Vĩnh biệt "bố già âm nhạc" Ravi Shankar

13/12/2012 06:30 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/12, nhà soạn nhạc huyền thoại Ravi Shankar của Ấn Độ đã qua đời tại Mỹ ở tuổi 92. Lúc sinh thời, Shankar được xem là người có công phổ biến rộng rãi nhạc cổ điển Ấn Độ với nhân loại và giúp kết nối thế giới thông qua âm nhạc của ông.

Hôm 11/12, một thông báo đăng trên trang web của Ravi Shankar nói rằng ông qua đời tại San Diego, Mỹ, gần ngôi nhà riêng nằm tại vùng Nam California với vợ và con gái ở bên.

Mất mát lớn của thế giới âm nhạc

Ravi Shankar đã có bệnh tim mạch và hệ hô hấp. Ông mới trải qua cuộc phẫu thuật thay van tim hồi tuần trước. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã xác nhận cái chết của Shankar và gọi ông là "báu vật quốc gia".

Buổi trình diễn cuối cùng của Shankar được thực hiện cùng với người con gái của ông là nghệ sĩ sitar Anoushka Shankar Wright, vào ngày 4/11 vừa qua ở Long Beach, California. Quỹ di sản của ông cho biết buổi trình diễn là để ăn mừng hoạt động sáng tạo âm nhạc của ông. Shankar cũng nhận được tin ông lại được đề cử giải Grammy ngay trước đêm tiến hành phẫu thuật.

"Đây là một trong những mất mát lớn nhất với thế giới âm nhạc" - Kartic Seshadri, một học trò của Shankar và là giáo sư âm nhạc tại Đại học California nói.

Ravindra Shankar Chowdhury sinh ngày 7/4/1920 tại thành phố Varanasi của Ấn Độ. Năm lên 10 tuổi, ông tới Paris để tham gia một gánh hát nổi tiếng thế giới khi đó của người anh trai Uday. Trong vòng 8 năm tiếp theo, Shankar đã cùng gánh hát di chuyển trên khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Shankar nói rằng việc sớm được đắm chìm trong các không gian văn hóa quốc tế đã giúp ông có động lực trở thành một đại sứ âm nhạc của Ấn Độ.

Trong quá trình lưu diễn, nghệ sĩ âm nhạc trứ danh Baba Allaudin Khan đã tham gia gánh hát. Ông nhận thấy tiềm năng từ Shankar nên quyết định dành 7 năm rưỡi dạy dỗ nghiêm khắc cậu học trò cách điều khiển đàn sitar. "Khan từng nói rằng tôi phải quẳng lại mọi thứ để làm một thứ thật tốt" - Shankar có lần nói với hãng tin AP.

Trong những năm 1950, Shankar bắt đầu trở nên nổi tiếng trên khắp Ấn Độ. Ông đã giữ vị trí giám đốc âm nhạc tại Đài phát thanh toàn Ấn Độ ở New Delhi và đã viết nhạc cho nhiều bộ phim ăn khách. Ông bắt đầu viết các bản nhạc cho nhiều dàn nhạc giao hưởng, trong quá trình đó đã pha trộn kèn clarinet cùng nhiều loại nhạc cụ phương Tây khác với âm nhạc Ấn Độ.

"Bố già" của âm nhạc thế giới

Đầu những năm 1950, Shankar bắt đầu việc hợp tác và dạy bảo một số tài năng lớn nhất của âm nhạc phương Tây đã “phải lòng” âm nhạc truyền thống Ấn Độ. Đơn cử như việc ông dạy nhạc cho nghệ sĩ saxophone John Coltrane, người đã đặt tên con trai là Ravi để tôn vinh Shankar.

Ông còn là bạn thân của nghệ sĩ violin Yehudi Menuhin và đã thu âm album West Meets East (Đông Tây hội ngộ) lừng danh cùng ông. Ông cũng hợp tác với nghệ sĩ sáo Jean Pierre Rampal, nhà soạn nhạc Philip Glass và các nhạc trưởng Andre Previn, Zubin Mehta.

Ông cũng thực hiện các màn trình diễn được khen ngợi tại tại châu Âu và châu Mỹ, nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc nối liền khoảng cách âm nhạc nằm giữa phương Tây và phương Đông. Năm 1959, khi mô tả các cuộc biểu diễn của Shankar trong thời kỳ đầu, tờ Time đã viết rằng "khán giả Mỹ đã rất nhiệt tình đón nhận âm nhạc của ông, nhưng thường chẳng hiểu gì".

Giai đoạn những năm 1960, việc Shankar "chơi" với cây guitar chính của ban nhạc Beatles là George Harrison đã khiến ông trở thành ngôi sao nổi tiếng thế giới. Harrison đã đặc biệt hứng thú với sitar, một loại đàn dây cổ dài được xem là biểu tượng âm nhạc của Ấn Độ. Harrison đã chơi nhạc cụ này với một giai điệu phương Tây trong ca khúc Rừng Na Uy. Tuy nhiên không lâu sau đó ông đã phải tìm kiếm Shankar, lúc đó đang là biểu tượng âm nhạc ở Ấn Độ, để học cách chơi đàn đúng kiểu.

Cả hai người đã dành nhiều tuần luyện tập cùng nhau, bắt đầu bằng các bài học ở nhà Harrison tại Anh và rồi chuyển tới một nhà thuyền nằm ở Kashmir, trước khi đến California. Tự tin hơn vào khả năng chơi nhạc cụ phức tạp như đàn sitar, Harrison đã ghi âm ca khúc lấy cảm hứng từ Ấn Độ mang tên Within You Without You trong album phòng thu thứ 8 của Beatles là Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band, giúp thổi bùng lên giai đoạn pha trộn nhạc rock - nhạc raga cổ truyền Ấn Độ trong những năm 1960, đồng thời làm tăng thêm sự chú ý tới Shankar và công việc của ông.

Sức ảnh hưởng lớn và tài năng nghệ thuật của Shankar đã khiến George Harrison gọi ông là "bố già của âm nhạc thế giới".

Người khai sinh hoạt động biểu diễn nhạc từ thiện

Sự hâm mộ đối với Shankar bùng nổ và ông dần đã chơi nhạc với một số nghệ sĩ rock hàng đầu của thời đại. Ông từng chơi nhạc trong buổi trình diễn kéo dài 4 giờ tại Liên hoan nhạc pop Monterey và trong lễ khai mạc Hội chợ âm nhạc và nghệ thuật Woodstock.

Dù âm nhạc của Shankar thu hút ngày càng đông khán giả, với đủ loại đối tượng khác nhau, ông thực chất lại là người có khuynh hướng trọng truyền thống, kỷ luật và nghiêm túc. Ông chống lại kịch liệt việc sử dụng ma túy và tính nổi loạn trong văn hóa hippie.

"Tôi rất sốc khi thấy người ta ăn mặc quá đỗi lòe loẹt phô trương. Tất cả họ đều phê thuốc. Với tôi, đó là một thế giới mới" - Shankar từng thổ lộ trên tạp chí Rolling Stone về cảm nhận của ông với Liên hoan Monterey.

Trong lúc thưởng thức hoạt động trình diễn của nghệ sĩ Otis Redding và ban nhạc The Mamas & the Papas tại liên hoan trên, ông đã kinh hoảng khi thấy nghệ sĩ Jimi Hendrix thiêu cháy cây đàn guitar của anh. "Như thế là quá mức với tôi. Trong văn hóa của chúng tôi, nghệ sĩ phải tôn trọng nhạc cụ, chúng giống như một phần của Thượng Đế vậy" - ông thổ lộ.

Năm 1971, cảm động trước việc hàng triệu người tị nạn phải chạy vào Ấn Độ để tránh chiến tranh ở Bangladesh, Shankar đã liên lạc với Harrison để bàn xem hai người có thể giúp gì. Kết quả là hai người đã tổ chức được sự kiện biểu diễn âm nhạc vì từ thiện quy mô lớn đầu tiên trên thế giới mang tên Concert For Bangladesh. Sự kiện này, với 2 buổi diễn hoành tráng ở Madison Square Garden với sự góp mặt của Eric Clapton, Bob Dylan và Ringo Starr, về sau được Shankar mô tả là "một trong những trải nghiệm âm nhạc cảm động nhất và mãnh liệt nhất của thế kỷ".

Buổi biểu diễn, vốn giúp tạo ra một album nhạc và một bộ phim, đã thu được hàng triệu đô la tiền từ thiện cho Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và truyền cảm hứng để các sự kiện tương tự ra đời, bao gồm buổi trình diễn Live Aid hồi năm 1985 để cứu đói cho Ethiopia và sự kiện Hope For Haiti Now hồi năm 2010 nhằm giúp đỡ quốc gia ở vùng Carribea.

Lận đận trong đời tư

Thành công trong âm nhạc, nhưng Shankar lại có cuộc sống riêng phức tạp. Cuộc hôn nhân của ông hồi năm 1941 với con gái của Baba Allaudin Khan là Annapurna Devi, đã sớm kết thúc. Dù có mối quan hệ tình cảm kéo dài nhiều thập kỷ với vũ công Kamala Shastri, ông và bà lại chẳng đi tới đâu và đôi bên chia tay trong năm 1981. Ông cũng có quan hệ tình cảm với vài người phụ nữ khác trong những năm 1970.

Năm 1979, Shankar có con với người tình Sue Jones và đứa trẻ ra đời được đặt tên Norah Jones, người hiện là một ca sĩ đình đám. Năm 1981, ông tiếp tục có đứa con gái thứ Anoushka với người tình Sukanya Rajan. Tuy nhiên mối quan hệ của Shankar với Sue Jones đã không tốt đẹp trong những năm 1980 và ông không ngó ngàng tới Norah trong cả thập kỷ.

Năm 1989, ông đã cưới Rajan và huấn luyện cô con út Anoushka trở thành người nối nghiệp ông để biểu diễn đàn sitar. Trong mấy năm gần đây, hai cha con thường đi biểu diễn quanh thế giới cùng nhau. Khi Norah Jones trở thành ngôi sao và thắng 5 giải Grammy hồi năm 2003, Anoushka Shankar cũng được đề cử giải Grammy của riêng cô. Bản thân Shankar đã giành 3 giải Grammy và còn được đề cử giải Oscar cho nhạc phẩm ông thực hiện cho phim Gandhi.

Âm nhạc của Shankar vẫn là bí ẩn

Có điều thú vị là dù nổi tiếng, ra nhiều album và trong hàng thập kỷ đã tiến hành lưu diễn vòng quanh thế giới, âm nhạc của Shankar vẫn là một sản phẩm văn hóa bí ẩn với không ít khán giả phương Tây.

Shankar đã từng rất buồn cười khi ông và nghệ sĩ Ustad Ali Akbar Khan được khán giả vỗ tay nhiệt liệt tán dương trong cuộc biểu diễn Concert For Bangladesh, lúc hai người mới chỉ chỉnh dây đàn sitar và đàn sarod trong khoảng một phút rưỡi.

Không hề bối rối, Shankar đã nói: "Nếu các bạn thích việc chỉnh đàn của chúng tôi đến thế, hy vọng các bạn sẽ còn vui thích hơn nữa khi nghe nhạc". Và rồi ông chơi đàn một cách say mê.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm