Giáo dục cũng nên vận hành theo cơ chế sinh lợi

16/05/2009 16:52 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Thông thường khi thành lập ra một tổ chức nào đó, người ta phải xác định rõ: Nó được sinh ra để làm gì, hoạt động như thế nào và lấy gì để nuôi nó? Nguồn năng lượng để giúp nó tồn tại phải lấy từ đâu, sử dụng như thế nào cho hiệu quả? Giáo dục cũng vậy.

>>> Tổ chức ngày hội giáo dục phát triển
>>> Tiết kiệm – phải bắt đầu từ giáo dục
>>> Đầy chất giáo dục!

Nếu chúng ta đặt vấn đề là giáo dục để cung cấp nguồn nhân lực cho việc phát triển kinh tế, tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra tiền thuế đủ để nuôi sống không chỉ ngành giáo dục mà còn cả các cơ quan hành chính khác, thì tất nhiên là không nên nghĩ đến chuyện lời lãi mà giáo dục mang lại, vậy thì có nên đặt vấn đề cổ phần hóa các trường học để nó hoạt động theo cơ chế sinh lời?

Có lẽ chúng ta đang lẫn lộn giữa việc quản lý hiệu quả một trường học với việc cổ phần hóa nó, hay nói cho đúng hơn là chúng ta đang nghĩ rằng cứ cổ phần hóa thì sẽ quản lý hiệu quả các trường học. Theo lẽ thường “đồng tiền liền khúc ruột” cho nên các ông chủ (tư nhân) thường làm mọi cách để số tiền họ đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện nay “ông chủ” của các trường học là ai? Là nhà nước cho nên không quan tâm đến việc quản lý hiệu quả các nguồn tiền? Và nếu tư nhân hóa (cổ phần hóa) thì sẽ quản lý tốt hơn?

Có một thực tế không thể chối cãi được là các trường tư thục (hay cổ phần) được điều hành theo đúng nghĩa của 1 hệ thống sinh lời, nghĩa là làm tất cả những gì có thể đem lại hiệu quả cao nhất (sinh lợi) và hạn chế tối đa những chi phí không cần thiết (cũng lại sinh ra lợi nhuận).

Vậy thì chúng ta có thể điều hành một trường công theo cơ chế sinh lời này hay không? Xin thưa là có thể, trừ việc thay thế nguồn thu từ học phí (được đóng góp bởi sinh viên) bằng tiền của ngân sách. Ngân sách sẽ trả thay cho sinh viên tiền học phí, còn tất cả các hoạt động khác thì sẽ được điều hành đúng như các trường tư thục. Hiệu trưởng phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về hoạt động của trường và sẽ bị sa thải (hoặc bồi thường thiệt hại) nếu trường không sinh lợi (hoặc thất thoát tài sản). Như vậy mục tiêu của trường vẫn là lợi nhuận, nhưng không phải làm bằng cách liên tục tăng học phí mà tăng cường cạnh tranh để thu hút học sinh bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo chất lượng học sinh ra trường. Các trường sẽ phải đánh giá nhu cầu sử dụng lao động để có thể cung cấp đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp và việc làm này có thể thu phí (đào tạo theo nhu cầu) hoặc tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế và bán bản quyền các nghiên cứu này để tạo ra nguồn kinh phí bổ sung…

Tóm lại, nên coi nhà trường là một tổ chức sinh lợi và điều hành đúng như qui luật kinh tế thị trường nhưng không nên tư nhân hóa nó vì nó phục vụ cho lợi ích lớn hơn là mục đích kiếm lời ngắn hạn. Nhà nước có thể kiểm soát hoạt động của nhà trường bằng cơ chế thị trường đúng nghĩa, duy trì hệ thống hạch toán minh bạch, công khai, thưởng phạt hợp lý để gia tăng hiệu quả trong khi hạn chế tối đa chi phí. Vấn đề là phải đào tạo được những con người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, chứ không phải đào tạo theo chỉ tiêu và đưa ra một số lượng người tốt nghiệp không có công ăn việc làm như hiện nay.
 
Trọng Sánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm