12/08/2008 08:59 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Từ lâu, nhà nước từng hô hào “Tiết kiệm là quốc sách”. Tuy nhiên, nói để chỉ nói. Việt Nam có lẽ là một trong những nước ít tiết kiệm nhất. Gần đây, báo chí mở các diễn đàn “hiến kế tiết kiệm” mong muốn có chuyển biến tích cực của xã hội. Theo thiển ý của tôi, tiết kiệm phải bắt đầu từ giáo dục và nhà nước phải nêu gương.
![]() Tranh biếm về giáo dục của HS Đức |
Từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã làm kinh ngạc thế giới. Bại trận sau thế chiến thứ 2, như một phép lạ, trong vòng 4 thập niên, vương lên thành cường quốc số 1 về kinh tế. Nhìn lại Việt Nam, cứ tự ru ngủ là “rừng vàng, biển bạc”. Rồi hô hào “Đi, ta đi khai phá rừng hoang. Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng? Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy…”. Làm kinh tế mà cứ như đánh giặc, cái gì cũng phong trào, cũng chiến dịch.
Đất nước ta còn nghèo, quá nghèo, hà cớ gì phải bao cấp học phí cho cả những gia đình khá giả, thậm chí trọc phú. Thầy cô đi làm bằng xe đạp, lương cầm hơi vẫn cố dạy tốt cho những cậu ấm cô chiêu xe hơi đến lớp. Trả lương không đáng khả năng lao động làm thui chột nhiệt huyết cũng là lãng phí. Hậu quả là thầy cô phải tự bươn chải để cứu mình. Cách dễ nhất là dạy thêm – vừa lãng phí tiền bạc, vừa lãng phí thời gian và công sức của cả thầy cô, phụ huynh và học sinh.
Bệnh hình thức đã trở thành nan y trong trường học. Lãng phí từ cách làm giáo án, các cuộc thi “sáng kiến kinh nghiệm”. Lãng phí từ việc thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch, người soạn đằng Đông, người dạy đằng Tây. Lãng phí từ cách thi cử rườm rà, tốn kém. Lãng phí từ cách tư vấn tuyển sinh kiểu chiến dịch. Lãng phí từ cách giải quyết hậu quả của việc thầy đứng nhầm chỗ trò ngồi nhầm lớp, từ trang thiết bị đến cơ sở vật chất .. và ..
Giáo dục phổ thông đã vậy, giáo dục đại học chẳng khá hơn. Tỉnh nào, ngành nào cũng có đại học, kiếm đâu ra thầy đủ chuẩn để quản lý và giảng dạy. Đại học nhiều khi thành học đại. Học để lấy bằng, để lòe thiên hạ, để hợp thức hóa “ghế”. Đủ loại hình từ công lập, dân lập, tư thục. Từ liên kết đến mở rộng, từ chính quy đến tại chức, chuyên tu…trăm hoa đua nở. Có cán bộ bận “trăm công nghìn việc” vẫn theo học mấy đại học cùng lúc. Người xưa bảo thi cử vì thi rồi mới cử. Còn bây giờ cử thi, vừa làm đủng đỉnh vừa học nhẩn nha và thi là ..đậu. Có huyện còn tự liên kết mở lớp tại chức và bằng chỉ có giá trị trong huyện! Hậu quả của nền giáo dục như vậy là bằng cấp của Việt Nam ít được quốc tế công nhận. Ngay ngành du lịch, cũng có hơn chục loại bằng khác nhau, trong ngành còn chưa hiểu nổi huống là thiên hạ?! Lãng phí từ việc học một đằng làm một nẻo. Gì cũng học nhưng chẳng có cái nào thành thục, cứ lý thuyết chung chung mà thiếu thực hành cụ thể. Hậu quả là trên 60% sinh viên ra trường làm trái nghề, nhiều khi làm nghề chẳng liên quan gì với những điều đã học. Lãng phí ghê gớm.
Lãng phí đã được hình thành cả vô thức và ý thức từ môi trường giáo dục như vậy.
Bài tiếp theo: Tiết kiệm – Nhà nước phải làm gương!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất