Nhớ nhạc sĩ Xuân Oanh: Đằm thắm như 'Quê hương anh bộ đội'

01/09/2012 15:00 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Ngày Thu tháng 8 này, hình ảnh hàng đoàn người như làn sóng dưới lá cờ đỏ sao vàng giành chính quyền và khúc tráng ca Mười chín tháng Tám lại vang lên trên các đài truyền hình như đưa chúng ta về những ngày tháng sôi động ấy.

Nhạc sĩ Xuân Oanh

Bên cạnh Mười chín tháng Tám hừng hực khí thế, nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) có những ca khúc trữ tình đằm thắm, một trong số đó là Quê hương anh bộ đội. Trong chương trình “Điều còn mãi, 2012” này bài hát sẽ được Mỹ Linh trình bày cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, hy vọng mang lại cho khán thính giả cảm xúc thẩm mỹ như Xuân Oanh mong muốn.

Những ngày Cách mạng tháng Tám -1945 đầy sôi động, một khí thế mới của cuộc đổi đời từ phá xích xiềng nô lệ, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời, mà Xuân Oanh gọi đó là “ánh sao tự do”. Bài hát Mười chín tháng Tám của Xuân Oanh vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, động viên mọi người hăng hái tham gia bảo vệ chính quyền Dân chủ Cộng hòa non trẻ với tất cả nhiệt huyết.

Từ "Mười chín tháng Tám" đến "Quê hương anh bộ đội"

Sau Cách mạng tháng Tám Xuân Oanh được điều về làm báo Cứu Quốc, do đồng chí Xuân Thuỷ là Uỷ viên Tổng bộ Việt Minh phụ trách, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh.

Là nhân viên trẻ nhất ở tòa soạn, Xuân Oanh làm mọi việc: in ấn, chuyển báo, viết bài, và vẽ minh họa, hồi đó không có máy ảnh, họa sĩ Trần Đình Thọ (sau làm Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cùng Xuân Oanh thay nhau vẽ minh họa cho báo. Rồi ông được phân công nhiệm vụ làm tin tức quốc tế, được giao cho chiếc radio nghe đài nước ngoài. Tôi lại nhớ lần ông kể: “Mình mới 23 tuổi, được giao nhiệm vụ nghe đài địch để làm tin... đánh địch, là cấp trên tin tưởng lắm. Hồi đó làm gì có sách dạy ngoại ngữ. Suốt ngày mình nghe và tự học từ chiếc radio đó”. Ông ví như mình phải nhảy xuống sông lớn, phải tự “bơi” trong con sông lớn đó.

Có những đêm ngồi bên bếp lửa các đàn anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy... trao đổi trò chuyện, thi thoảng chàng thanh niên Xuân Oanh cũng góp theo. Như ông nói “Môi trường đó rèn luyện mình rất nhiều”.

Năm 1949, một lần Xuân Oanh đi theo đơn vị bộ đội viết bài. Được sống bên các anh bộ đội cụ Hồ phần lớn xuất thân từ nông dân, nghe họ tâm sự về quê hương với mái nhà, bờ tre, cánh đồng lúa chín thơm hương, đứa em thơ ngồi hát vui trên mình trâu... Nhất là có anh lính trẻ thẹn thùng kể với anh phóng viên gầy gầy, nhỏ nhắn mới gặp lần đầu đã thấy thân quen về cô láng giềng.

Đêm đêm, cô vừa kéo tơ vừa khẽ hát những khúc dân ca vọng sang nhà anh, khiến giờ đây, mỗi lần câu hát vang lên trong tâm khảm, anh thấy lòng xôn xang bao nỗi nhớ thương. Anh nhớ buổi cô gái tiễn anh đầu quân, họ cầm tay nhau – cái va chạm vào nhau lần đầu của hai trái tim trẻ trung đầy xúc động. Hai người chia tay, họ không nói năng được điều gì nhưng trong lòng đều vấn vương lưu luyến, họ đều tự hứa về tình yêu chung thủy dành cho nhau... Trên dặm đường chinh chiến xa quê, mắt vẫn quay về xóm cũ làng xưa ở đó có người đợi chờ anh... Bên bếp lửa hồng, trong không khí tĩnh mịch của rừng sâu, sau khi nghe Xuân Oanh kể chuyện chuyến đi công tác vừa rồi, nhà văn Nam Cao cùng làm ở báo Cứu Quốc thủ thỉ : “Xuân Oanh viết một bài hát về anh bộ đội và quê hương đi!”. Thế là bài hát Quê hương anh bộ đội ra đời.

Những ý tình gửi gắm

Xuân Oanh gửi gắm vào Quê hương anh bộ đội nỗi nhớ về một “Cô láng giềng đêm đêm kéo tơ...”

Ông cũng gửi nỗi nhớ về người thương của ông: Một lần anh vệ quốc đoàn Xuân Oanh bồng súng đứng gác cho cuộc họp của cấp trên ở rạp Đại Nam, thấy cô gái gốc Hà Nội Lê Thị Xuân Uyên. Họ đã phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên.

Sau đó ông biết cô là con nhà tư sản lớn, nhà ở phố Trần Xuân Soạn bấy giờ là nơi cán bộ Việt Minh thường tá túc. Cô đi học đều có tài xế xe hơi đưa đến trường. Ngày toàn quốc kháng chiến, ngôi nhà cô bị giặc Pháp đốt cháy rụi. Cô Uyên được giác ngộ và tham gia hoạt động làm điệp báo cho Công an Việt Minh với bí danh Lê Minh Thái.

Tháng Chạp năm 1947, cô cùng đi công tác với đồng chí Ngọc công an quận 6 - Hà Nội. Hôm đó trời sương mù dày đặc, hai người đi xô vào lính tuần tra nên bị bắt. Ban đầu khai là hai vợ chồng cùng đi về quê, sau có kẻ chỉ điểm nên Lê Minh Thái bị đưa vào Hỏa Lò giam 18 tháng. Nếm đủ đòn tra tấn, cô vẫn kiên trung... Ở ngoài, tổ chức bằng mọi cách giải thoát cho cô. Một hôm, cô được đưa ra một ngôi nhà ở phố Hàng Bạc rồi ngay đêm đó qua sông lên chiến khu.

Ngay khi ra đời, bài hát này đã được đông đảo quần chúng yêu thích. Đấy là một bài hát ghi đậm phong cách Xuân Oanh: trữ tình, đằm thắm... và có cả bức tranh quê hương thanh bình, yên ả trong Quê hương anh bộ đội đã cho thấy thấp thoáng một họa sĩ Xuân Oanh sau này, khi công việc đã rảnh rỗi.

Sau đó một thời gian tự nhiên bài hát bị... treo. Cố thiếu tướng Bắc Việt có lần kể : “Đây là một án không thành văn. Dầu câu kết có tràn đầy niềm tin “Đang chờ ngày về chiến thắng” nhưng mà vẫn bị lên án là: Thời buổi chiến tranh lại hát những giai điệu ủy mị, da diết thế thì bộ đội còn lấy đâu khí thế mà chiến đấu... Nhưng trong sổ tay bao người đã chép nó, và những lúc vắng vẻ họ lại ngân nga hát “Vụt nhớ có phút mến thương anh chàng trai xưa; Mùa Thu một năm nào em gái tiễn chàng trai ra lính; Cầm tay mà không nói chân quay đi nhưng lòng vấn vương...”

Khi đất nước đổi mới Quê hương anh bộ đội được nhiều nghệ sĩ: Thúy Lan cùng tốp nữ Đài TNVN, NSND Lê Dung, NSƯT Cao Minh... dàn dựng và biểu diễn.

Hy vọng rằng Mỹ Linh và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong chương trình “Điều còn mãi, 2012” này sẽ tiếp tục có những sáng tạo trong biểu diễn ca khúc này với phần phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Nguyễn Phú Cương


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm