Nhạc sĩ Kim Ngọc tổ chức Liên hoan Nhạc mới Hà Nội: 'Mới' để tự do thể nghiệm

27/11/2013 13:33 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Mất đến 4 năm, sau sự kiện mang tính chất khởi động Hanoi New Music Meeting - Gặp gỡ Nhạc mới Hà Nội 2009, nhạc sĩ Kim Ngọc mới thực hiện được một giấc mơ: tổ chức Liên hoan Nhạc mới Hà Nội - Hanoi New Music Festival sẽ diễn ra từ 30/11 – 8/12 tại Dom Dom – Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm, số 9 Trần Thánh Tông.

50 nhạc sĩ và nghệ sĩ đến từ 8 quốc gia: Việt Nam, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Đức, Italia, Pháp và Na Uy sẽ đem đến những tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng và các tác phẩm hợp tác quốc tế đặc sắc với mong muốn đem đến cái nhìn mới đầy phiêu lưu cho âm nhạc tại Việt Nam.


Nhạc sĩ Kim Ngọc.

* Mất đến 4 năm để tạo dựng một liên hoan âm nhạc thể nghiệm lần đầu tiên tại Việt Nam. Chị đã phải bỏ công sức như thế nào cho sự kiện này?

- Rất nhiều công phu. 4 năm đó là một chặng đường quá dài mà tôi không lường trước. Điều đó đối với tôi là một sự hy sinh, bởi những nghệ sĩ như chúng tôi chẳng ai muốn làm người sản xuất hay tổ chức cả. Tôi càng không phải típ người thích làm việc đó. Có lẽ vì vậy mà công việc này đối với tôi nặng nhọc hơn đối với những người khác.

Hai năm đầu tôi suy nghĩ và làm việc một mình trên giấy. Hai năm sau bắt tay vào thực hiện và vào 12/2012 thì Dom Dom - Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm chính thức ra đời. Và sau chương trình giáo dục, phát triển khán giả và chương trình không gian sáng tạo diễn ra trong năm qua, Hanoi New Music Festival được coi là cái cột cuối cùng để tạo dựng  ngôi nhà âm nhạc thử nghiệm.

* Tại sao chị lại gọi đây là Liên hoan Nhạc mới?

- Tôi thấy Việt Nam có một khung cảnh sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật đương đại thể nghiệm không giống bất cứ một quy chuẩn hay định dạng nào trên thế giới. Âm nhạc thể nghiệm ở mình không thể nghiệm như kiểu ở Mỹ hay Anh, cũng không đương đại theo kiểu Đức hay Nhật. Nên tôi dùng từ “Mới” để tránh những tranh cãi về định nghĩa thể loại.

Dùng từ “Mới” lại cũng kích thích sức sáng tạo và gợi mở ra một tương lai phát triển không bị lệ thuộc vào những định dạng trước, để chúng ta có thêm tự do tìm ra được bản dạng riêng của chính môi trường nghệ thuật thể nghiệm của Việt Nam. 


Các nghệ sĩ sẽ tham dự Liên hoan Nhạc mới Hà Nội.

* Cũng như nhiều sự kiện văn hóa khác, việc duy trì lâu dài để tạo nên môi trường, sân chơi, thương hiệu luôn là bài toán khó. Tôi muốn biết chị lấy gì làm điểm tựa để có thể tự tin sẽ phát triển sự kiện này thường niên?

- Tôi chỉ biết tựa vào chính mình, niềm tin của mình vào nguyên tắc: khi ta chia sẻ thì mọi người cũng chia sẻ với ta. Dom Dom đã, đang và sẽ là sự chia sẻ với các nhạc sĩ, nghệ sĩ thể nghiệm, là sự chia sẻ cho sự phát triển văn hoá và nghệ thuật của Việt Nam.

Hanoi New Music Festival sẽ là đại sứ tận tuỵ nhất cho sự chia sẻ này, hy vọng với tính chất quốc tế của nó, sự chia sẻ sẽ còn lan rộng ra ngoài biên giới Việt Nam.

* Trong âm nhạc thể nghiệm, có lẽ chỉ hai vợ chồng chị (nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn - PV) đồng hành. Vậy hai người đã có sự chia sẻ và cộng hưởng với nhau như thế nào trong dự án này nói riêng và âm nhạc thể nghiệm nói chung?

- Chồng tôi cũng là nghệ sĩ “ích kỷ” như tôi, không thích tổ chức và sản xuất, không thích phải chịu trách nhiệm, cho nên khi tôi đứng ra lãnh mấy cái trách nhiệm này thì anh ấy thích quá. Đùa vậy thôi, anh ấy luôn “chống tôi dậy” những lúc tôi mệt mỏi quá bằng cách khích lệ công việc này, phân tích khúc triết trong luận đề “đây mới là công việc có ý nghĩa và có đóng góp lớn cho cộng đồng…”.

Anh ấy rất nhiệt tình “làm nghệ sĩ” trong các chương trình vợ tổ chức và sắp tới cũng sẽ góp một tay vào chương trình giáo dục. Có thể nói anh ấy là một nửa “tác giả” của toàn bộ những gì tôi đạt được trong dự án này chỉ bằng cách động viên tôi.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm