Giáo dục là một công nghệ (Bài 2): Giáo dục còn là một nghệ thuật

13/10/2009 11:02 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - 3. Trong bài viết “Hủy bỏ “triết lý đọc – chép” bằng công nghệ giáo dục” (CNGD) trên TT&VH ngày 20/9/2009, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh viết:

 “Nguyên lý của phát triển bài học là đi từ trừu tượng tới cụ thể, nâng nấc thang trừu tượng kế tiếp nhau để đi đến trình độ cụ thể ngày càng cao hơn. Từ phát triển hiện thực vật chất đến phát triển tư duy trong tâm lý và khái niệm”.


Bỏ qua cách diễn đạt chưa chỉnh (chẳng hạn nên viết: từ phát triển tư duy cụ thể gắn với hiện thực đến phát triển tư duy khái niệm trong tâm trí), theo tôi đây là quan điểm đối ngược với quá trình nhận thức của trẻ em nói riêng và loài người nói chung. Nhận thức bao giờ cũng đi từ cụ thể tới trừu tượng, chứ không phải ngược lại. Nó cũng ngược với lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget (đã giới thiệu trong bài trước). Và trong chính cái “nguyên lý” đó thì phần sau lại bác bỏ phần trước. “Từ phát triển hiện thực vật chất đến phát triển tư duy trong tâm lý và khái niệm” chính là đi từ cụ thể tới trừu tượng. Từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng; từ tư duy trừu tượng trở lại với thực tế (Lênin), đó mới là con đường nhận thức của loài người. Và phải có vòng xoáy hay chu trình tư duy như thế thì mới có sự phát triển nhận thức đi lên theo kiểu xoáy ốc, như quan niệm của triết học biện chứng.

Cần lưu ý rằng giáo dục Âu Mĩ, nhất là giáo dục Pháp, từng đưa các khái niệm trừu tượng, như tập hợp, vào ngay lớp một, có lẽ do ảnh hưởng của nhóm Bourbaki trong toán học. Nay họ thừa nhận đó là một sai lầm.

4. “Giáo án là kế hoạch tổ chức cho học sinh làm, là bản thiết kế làm việc… Giáo án không phải là cái thầy đọc cho học sinh chép”.

Xin hỏi, ở đâu và lúc nào, người thầy đọc giáo án cho học sinh chép? Ngay cả trong nền giáo dục “đọc - chép” thuần túy, người thầy cũng chỉ đọc một số nội dung cụ thể trong giáo án mà thôi. Chẳng lẽ thầy cô đọc cả phân bố thời gian bài giảng cho học sinh chép! Tuy nhiên đó chưa phải là ngộ nhận lớn nhất của tác giả.

Tôi thật không tin vào mắt mình khi đọc “sách giáo khoa chỉ là biên bản quá trình làm và kết quả làm việc giữa thầy và trò”. Có lẽ đây là một ngộ nhận sẽ gây tác hại lớn cho CNGD mà tác giả đang cổ vũ.

Biên bản quá trình làm và kết quả làm việc giữa thầy và trò hoàn toàn mang tính cá nhân, là chuyện riêng giữa hai thầy trò với nhau. Biên bản và kết quả làm việc sẽ hoàn toàn khác nhau giữa một học sinh hiểu tốt đối tượng, chẳng hạn thuyết tiến hóa Darwin, và một học sinh hoàn toàn không hiểu. Như vậy lớp học 50 học sinh cần tới 50 cuốn giáo khoa, với nội dung trải rộng từ những hiểu biết đầy đủ nhất về tiến hóa luận cho tới con số không tròn trĩnh? Và trên qui mô toàn cầu, sự “tự do hóa”, chính xác hơn là sự vô chính phủ, sẽ phát triển vô giới hạn?

Ngược với quan niệm của tác giả, sách giáo khoa là tinh hoa trí tuệ, là tài sản chung của loài người, chứ không phải là chuyện riêng của hai thầy trò, dù là cặp thầy trò kiệt xuất nhất nhân loại. Trong khoa học, nhất là toán học và khoa học tự nhiên, về cơ bản sách giáo khoa trên toàn thế giới giống nhau, với hệ thống kiến thức chính xác và khách quan, độc lập với những khác biệt về ý thức hệ hay văn hóa giữa các quốc gia, các nhóm xã hội hay các cá nhân. Với đa số nền giáo dục, sách giáo khoa thường chứa đựng những kiến thức nền tảng, mang tính pháp lý mà tất cả thầy và trò phải tuân theo.


Theo thiển ý, “thầy thiết kế - trò thi công” theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cũng chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi. Ngay cả trong nền giáo dục Nho giáo truyền thống, thầy giảng - trò nhớ, người thầy cũng chính là người thiết kế, cụ thể là thiết kế bài giảng, còn học trò chính là người thi công, cụ thể là thi công việc ghi nhớ. Và giữa thiết kế và thi công, việc nào quan trọng hơn? Nếu thiết kế quan trọng hơn, CNGD là nền giáo dục lấy “thầy là trung tâm”? Nếu thiết kế và thi công quan trọng như nhau, CNGD có hai trung tâm? Và vì thi công khó quan trọng hơn thiết kế, nên thực ra CNGD không xem “trò là trung tâm” như vẫn tuyên bố? Cái bẫy ngôn ngữ xem ra khá nguy hiểm và không chừa bất cứ ai.


Điều cuối cùng tôi muốn trao đổi là quan niệm nền tảng, xem thiết kế giáo dục trẻ em như một khoa học (điều quá hiển nhiên, không ai quan niệm khác) và thực hiện chúng như một công nghệ. Kèm theo là khái niệm công nghệ dẫn theo Từ điển Bách khoa Toàn thư, “một tập hợp các phương thức, các phương pháp dựa trên cơ sở khoa học và sử dụng vào sản xuất trong các ngành sản xuất khác nhau để tạo ra các sản phẩm vật chất và dịch vụ”. Đây chính là điểm có thể gây ra sự nghi ngại. Phải chăng tác giả xem giáo dục là một ngành sản xuất, với “các sản phẩm vật chất và dịch vụ” là con người?


Gần 30 năm trước, khi cả nước đang phải chạy ăn từng bữa, trong một buổi đi tăng gia sản xuất, tôi vô cùng khâm phục nhà thơ chân đất vô danh khi đọc hai câu thơ trên một bức tường nhà kho hợp tác xã: “Mười năm là chuyện trồng cây - Trăm năm là chuyện khéo tay trồng người”. Vâng, trồng người là chuyện khéo tay, không phải cứ muốn là được; và giáo dục không chỉ là khoa học hay công nghệ, mà còn là nghệ thuật, nghệ thuật trồng người. Và trên tất cả, chúng ta, những sinh linh nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong vũ trụ, với tất cả các đặc trưng tâm linh, vật chất, trí tuệ và cảm xúc riêng biệt, không phải là sản phẩm vật chất hay dịch vụ mà một ngành sản xuất hay một công nghệ tân kì nào đó có thể tạo ra.

Giáo dục không chỉ là công nghệ, giáo dục hơn là một công nghệ.


Đại tá Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm