Nhạc sĩ Anh Quân: Nhạc Việt đang rất… be bét

07/02/2011 07:57 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Đặt vấn đề bao giờ nhạc Pop Việt có một ca khúc trở thành “hit” trong khu vực, một nhạc sĩ, ca sĩ Việt nhận giải Grammy… với nhạc sĩ Anh Quân, ngay lập tức câu chuyện của chúng tôi theo một hướng khác; Chúng ta không nên mơ chuyện thế giới khi nền âm nhạc đại chúng trong nước vẫn còn đang… be bét! - nhạc sĩ Anh Quân.

* Nếu lấy thước đo là giải thưởng Grammy hay bảng xếp hạng Billboard, thì theo anh nhạc Pop Việt đến bao giờ sẽ có vinh dự ấy?

- Tôi nghĩ chúng ta xưa nay đã quá lạc quan về khả năng nhạc Pop Việt sẽ có những đỉnh cao có thể lọt vào những hệ thống các giải thưởng âm nhạc cũng như bảng xếp hạng trên thế giới. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta không bao giờ có được đỉnh cao này, ít nhất là hết thế hệ của tôi. May chăng thì sang đời con, đời cháu tôi mới dám mơ tới.

* Điều gì khiến nhạc Pop Việt lại rơi vào “tình trạng bi đát” trên, thưa anh?

- Tôi nghĩ đấy là sự nghiệp dư. Nghiệp dư ở đây cần được hiểu theo một ý rất rộng, nghiệp dư khán giả trở đi cho đến nghệ sĩ, đến guồng máy vận hành nền công nghiệp âm nhạc, tạm gọi là công nghiệp âm nhạc chứ thực chất chúng ta chưa có nền công nghiệp này.

Chúng ta đang làm nghề không theo một quy trình nào cả. Lĩnh vực nào cũng có một cái chuẩn của nó. Đến giờ nền âm nhạc của chúng ta vẫn hoàn toàn chưa có được một cái chuẩn quốc tế. Chúng ta đang sử dụng một ngôn ngữ riêng, một cách làm riêng. Nhưng cách làm tự phát này đang là rào cản khiến con đường hội nhập của nhạc Việt ngày càng xa.

Ví dụ một hiện tượng mới của làng nhạc thế giới hiện nay là Charice, một ca sĩ người Philippines. Cô này không hát nhạc dân tộc Philippines, cô ấy toàn cover bài hit của các diva thế giới như Mariah Carrey, Whitney Houston, bằng cách đó may mắn cô ấy đi ra được ngoài biên giới Philippines. Ở một trường hợp ngược lại, như Bi Rain chẳng hạn, một đĩa người ta đầu tư hàng triệu USD, cả một cái máy bay tên Bi Rain đàng hoàng bay sang New York biểu diễn. Không chỉ có thế, mỗi buổi biểu diễn người ta còn bỏ ra hàng triệu USD để mời các sao nổi tiếng của Mỹ tham gia cùng để yểm trợ. Vậy mà cũng còn chẳng vào được thị trường Mỹ, vẫn phải chịu thất bại quay về loanh quanh mấy nước châu Á. Nói vậy để thấy để bước chân vào sân chơi của những ngôi sao thế giới là rất khó và đôi khi cũng cần sự may mắn. Tất nhiên đã được vào sân chơi nào thì người ta cũng phải đạt chuẩn của sân chơi đó.

Về độ chuẩn quốc tế, chỉ so với Philippines thôi thì chúng ta đã thua rất nhiều. Tức là hát ra một cái người ta nghe sẽ cảm thấy đấy là đẳng cấp quốc tế thật: từ cách phát âm, từ cách hát, cách xử lý... Việt Nam mình chưa có ai đạt được đến độ chuẩn quốc tế, có chăng thì có một hai người gọi là khi ra nước ngoài hát thì không thấy đến nỗi ngượng với người ta.

* Thi thoảng thấy báo chí cũng đưa tin có ca sĩ này, ca sĩ kia được mời biểu diễn hay phát hành album ở các nước trong khu vực châu Á, có nghĩa chúng ta cũng đã bắt đầu có bước hội nhập được với khu vực?

- Nói thật, không có chuyện hội nhập nào ở đây. Cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có một hội nhập trong lĩnh vực âm nhạc. Nếu có ai đó phát hành album hay làm show ngoài Việt Nam, chắc chỉ cho người Việt xem, và phát hành thông qua những kênh không phải là kênh chính thức lớn. Hoặc nếu có lọt được vào một hệ thống phát hành lớn thì cũng theo hình thức giao lưu, dự án có tài trợ gì đó, như trường hợp ba đĩa Made in Vietnam, Chat với MozartĐể tình yêu hát của Mỹ Linh phát hành tại Nhật thời gian trước.

Nếu hội nhập một cách sòng phẳng tức là chúng ta phải đi ra thế giới bằng việc có được hợp đồng thu âm với một trong những hãng đĩa lớn. Những hãng đĩa này sẽ phải vào Việt Nam, họ có trụ sở tại đây và họ tìm kiếm các tài năng người Việt để hợp tác. Chúng ta đang chơi trò “đóng cửa bảo nhau”. Đến giờ làm gì có hãng đĩa lớn của thế giới nào dám bước chân vào thị trường Việt Nam!

* Lý do nào khiến những hãng đĩa lại ngoảnh mặt lại với thị trường Việt Nam, thưa anh?

- Đơn giản bởi nếu họ vào đây, không ai bảo vệ họ cả. Bước chân vào là họ sẽ ngay lập tức… gặp toàn kẻ cắp. Thử nghĩ xem, ở thị trường nhạc trong nước hiện nay, chuyện đi mua đĩa thật là thành dở hơi, phải download trên mạng mới là đúng, phải mua đĩa lậu mới là đúng. Vào một thị trường như thế họ sẽ được gì? Tất nhiên khi họ đã không đưa Việt Nam vào danh sách của mình thì cũng đồng nghĩa với việc các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Việt Nam sẽ bị loại khỏi diện tìm kiếm của họ. Như thế, chúng ta cũng bị đóng luôn cánh cửa lớn nhất và cũng là con đường chính thống nhất để ra thế giới.

* Ngoài yếu tố môi trường thì phải chăng tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam cũng có hạn?

- Đừng đổ cho nghệ sĩ Việt Nam không chăm chỉ, cũng đừng đổ cho họ không có tài. Khi họ không có môi trường tốt thì chẳng tài năng nào trụ được vững, ngay cả trong nước chứ đừng nói đến chuyện đi đến được đâu. Nhìn vào làng nhạc hiện nay mà xem, một người sáng tác nhạc như thế, một ca sĩ hát dở như thế mà vẫn nổi tiếng được, vẫn kiếm tiền như điên. Vậy việc gì người ta phải làm hay, phải đầu tư và tâm huyết cho mất công mất sức? Việc gì người ta phải hội nhập?

Châu Á mới có Anggun

Rất ít gương mặt châu Á có thể đứng vững ở thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Pháp hay Anh quốc. Những nghệ sĩ châu Á nhiều lần thâm nhập vào thị trường ấy rồi thất bại, có thể kể đến: BoA, Bi Rain (Hàn Quốc), The Wynners (Hong Kong)… Chỉ có vài cái tên có thể được xem là thành công, rõ nhất là Anggun. Ca sĩ người Indo này là niềm tự hào của Đông Nam Á khi album đầu tay bán được hơn 110.000 bản ở Indonesia và khoảng 45.000 bản ở Bỉ và Pháp. Ca khúc Snow on the Sahara từng lọt vào Billboard ở Pháp và hiện nay Anggun vẫn là giọng ca được nể trọng.

* Nghe anh nói thấy bi quan quá…

- Việc đầu tiên nên làm là cải thiện môi trường âm nhạc cho nó đi theo một hướng đúng đắn. Đây là việc phải có sự đóng góp của nhiều người chứ không phải của riêng nghệ sĩ. Bộ VH-TT&DL, kể cả cấp lớn hơn là Nhà nước phải thấy đó là việc cần can thiệp ngay thì mới làm được. Đó là một chiến dịch, chứ một vài người nhỏ lẻ không thể làm được. Như Hàn Quốc, họ có được sức ảnh hưởng ở châu Á và thế giới hiện nay bởi họ đã chuẩn bị cho chiến dịch này rất kỹ. Và khi họ đã tạo được sức ảnh hưởng rồi thì người ta đương nhiên sẽ rất dễ bán đĩa, bay show ra nước ngoài. Tôi nghĩ đấy là tấm gương lớn để chúng ta học.

Trong những lần hiếm hoi mà ê-kíp chúng tôi (ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Dương Thụ, Anh Quân, Huy Tuấn – PV), có ba sản phẩm được phát hành tại Nhật Bản, xin nói thẳng rằng việc một ca sĩ Việt Nam được chọn phát hành cùng lúc ba album tại Nhật Bản không phải chuyện nhỏ. Nếu mọi người nhảy vào ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi thì tốt quá, ít nhất là có sự kích động cho những điển hình như thế thì mới tạo được phong trào và động viên được nghệ sĩ tiếp tục tìm những đường để hội nhập. Nhưng, tiếc là nhiều người còn cho rằng đây là chuyện tầm phào.

Nếu chỉ có nỗ lực cá nhân của nghệ sĩ mà không có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước thì rất khó để làm nên một làn sóng gì. Khác với nhạc cổ điển, nhạc nhẹ cần số đông công chúng. Nếu như ở nhạc cổ điển, anh Đặng Thái Sơn có tài thì ban giám khảo phát hiện ra ngay khi anh đi thi. Còn nhạc nhẹ thì rất khác, nó đại chúng, càng đại chúng thì càng cần đến những hình thức để PR cho nó, càng cần đến những sự hỗ trợ từ phía sau.

Hay như nạn đĩa lậu, tôi có biết một vài người đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan quản lý thì bạn có biết họ nhận được câu trả lời thế nào không? Họ nói đĩa lậu thì chết ai đâu, có phải thuốc lậu đâu mà sợ? Đĩa lậu thì càng rẻ, dân càng được nhờ. Với những tư tưởng như thế thì làm sao mà hướng lên chuyên nghiệp được!

* Tức là không nên “trong nhà chưa vững đã lững thững ra… thế giới”?

- Tất nhiên! Nền âm nhạc trong nước còn đang be bét thế này thì nói làm gì đến chuyện sẽ đi được đến đâu.

Bài: Việt Tú; Ảnh: Dino Trung - V.Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm