Theo luật Việt Nam, Hồ Vĩnh Khoa và bạn trai vẫn là 'hai người bạn cùng nhà'

05/10/2017 20:18 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Sau lễ kết hôn bên Mỹ của ca sĩ Hồ Vĩnh Khoa bạn trai, rất nhiều độc giả đã thắc mắc về vấn đề hôn nhân đồng tính tại Việt Nam, cũng như những khúc mắc mà cặp đôi này có thể gặp phải nếu quay về sống tại Việt Nam sắp tới.

Để giải đáp những thắc mắc này, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã liên hệ với bà Lương Minh Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam).

Thực tế, trong vài năm qua, 2 tổ chức này cũng đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về quyền lợi của người đống tình tại Việt Nam.

Theo 2 chuyên gia này, Luật hôn nhân gia đình sửa đổi (có hiệu lực từ 01/01/2015) tại Việt Nam không cấm việc kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Tuy nhiên luật cũng không thừa nhận mối quan hệ hôn nhân này (Khoản 2 Điều 8). Do đó, mối quan hệ này không nhận được sự bảo hộ của pháp luật như giữa các cặp vợ chồng khác giới.

Chú thích ảnh
Hồ Vĩnh Khoa và bạn trai tại Mỹ

Về vấn đề làm đám cưới, 2 chuyên gia cho rằng cần phân biệt rõ giữa việc đăng ký kết hôn (và được cấp giấy chứng nhận kết hôn) với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và việc tổ chức đám cưới ở góc độ một nghi lễ về mặt văn hóa và xã hội.

Vì vậy, hai người cùng giới hay khác giới đều có quyền tổ chức lễ cưới (miễn họ đủ tuổi thành niên theo quy định của pháp luật). Trên thực tế, có khá nhiều lễ cưới giữa hai người cùng giới đã được tổ chức trong vài năm gần đây tại Việt Nam. Do vậy, sẽ là khả thi, nếu Hồ Vĩnh Khoa và bạn trai có ý định tổ chức tiếp đám cưới tại Việt Nam .

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam không cấm hai người cùng giới (cũng như khác giới) chung sống với nhau. Vì vậy, Khoa và bạn đời của Khoa có thể về Việt Nam sống chung với nhau mà không phải làm thủ tục gì - ngoài việc thực hiện các thủ tục về hộ tịch theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như đăng ký tạm trú tạm vắng, các thủ tục về đăng ký quốc tịch nếu có.

Hồ Vĩnh Khoa và những tâm sự về tình yêu đồng tính

Hồ Vĩnh Khoa và những tâm sự về tình yêu đồng tính

Hồ Vĩnh Khoa từng ngưỡng mộ những người bạn đồng tính vì thấy họ yêu rất mãnh liệt. Với Khoa, giới tính chỉ liên hệ với tình cảm ở cách gọi đối tượng là "anh" hay "cô".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới, nên việc Khoa và bạn đời của mình sống chung với nhau cũng không khác gì việc hai người bạn cùng nhà. Do vậy, hai bạn đều không được hưởng các các quyền và nghĩa vụ phát sinh bởi quan hệ hôn nhân (ví dụ quyền được đại diện cho nhau, quyền thừa kế, quyền với tài sản chung ....).

Tại một số nước trên thế giới, dù chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, luật pháp của các quốc gia này vẫn quy định hai người cùng giới có thể sống chung có đăng ký với nhau (ví dụ theo hình thức kết hợp dân sự). Và việc sống chung này sẽ dẫn tới việc công nhận một số quyền và nghĩa vụ tương tự như quan hệ hôn nhân, như quyền được đại diện cho nhau trong các giao dịch dân sự, và quyền nhận con nuôi như một cặp vợ chồng.

"Luật pháp Việt Nam chưa có chế định tương tự cho các cặp đôi cùng giới. Vì vậy Khoa và bạn đời không được hưởng các quyền này" - ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS- cho biết - "Chúng tôi cũng mong pháp luật sớm có những điều chỉnh để theo kịp các đòi hỏi về việc đảm bảo quyền và nhu cầu chính đáng của những trường hợp như Khoa và bạn đời".

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm