nước và giữ nước thành công, mỗi người dân Việt Nam phải có được lòng tự tôn dân tộc, kết hợp với lòng yêu nhân loại. Muốn có lòng tự tôn dân tộc thì trước hết phải hiểu được sự sáng tạo của dân tộc ta, của nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất trải qua bao nhiêu đời nay... Học tập lịch sử dân tộc, địa lý của dân tộc, văn học của dân tộc chính là vũ khí để phát huy những tinh thần ấy”. Những tư tưởng ấy đã trở thành định hướng phát triển không chỉ của ba bộ môn Văn-Sử-Địa mà còn đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành tổ chức khoa học xã hội nhân văn của đất nước.
Sau này, ông còn là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Chủ tịch sáng lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Không chỉ là người tập hợp và đào tạo đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, ông còn là tác giả của hàng loạt những công trình sử học tiêu biểu. Tầm vóc và độ bền vững của những công trình này được khẳng định trên nền tảng sử liệu phong phú, đáng tin cậy, được viết bởi ngòi bút sắc sảo và tấm lòng tha thiết với truyền thống lịch sử dân tộc.
Ông lần lượt cho ra đời ba tập “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” vào các năm 1956, 1959 và 1960. Đây là một bộ sách lịch sử thể hiện nhuần nhuyễn tư duy lý luận Mácxít, là pho tư liệu lịch sử phong phú và vô cùng độc đáo. Bộ sách này được Trung Quốc dịch ra tiếng Trung với nhan đề “Việt Nam nhân dân kháng Pháp bát thập niên sử”. Ở Liên Xô, cuốn sách này cũng được dịch ra tiếng Nga và trở thành tác phẩm không thể thiếu trong các thư viện. Với công trình nổi tiếng này, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 vào năm 1996.
Bên cạnh đó còn phải kể đến những bộ sách lớn ông đã viết như “Sơ thảo sử cách mạng cận đại Việt Nam” (viết năm 1950-1951), bộ sách 12 tập “Tài liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt Nam” (1954-1958) cùng hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu khác. Tất cả những công trình, luận văn sử học của ông luôn luôn tiếp cận, phản ánh sự thật lịch sử một cách khách quan, trung thực với tính chiến đấu cao, mang sử bút kết hợp khí tiết nhà Nho với tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản và phương pháp luận sử học mácxit. Có thể coi đó là phong cách sử học Trần Huy Liệu.
Năm 1963, ông được nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức trao tặng Huân chương Humbon và bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa dân chủ Đức.
Ngày 28/7/1969, Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu qua đời sau một cơn đau đột ngột, khép lại 68 năm tuổi đời và hơn 50 năm cống hiến miệt mài cho khoa học.
Là một sử bút cương cường, đầy khí phách, trung thực với sứ mệnh người viết sử chân chính, Trần Huy Liệu xứng đáng được giới sử học cách mạng Việt Nam tôn vinh là người anh cả.
Hoàng Yến/ TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất