Chất lượng giáo dục đi xuống

28/09/2009 14:19 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Để ngành giáo dục thật sự phát triển, phải chọn được những người ưu tú nhất làm thầy cô giáo và chọn được những học sinh giỏi nhất thi vào ngành sư phạm. Nghề dạy học vốn được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều học sinh giỏi đang có xu hướng quay lưng lại với nghề sư phạm.

Học sinh giỏi của các trường phổ thông trung học đang xem các trường như Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng, Bưu chính viễn thông, Bách khoa, Xây dựng... là những ngành “nóng” nhất hiện nay. Theo đó, các em đua nhau thi tuyển vào những trường này và loại các trường ngành Sư phạm ra khỏi tầm ngắm. Chất lượng đầu vào có thể nhìn thấy rõ nhất trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Tất cả thí sinh dự thi ở các trường đại học Sư phạm không em nào đỗ thủ khoa và điểm trúng tuyển cũng đang theo chiều hướng giảm dần. Rất nhiều khoa của trường đại học nổi tiếng lấy điểm tuyển sinh đợt I là 15 điểm. Các trường đại học Sư phạm ở các tỉnh còn lấy ở mức thấp hơn 2 điểm là 13 điểm, bằng mức điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đề ra. Hệ cao đẳng còn tệ hơn, rất nhiều trường tuyển sinh với số điểm thi đạt từ 10 - 11 điểm. Mức điểm tuyển sinh này thấp hơn rất nhiều so với những ngành khác đang được đánh giá là “nóng” như đã nói ở trên. Điều này khiến những người tâm huyết với nghề dạy học không tránh khỏi xót xa.


Thí sinh dự thi vào đại học

Chất lượng giáo dục Đại học còn bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tình trạng các trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng hoặc cao đẳng lên đại học chủ yếu là các trường tư thục và các trường đóng tại địa phương. Các trường này chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, các khoa, ngành Sư phạm được phép không thu học phí đối với sinh viên hoặc chính sách “hưởng tín dụng ưu đãi” nhằm thu hút nhân tài. Nhưng trên thực tế chính sách ưu đãi này chỉ có sức hấp dẫn với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Những em có học lực giỏi hiện nay không “mặn mà” với ngành Sư phạm có thể do những nguyên nhân sau: Thứ nhất là cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường rất khó khăn. Việc tuyển sinh tràn lan đã dẫn đến hiện tượng cung vượt quá cầu. Điều này khiến không ít sinh viên sau 4 năm ra trường, cầm được tấm bắng Đại học thấy hoang mang về tương lai của mình. Một bộ phận trong số này đã phải chuyển sang làm nghề khác. Còn những em có hoài bão với nghề, miệt mài theo đuổi chuyên ngành đã học của mình suốt 4 năm, nhưng cũng chỉ là giáo viên hợp đồng với mức lương 500 - 700 ngàn đồng/tháng.

Thứ hai là thu nhập của nghề giáo viên quá thấp, thậm chí nhiều giáo viên trong nghề không yên tâm công tác, lo làm ngoài để mưu sinh. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự định hướng của phụ huynh trong việc chọn trường cho con.

Do đó, cần xác định rõ tầm quan trọng của nghề giáo viên để có công cuộc cải tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm tạo “sức hút” đối với học sinh giỏi của các trường PTTH nhằm nâng cao chất lượng “đầu vào”. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục có những chính sách ưu đãi đối với sinh viên học ngành Sư phạm, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương, phụ cấp nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh ngành Sư phạm cũng không nên chạy theo số lượng mà tiến hành rà soát lại số giáo viên hiện có ở mỗi địa phương để có kế hoạch tuyển sinh hợp lý (“cung” bằng “cầu”). Sinh viên Sư phạm sau khi tốt nghiệp cần nhanh chóng tìm được việc làm sớm, phù hợp. Đây không chỉ là cách để thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành Sư phạm mà còn là động lực để mỗi sinh viên yên tâm phấn đấu trong quá trình học tập của mình.

Mai Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm